Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: “Loạn” quy chế thi

21/02/2012 06:00
Nhiều năm trở lại đây, quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ liên tục bị thay đổi. Hậu quả là các trường lúng túng, thí sinh dễ trượt oan do không nắm vững thủ tục.
Nhiều năm trở lại đây, quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ liên tục bị thay đổi. Quy chế thi đổi mới khiến các trường lúng túng, Bộ GD&ĐT cũng không thể chủ động, thí sinh dễ trượt oan do không nắm vững thủ tục hồ sơ, thủ tục làm bài. Liệu đến bao giờ mới có quy chế bền vững, thí sinh không trở thành những "vật thí nghiệm” khi triển khai áp dụng thí điểm các hình thức đổi mới?
Quy chế thi liên tục thay đổi, thí sinh là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên Ảnh: Hoàng Long
Quy chế thi liên tục thay đổi, thí sinh là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên Ảnh: Hoàng Long
Nhiều "thí nghiệm” bất thành...
Kỳ thi luôn trở thành áp lực lớn đối với Bộ GD&ĐT, các trường và xã hội. Hàng vạn thí sinh và phụ huynh phải lều chõng "lai kinh ứng thí” tại các thành phố trong điều kiện khắc nghiệt, tắc đường, bị "chặt chém” phòng trọ, giá cả sinh hoạt đắt đỏ... Sự lãng phí không dừng lại ở thí sinh, ngay đến các trường ĐH-CĐ cũng phải thay đổi nội dung, phương thức, cách tổ chức thi cho phù hợp. Các tổ chức xã hội đều gồng mình vào cuộc. Tuy chưa có sự thống kê, nhưng kinh phí từ các khâu để tổ chức một kỳ thi hoàn hảo là rất lớn. Nhiều trường ĐH đã phải công bố mức bù lỗ lên tới hàng trăm triệu do huỷ hàng loạt tài liệu, hồ sơ vì quy chế thay đổi, vì lượng thí sinh ảo tăng cao không đủ trang trải việc thuê địa điểm thi.
Từ năm 2007, Bộ GD&ĐT chính thức áp dụng hình thức thi trắc nghiệm cho 4 môn thi ĐH-CĐ là Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Do thí sinh lần đầu tiên được tiếp cận hình thức này nên rất nhiều bài thi đã làm cả hai đề phần tự chọn. Theo quy chế, những bài thi như thế là phạm quy, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải "xuống nước” thay đổi quy chế bằng tính cả hai phương án nhưng có trừ phần trăm điểm số. 
Năm 2009, ghi nhận việc giảm lượng thí sinh ảo đáng kể khi Bộ GD&ĐT cho phép tăng lệ phí hồ sơ dự thi. Song song với những giải pháp tích cực đó là quy chế thi 3 chung, mức điểm sàn. Nhưng các giải pháp hiệu quả đó không nhiều.

Hai năm trở lại đây, quy chế 3 chung đã bộc lộ nhiều bất cập; cách tính điểm sàn ĐH cũng không còn thích ứng, tỏ ra lỗi thời.

Mùa tuyển sinh năm 2011, khi các trường cố tình vận dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh cho phép hạ điểm vùng miền khó khăn một cách bừa bãi, dư luận đã đồng loạt phản ứng cách quản lý của Bộ GD&ĐT vì có những trường hợp chỉ đạt 7-8 điểm đã đỗ CĐ, 10 điểm đã đỗ ĐH, trong khi điểm sàn ĐH thấp nhất là 13 điểm, CĐ thấp nhất là 10 điểm. Khi đã đưa ra điểm sàn, nhưng vẫn tồn tại những thí sinh quá thấp điểm đỗ ĐH-CĐ là một điều đáng ngại!
Cách tính điểm sàn, lấy nguyện vọng (NV) 2, NV3 cũng làm xáo trộn rất lớn mỗi mùa tuyển sinh. Nhiều trường ĐH trước kia được phép tự lên phương án tuyển sinh thì khá ổn định; nhưng khi áp dụng điểm sàn, lấy theo các NV thì đứng trước thảm cảnh không tuyển đủ chỉ tiêu. Từ đó phát sinh các trường xé rào quy chế, lăng-xê, quảng cáo dưới mọi hình thức nhằm không bị xoá sổ ngành học; tuyển sinh vượt khung chỉ tiêu chỉ để tận thu học phí. 
"Những người làm chuyên môn cũng không thể nhớ hết”
Đầu năm 2010, tại Hội nghị triển khai quy chế thi ĐH-CĐ có sự góp mặt của các lãnh đạo trường ĐH, Sở GD&ĐT các địa phương, nhiều ý kiến đã kiến nghị việc Bộ GD&ĐT thay đổi quy chế hằng năm với tần suất liên tục là điều bất cập.

Vì lý do ổn định kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ, các quy chế nên có tuổi đời 5 năm, tối thiểu cũng phải 3 năm. Đằng này, đã nhiều năm qua, quy chế ban hành thường chỉ "sống” được đúng một mùa tuyển sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận khi đó là ông Nguyễn Văn Hiến phản ứng: "Dù người làm công tác thi chuyên nghiệp cũng không thể nhớ hết vì quy chế thay đổi quá nhanh. Quy chế không ổn định, chắc chắn sẽ gây nhiều ảnh hưởng bất lợi, lãng phí hoặc thực hiện không chính xác, hiệu quả trong tuyển sinh”.
Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định bỏ hình thức tuyển theo NV2, NV3, cho phép các trường tuyển cho tới khi nào đủ thì thôi, nhưng tất nhiên vẫn khống chế bằng điểm sàn. Cách làm trên được lãnh đạo nhiều trường ĐH tán đồng. Vậy là việc thi ĐH sau nhiều năm thay đổi, nhập lại thi chung, sẽ dần dần được tách ra giao quyền tự chủ lại cho các trường ĐH.

Sau năm 2016, Bộ GD&ĐT dự tính sẽ chỉ áp dụng thi 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, các môn khác nhà trường tự đưa vào tổ hợp xét tuyển. Tới năm 2020 sẽ nghiên cứu bỏ thi ĐH.

Về điều này, cách đây nhiều năm, giáo sư Hoàng Tụỵ đã từng phát biểu trên Đại Đoàn Kết: Cách thi hiện nay chắc chỉ có ở Việt Nam. Không cần biết học giỏi hay kém, chỉ cần một cuộc "vượt Vũ môn” may rủi không qua nổi, nghĩa là mất cơ hội vào ĐH. Thi ĐH (và kể cả thi THPT) là một sự tốn kém chứa đựng sự lãng phí khổng lồ, mà hiệu quả không cao. Nên bỏ thi ĐH, chỉ xét kết quả THPT là đủ. Cần phải cương quyết, mạnh dạn, nếu không sẽ không thể chấn chỉnh được hệ thống ĐH vốn đang tồn tại nhiều rệu rã.
Kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT mở thêm khối mới A1 Toán-Lý-Ngoại ngữ. Đây là khối thi được xem là tạo thêm cơ hội đậu cho thí sinh khá về cả khối A lẫn khối D vì có chung môn Toán và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, cần lưu ý là khối A1 phần lớn chỉ dành cho các khối ngành kinh tế và công nghệ thông tin; thí sinh dự thi khối A1 chỉ được xét tuyển vào cùng khối chứ không được xét tuyển sang khối A.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục