Chuyên gia tâm lý đặt sát thủ Dưỡng và Lê Văn Luyện lên "bàn cân"

21/02/2012 07:31
Tuệ Minh
(GDVN) - "Sẽ là khập khiễng nếu so sánh Lê Văn Luyện với Nguyễn Hữu Dưỡng dù mục đích của cả hai bên cùng là cướp vàng để trả nợ".
Ngay sau khi vụ án giết người cướp vàng ở Thường Tín vào ngày 16/2 xảy ra, nhiều người đã liên tưởng tới vụ thảm án giết người cướp vàng ở phố Sàn (huyện Lục Nam, Bắc Giang) do Lê Văn Luyện gây ra cách đây gần nửa năm. 
Điều khiến mọi người ngạc nhiên và trái với những suy đoán ban đầu về hình ảnh một sát thủ máu lạnh, Nguyễn Hữu Dưỡng (SN 1985, ở Đông Hưng, Thái Bình) đã có vợ, chưa có con, được nhiều người đánh giá là hiền lành, sống tốt với những người xung quanh.

Nguyễn Hữu Dưỡng và Lê Văn Luyện
Nguyễn Hữu Dưỡng và Lê Văn Luyện

Lời khai của Dưỡng tại cơ quan công an cho thấy: Dưỡng đi cướp vàng, giết người để lấy tiền thanh toán khoản nợ 30 triệu đồng với ngân hàng. Theo nhiều người, khoản nợ 30 triệu của ngân hàng không phải là quá lớn, quá sức đối với một người có công việc ổn định ở Hà Nội như Dưỡng.
Vậy điều gì đã khiến một thanh niên hiền lành, sống tốt với mọi người xung quanh lại có thể nhẫn tâm ra tay sát hại một người phụ nữ, cướp vàng chỉ để thanh toán khoản nợ 30 triệu với ngân hàng như vậy ? Nguyễn Hữu Dưỡng có thực sự là một "Lê Văn Luyện thứ hai"?
Việc tìm ra sự logic giữa sự hiền lành với những hành động trời không dung, đất không tha của Nguyễn Hữu Dưỡng thật sự không đơn giản. Đi tìm lời đáp cho câu hỏi đầy vẻ mâu thuẫn này, Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty tư vấn tâm lý- Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng - PSYCONSUL).

Ông Đinh Đoàn cho biết: “ Tôi nghĩ trong trường hợp quẫn cùng thì người ta sẽ quyết liệt để đạt bằng được mục đích. Khi không quẫn cùng mà đi ăn cướp (tất nhiên là có những thúc bách về mặt tiền nong như việc bố đẻ giục đòi 30 triệu chức về kinh tế thì cũng đã có công ăn việc làm ổn định – không phải đối tượng lang thang như Lê Văn Luyện), thấy rằng nếu có điều kiện thì cướp không thì thôi.

Nhưng khi dã “dính” vào rồi thì đôi khi “đâm lao thì phải theo lao” mà cũng chẳng có dự định là phải giết ai đó. Nhưng sự việc này dẫn đến sự việc khác. Tôi nhận thấy những người mà đi ăn cướp, nếu cướp trót lọt thì không bao giờ người ta nghĩ đến chuyện giết người vì mục đích đã đạt được rồi. 
Nhưng mà lúc đấy rơi vào tình cảnh sợ bị phát hiện, để mà thoát thân, để mà bịt đầu mối che đậy toàn bộ hành vi phạm pháp của mình thì dẫn thêm tội giết người chẳng hạn". 

"Với đối tượng Nguyễn Hữu Dưỡng này, tôi nghĩ, chắc anh ta cũng định đến tiệm vàng rồi nếu có cơ hội thì cướp thôi. Khi anh ta mua chiếc nhẫn giả thì có lẽ lúc đó anh ta có ý định lừa đảo rồi tìm cơ hội để ăn cướp khi trong tiệm vàng vắng vẻ, có một mình bà chủ, trong tủ lại có nhiều vàng thì mới nảy sinh ý định cướp đươc nhiều hơn.


Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, Dưỡng không có ý định giết người khi vào tiệm vàng mà chỉ có ý định cướp vàng để trang trải nợ nần
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, Dưỡng không có ý định giết người khi vào tiệm vàng mà chỉ có ý định cướp vàng để trang trải nợ nần

Tôi không nghĩ là trong đầu Dưỡng trước khi vào tiệm vàng đã có “kịch bản”: vào tiệm vàng rồi lấy cớ đi vệ sinh và kề dao vào cổ bà chủ đe dọa, sau cùng là giết bà chủ để cướp vàng…
Nếu là cùng quẫn thì sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích như sắm dao rựa, nằm sẵn trên mái nhà mục đích là giết xong rồi vơ vét của cải như Lê Văn Luyện thì lại là có bài bản chuẩn bị. 
Còn ở đây là bí tiền quá cố “kiếm”  một ít về giả tiền cho bố thì “rẽ” vào nhưng không may kêu rồi có nguy cơ bị lộ, giống như người bị dồn vào chân tường thì sẽ phải cố vùng vẫy và giết người hòng thoát thân.
Trong trường hợp này, tôi nghĩ, tội ác về sau (giết người – PV) có lẽ là do tội ác trước đó (cướp vàng- PV) không thành công mà nên. Hành vi giết người của Dưỡng được thực hiện hoàn toàn có thể là do hoàn cảnh lúc ấy, bột phát với suy nghĩ: nếu không giết bà này thì bà ấy sẽ kêu lên thì mọi người xung quanh sẽ bắt được và có thể phải đi tù… ". Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết thêm.

Nói về sự so sánh giữa Nguyễn Hữu Dưỡng và Lê Văn Luyện,  PGS.TS Trịnh Hòa Bình – GĐ Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã có những phân tích rất sắc sảo. Theo ông Trịnh Hòa Bình: “Sẽ là khập khiễng nếu so sánh Lê Văn Luyện với Nguyễn Hữu Dưỡng dù mục đích của cả hai bên cùng là cướp vàng để trả nợ.

Nhìn về hình thức thì thấy hai bên đều chỉ vì vàng mà tước đoạt đi mạng sống của người khác. Tuy nhiên, hai bên xuất phát điểm khác nhau: Dưỡng là người đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, còn Lê Văn Luyện thì không nghề nghiệp, ham chơi và trẻ con. Dù quá trình Dưỡng gây án thể hiện sự tàn bạo nhưng đó chỉ là suy nghĩ hình thành trong ngày hôm đó.

Dưỡng và Luyện không hoàn toàn giống nhau. Đã chắc gì Dưỡng có chủ ý giết người? Tôi giả dụ nếu bà chủ tiệm vàng mà im lặng để cho Dưỡng lấy vàng đi thì chắc là cũng không xảy ra án mạng nữa”. 
Cùng quan điểm với chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, TS. Trịnh Hòa Bình nói: “Rõ ràng là Dưỡng đã lớn nhưng suy nghĩ không đầy đủ vì bị camera quay từ lúc đầu đến lúc cuối mà vẫn không phát hiện ra. Sau đó vì áp lực như vậy nên mới ra tự thú. Suy cho cùng thì Dưỡng bị áp lực mà gây án.  Nhưng những sự biện minh về áp lực nọ kia vẫn không thể thay thế được cho sự giáo dục, rèn luyện đạo đức lành mạnh, trong sáng”.
“Trong vụ án này, khía cạnh chỉ vì sỹ diện của người đàn ông trong gia đình không lo được nợ nần mà Dưỡng đi cướp là điều hoàn toàn có thể có. Cũng có nhiều người đi ăn cắp mà không ai biết, sau đó thì họ huênh hoang và họ làm oai được với thiên hạ thì họ vẫn đi ăn cắp mặc dù xuất thân có thể rất “tử tế”. Nếu Dưỡng cướp trót lọt không ai biết thì sao?

Trong thực tế đã có vị quan chức khai man lý lịch, khi chưa bị ai phát hiện ra thì vẫn huênh hoang. Bài học ở đây là bài học làm người: Đói cho sạch, rách cho thơm chứ không phải là không ai biết mà vẫn làm điều xấu”. TS. Bình phân tích thêm.

Tuệ Minh