Thủ khoa chơi game
Ngày nay, game đã trở thành chuyện thường ngày với nhiều bạn trẻ và thủ khoa cũng không nằm ngoài vòng vây đó. Một ngày của Hiếu vẫn thường vừa học vừa chơi game ngay cả lúc...cận kề ngày thi. Hiếu tâm sự: “Có những lúc em muốn bỏ game lắm nhưng không bỏ được”.
Thời gian chơi game, Hiếu cũng đã bị mất đi một số thứ như thời gian, tiền bạc và sức khỏe: “Đi chơi game về em còn học nên thành ra có thói quen thức đêm”. Nhưng quan trọng hơn cả là cậu bạn vẫn lên lớp đầy đủ, dành thời gian tự học và giữ thành tích học tập đáng nể. Ba năm cấp III Hiếu đều đạt danh hiệu HSG với điểm tổng kết từ 9,0 trở lên. Từ cách học và cách chơi của Hiếu cũng chứng tỏ, game lơi hay hại đều tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Nếu biết chơi game một cách đúng mực thì game cũng là một trò giải trí có ích. Hiếu cho biết, khi chơi game, mỗi người đều tìm ra cách thực hiện nhiệm vụ của mình trong mọi hoàn cảnh mà không thể cầu cứu sự giúp đỡ của người khác. Dần dần, người chơi sẽ có thói quen tự giác giải quyết những vấn đề khó khăn.
Học xa nhà khi vừa vào cấp III, Hiếu đã biết tự lập từ sớm. Môi trường của THPT chuyên Khoa học tự nhiên giúp Hiếu có tính tự học cao: “Thầy cô không giao cho em nhiều bài vở mà rèn tính tự học là chính”. Hiếu cũng không tạo áp lực cho bản thân, quan trọng là chất lượng học. Tự học không chỉ giúp mỗi người từ bỏ thói quen ỷ lại mà còn khai thác tối đa tư duy tiềm ẩn. Nhưng tự học cũng là một quá trình không dễ dàng, đòi hỏi quyết tâm cao và tập trung học từ cơ bản chứ không học “nhảy cóc”.
Hiếu tâm sự: “Có những lúc em muốn bỏ game lắm nhưng không bỏ được”. |
Không tạo áp lực
Với số điểm 27, Hiếu trở thành thủ khoa Đại học Kinh tế. Hiếu tâm sự: “Em không có bí quyết gì đặc biệt cả, ai cũng nói thủ khoa chắc phải học nhiều nhưng thực ra em học cũng nhẹ nhàng thôi”. Để học tốt môn toán, theo Hiếu cần nắm vững kiến thức cơ bản, các định nghĩa, công thức liên quan đến từng bài học, từng chương: “Học toán như một chuỗi dây xích, khi nắm chắc A ta có thể dựa vào đó để tìm được mắt xích B”. Sau đó Hiếu làm đầy đủ các dạng bài tập từ khó đến dễ: “Dựa vào kiến thức cơ bản, bằng óc phân tích và tổng hợp sẽ giúp các bạn có thể tự giải quyết được những bài toán khó”. Học lớp chuyên toán, nhưng khi lên cấp III Hiếu không tham dự đội tuyển Học sinh giỏi: “Em biết mình không đủ sức”. Nhưng kết quả này không làm cho Hiếu buồn lòng, chiến thắng ở kỳ thi Đại học, số điểm môn toán đã gây nhiều bất ngờ nhất cho em.
Đối với môn hóa, Hiếu học một cách dễ dàng: “Đây là môn em chăm chú học từ cấp II nên học nhàn nhất”. Theo Hiếu, để học tốt môn hóa cần hiểu rõ bản chất hiện tượng hóa học, nắm vững các kiến thức cơ bản để vận dụng viết phương trình, giải bài tập. Nếu không nắm được lý thuyết thì sẽ thấy môn hóa thật rắc rối và dễ đến tình trạng “nản”. Môn hóa cũng là môn có nhiều lý thuyết nên cần phân bố thời gian hợp lý, mỗi ngày một thời gian cố định để học, không nên bỏ cách quãng một thời gian, dồn lại mới học.
Hiếu chia sẻ: “Môn lý là môn em học kém nhất. Ngoài thời gian học trên lớp, em dành thời gian đến học thêm từ tháng 3”. Cuối mỗi buổi học thầy thường phát 2 đến 3 đề thi cho học sinh. Từ những bài giảng của thầy giúp Hiếu hiểu kỹ lý thuyết, kỹ năng làm bài tập cũng nhanh nhạy hơn. Có gì khó hiểu Hiếu lại hỏi thêm bạn bè. Chính vì vậy, Hiếu đạt 9,5 điểm môn lý, cũng là điểm cao nhất trong ba môn thi Đại học.
Một ngày của Hiếu dành từ 2 đến 3 giờ để học. Tuần cuối trước khi thi, Hiếu dành thời gian học lý thuyết để “ngấm” thật sâu. Hiếu cho biết, với hình thức thi trắc nghiệm trong hai môn lý và hóa, kiến thức dễ rơi vào phần học sinh dễ bỏ qua. Vì vậy, cần nắm chắc từng phần mới có thể đạt điểm tốt.
Đối với bản thân, Hiếu không nghĩ danh hiệu thủ khoa là áp lực. Hiếu không kỳ vọng mình sẽ đạt thủ khoa đầu ra trường nhưng em sẽ cố gắng để được nằm trong “top” đứng đầu.
Thủ khoa Trần Văn Hiếu (bên phải): "Em không kỳ vọng mình sẽ đạt thủ khoa đầu ra trường nhưng em sẽ cố gắng để được nằm trong “top” đứng đầu." |