Vì sao xe đạp điện trở thành “mốt”? Không khó để nhìn thấy các bạn học sinh, sinh viên “cưỡi” xe đạp điện lượn vèo vèo qua các con phố hay đi từ các cổng trường ra. Xe đạp điện là loại xe dễ điều khiển, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Phần lớn người sử dụng xe đạp điện là học sinh, sinh viên, một bộ phận người cao tuổi, những bà nội trợ hay những người không biết đi xe máy… Nguyễn Thị Huyền, sinh viên trường ĐH Hàng Hải hào hứng cho biết: “Mình thấy xe đạp điện đi rất tiện, nhanh không kém gì xe máy mà gọn nhẹ dễ sử dụng. Mình ghét đội mũ bảo hiểm nên mua xe đạp điện đi cho tiện”.
Các cửa hàng bán xe đạp điện rất đông khách
Xe đạp điện lại dễ đi và gọn nhẹ, không nặng nề như xe máy và không phải mất sức như khi đi xe đạp, giá cả lại tương đối. Hơn nữa sử dụng xe đạp điện không có tiếng ồn của động cơ, không xả khói gây ô nhiễm và chi phí cho “nhiên liệu” – lượng điện tiêu thụ rất thấp. Người sử dụng xe đạp điện không vấp phải các điều kiện như phải có bằng lái, phải có mũ bảo hiểm , không phải đăng ký… So với một chiếc xe máy thông thường thì xe đạp điện có giá cả tương đối dễ mua khoảng 7-8 triệu đồng/chiếc. Anh Vũ Văn Phương, chủ của 1 cửa hàng bán xe đạp điện trên đường Ngô Gia Tự cho biết: “Tôi mở cửa hàng gàn 3 năm trở lại đây. Người mua xe đạp điện nhiều nên tôi cũng mạnh dạn nhập hàng với số lượng lớn. Cửa hàng 1 tháng bán được khoảng 15-20 chiếc”. Một chiếc xe đạp điện sử dụng ba bình ắc quy (loại 12V/12Ah) sau vài giờ nạp điện có thể chạy liên tục được 30km. Trước tình hình giá xăng tăng thì việc lựa chọn xe đạp điện lại càng sốt hơn bao giờ hết. So với giá nhiên liệu mà xe đi được trong 18 000 km (2 năm) mất khoảng 182.000 đồng thì xe máy chạy bằng xăng với số km tương tự mất khoảng 8.550.000 đồng. Phần lớn học sinh Hải Phòng chưa đến tuổi đi xe máy thì việc lựa chọn xe đạp điện không những mang lại lợi ích về kinh tế, về chi phí mà còn mang lại lợi ích về sự tiện lợi.Lợi bất cập hại Với những ích lợi nêu trên, xe đạp điện không phải hoàn toàn chỉ có mặt tích cực mà những mặt tiêu cực cũng khá nhiều và khó kiểm soát. Mỗi xe đạp điện được gắn 3-4 bình ăcquy, chi phí thay thế bình ăcquy khoảng 200.000 đến 400.000 đồng/bình. Sau 2 năm, người dùng xe đạp điện sẽ phải tốn 800.000 đến 1,6 triệu đồng để thay thế 4 bình ăcquy. Đi được 30-40km sau mỗi lần nạp điện, như vậy xe đạp điện sẽ không sử dụng được cho những chuyến đi dài… Khả năng trữ điện của bình ăcquy sẽ giảm dần theo thời gian sử dụng…
Các bạn trẻ "cân" 3 dàn hàng ngang đường
Đáng lo ngại hơn ở đây là các teen Hải Phòng còn “diễn xiếc” trên xe khi tham gia giao thông. Xe đạp điện nhỏ nhưng các teen đầu trần không ngại cân 3, cân 4, giăng thành hàng trên đường gây cản trở giao thông. Kẻ ngồi người đứng rất nguy hiểm. Hơn nữa, xe đi rất êm không gây tiếng động. Vì thế mỗi lần đi đường các bạn trẻ cứ âm thầm lao lên trước rất dễ khiến người khác giật mình. Chị Đoàn Thúy Ngàn, giáo viên trường THPT Bạch Đằng ngán ngẩm cho biết: “Có lần tôi đang ngồi đốt vàng mã ở mép vỉa hè, đang chuẩn bị đứng dậy thì có em phóng xe đạp điện vun vút lao sát qua làm tôi giật mình suýt thì ngã. Một lần đấy thôi mà sợ mãi”. Chính vì sự nguy hiểm không ít đó mà xe đạp điện được ví như “hung thần hai bánh”. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi bổ sung năm 2009), những người đi xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng hằng ngày, trên các tuyến đường nội đô, mọi người đều nhìn thấy những thanh thiếu niên ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Điều đáng buồn là trong số thanh thiếu niên đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hầu hết là học sinh, sinh viên. Các em đèo nhau “phóng vèo vèo” trên đường, không đội mũ bất chấp những cảnh báo về an toàn giao thông và các quy định liên quan. Đã có nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng CSGT xử lý, song cũng như “muối bỏ bể”, không giảm được tình trạng trên. Việc đi xe đạp điện không chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT, của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, tại Hải Phòng, vẫn còn nhiều trường học chưa thực sự vào cuộc, nhiều bậc phụ huynh chưa nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh thực hiện quy định này. Phải chăng hình phạt đưa ra cho loại phương tiện này còn quá nhẹ? Hiện có nhiều loại xe chạy bằng điện đạt vận tốc khá cao, không thua gì xe gắn máy 50 phân khối. Vì vậy, nếu không có điều kiện quy định rõ ràng sẽ rất nguy hiểm. Cơ quan chức năng cần phân loại xe điện theo nhóm vận tốc, để có quy định cụ thể loại nào phải đăng ký, hoặc muốn tham gia lưu thông phải có điều kiện kèm theo.
Hương Trà