Khi phụ huynh gật đầu cho con “sống thử”

05/03/2012 15:27
Những năm gần đây, tình trạng sống thử trước hôn nhân được nhắc đến khá nhiều mà thiệt thòi đa phần về phía con gái.
Ảnh minh họa

Gật đầu khi con “sống thử” 

Dạo qua các xóm trọ khu vực Cầu Giấy, Trung Hòa, Nhổn… không khó khăn gì để tìm thấy những cặp “sống thử”, không những công khai với bạn bè, nhiều cặp đôi còn tự hào vì đã được gia đình chấp thuận. Vân (Hải Dương) đã chuyển sang sống với Đại hơn một năm nay. 

Ban đầu, Vân ở một mình một phòng trong xóm trọ nhưng sau đó cô nhanh chóng kết thúc những ngày tháng cô đơn bằng cuộc tình mới với anh chàng phòng bên. Vân hay đau ốm nên khi thấy có con gái chuyển sang sống cùng bạn trai, bố mẹ Vân không những không phản đối mà còn mừng ra mặt. Thậm chí, mẹ Vân còn gọi điện cho Đại, tỏ ý muốn hai đứa sống cùng nhau để Vân có người chăm sóc, “cho hai bác yên tâm”. Và thế là, đôi trẻ công khai “sống thử” mà không hề gặp phải một sự cản trở nào. 

Chưa hết, các cụ bắt đầu chiều con rể tương lai hết mực mà ngay cả bố mẹ Đại cũng không chiều con đến vậy. Hết mua sắm đồ đạc, cung cấp tiền nong lại mua xe máy, máy tính xách tay cho cậu. Cũng may, nhà Vân khá giả nên việc “lấy lòng” con rể cũng không quá khó khăn. Cứ vài tháng, mẹ Vân lại khăn gói ra thăm con. Tay xách nách mang đầy những thùng đồ ăn mà có khi ăn cả tháng cũng không hết.  
Cũng như nhà Vân, bố mẹ Hạnh không hề giận dữ mà còn khuyến khích con gái mình đến sống cùng với Thành. Các cụ cho rằng, ở một mình, hai đứa hai phòng trọ cũng tốn kém. Trước sau gì cũng là con rể mình cả, “chúng nó sống với nhau trước cũng tốt”.
Phụ huynh của Thành cũng vui ra mặt bởi họ nghĩ, con trai mình đã có người chăm sóc, không còn phải lang thang ăn cơm bụi như mọi ngày. Hơn nữa, từ lâu bố mẹ Thành cũng mong con trai mình có người “nâng khăn sửa túi”. Vì vậy, khi lên thăm con và biết 2 đứa đang sống cùng nhau, các cụ lại có phần thở phào yên tâm, bởi “thằng Thành tính nó tuềnh toàng, sống chung để có người chăm sóc nó thì tốt quá”. Họ mặc nhiên thừa nhận con dâu, con rể “tương lai’ dù chưa có một dấu hiệu nào bảo đảm sẽ thành hiện thực. Thành và Hạnh mới là sinh viên năm thứ 3, ai biết cho đến khi ra trường, cuộc tình của các bạn có thế làm cho hai bên gia đình vui mừng nữa hay không?  

Phía sau những cái gật đầu 

Từ trước đến nay, phụ huynh vẫn là những thế hệ đi trước, luôn có những quan niệm chuẩn mực trong hôn nhân. Nhiều cặp đôi khi quyết định sống chung vẫn giấu giếm bố mẹ và điều họ lo sợ nhất là phụ huynh biết chuyện. Thế nhưng, hiện nay lại không ít phụ huynh đồng tình với việc con mình sống thử trước hôn nhân. Lý do các cụ đưa ra thì vô vàn nhưng có lẽ họ không thể ngờ những hậu quả tai hại đến từ sau những cái gật đầu của mình.  

Sau khi tốt nghiệp, Đại không đi tìm việc làm, cũng không về quê thăm gia đình mà vẫn ở lại để “chăm sóc” Vân. Thấy gia đình Vân khá giả, bố mẹ lại chu cấp đầy đủ nên tiền gia đình gửi ra, Đại giữ riêng làm “quỹ đen” mặc Vân lo mọi việc chi tiêu hằng ngày. 

Còn Vân, từ hồi sang ở chung với Đại, cô không còn thời gian đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Cứ tan học về là Vân lại về dọn dẹp nhà cửa, cơm nước chờ Đại “bù khú” cùng bạn bè trở về. Trái với mong muốn của bố mẹ Vân, giờ đây chính Vân lại là người chăm sóc Đại. Được bố mẹ “vợ” chiều chuộng, càng ngày Đại lại càng ỷ lại. Cậu nghiễm nhiên dựa dẫm vào nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai mà không cảm thấy một chút áy náy. Vân ngày càng gầy đi còn Đại thì béo lên trông thấy. Tuy nhiên, cô không dám hé răng ca thán với bố mẹ nửa lời về Đại. Vì thế, các cụ vẫn yên tâm rằng con gái mình được chăm sóc chu đáo. 

Chuyện Na sống chung với người yêu trên Hà Nội bây giờ là đề tài “nóng hổi” cho làng trên xóm dưới bàn tán, họ lại càng bất ngờ hơn khi biết phụ huynh của Na không hề phản đối. Không chỉ mình Na được đem ra “mổ xẻ” mà ngay cả phụ huynh cũng không tránh khỏi những lời phán xét: “Không hiểu bố mẹ nó nghĩ gì mà bằng lòng cho con Na sống thử như thế”. “Con Na bận chăm người yêu hay sao mà càng ngày càng gầy đi, thế mà bố mẹ nó cũng không nói gì”… 
Ban đầu còn tế nhị, người ta chỉ dám nói sau lưng. Nhưng dần dần, họ không ngại gì mà không nói thẳng thừng trước mặt bố mẹ Na khiến hai cụ không ít phen “nóng mặt”. Bố mẹ Na vẫn tự an ủi mình rằng những người hàng xóm quá lạc hậu trước cuộc sống hiện đại và họ chỉ đang “ghen tỵ” với con mình mà thôi. 
Nếu cứ gật đầu đồng ý mà không cần suy xét, đến khi cuộc tình của đôi trẻ kết thúc “đường ai nấy đi”, không hiểu phụ huynh sẽ nghĩ gì? Bởi hầu hết các cặp sống thử đều quá trẻ và chưa có dấu hiệu gì để chứng tỏ họ có thể đảm bảo cuộc sống gia đình. Việc sống thử nhiều khi chỉ là hành động, suy nghĩ nhất thời mà chính các bạn trẻ cũng không hiểu hết hậu quả của nó.

Điểm nóng

"Bí quyết" đặt tên cho con

Chăm con tự kỷ

 Cha mẹ nên làm gì khi biết con sống thử?

 Chăm con kiểu Nhật

 Dạy giới tính cho con, khó hay dễ?  Ngộ nghĩnh trẻ thơ