Việt Anh trong lớp giảng dạy CNTT cho người khiếm thị
|
Tốt nghiệp hai trường ĐH với thành tích xuất sắc, có thể giao tiếp tốt bằng ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật và từng vinh dự đại diện cho Việt Nam tham dự các khóa học chuyên đề, hội thảo quốc tế ở gần 10 quốc gia, ít ai nghĩ rằng đó là những điều mà cô gái khiếm thị Đinh Việt Anh đã làm được.
Hiện tại Việt Anh đang là Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng (thuộc Hội người mù Việt Nam). Câu chuyện vượt khó vươn lên, khổ học thành tài của cô khiến nhiều người không khỏi thán phục.
Gập gềnh đường đến trường
Việt Anh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo thuộc huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Năm lên ba tuổi, thị lực của Việt Anh bỗng nhiên suy giảm. Tới bệnh viện khám, bác sỹ chuẩn đoán cô bị thoái hóa giác mạc. Ít tháng sau, đôi mắt của Việt Anh đã vĩnh viễn không thể nhìn thấy.
Dẫu vậy, ước mơ được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa đã thôi thúc cô gái nơi mảnh đất nghèo không bỏ cuộc. Cô nài nỉ bố mẹ, thầy cô cho tới lớp ngồi nghe giảng. Cách đây khoảng 30 năm, chữ nổi vẫn còn là thứ xa xỉ, ở mảnh đất nghèo Hà Tĩnh lại càng hiếm hơn. Chính vì vậy, Việt Anh không thể học bằng sách vở. Cô được bố trang bị cho một chiếc máy ghi âm. Hằng ngày, Việt Anh ghi âm lại bài giảng của thầy cô trên lớp, rồi đêm về mở ra, nghe đi nghe lại hàng chục lần cho tới khi “ngấm” kiến thức mới chịu đi ngủ. Ròng rã như vậy suốt hàng chục năm trời.
Thầy cô giáo cùng bạn bè cảm thương cho số phận không may mắn của cô gái trẻ nên rất tận tình giúp đỡ. Trong lớp mấy mươi chục người thay phiên nhau tình nguyện tới nhà đọc bài cho Việt Anh nghe mỗi khi rảnh rỗi. Cùng với nỗ lực tự thân không biết mệt mỏi, thành tích học tập của Việt Anh luôn nằm trong tốp đầu của ngôi trường làng.
Năm 1996, Việt Anh ra Hà Nội theo học ngành Quản lý xã hội tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Ở trọ nơi phố thị, Việt Anh phải vật lộn với không ít khó khăn, từ chuyện sinh hoạt cá nhân, đi lại cho tới việc làm thế nào để hoàn thành tốt việc học. Để đến trường, đi chợ hoặc khi có công chuyện cần ra ngoài, Việt Anh chủ yếu di chuyển bằng xe ôm, thi thoảng là xe buýt hoặc nhờ bạn bè cho đi ké. Thời gian đầu, mẹ Việt Anh phải tạm dừng việc đồng áng, ra Hà Nội giúp cô con gái thích nghi với cuộc sống mới. Chỉ sau hơn một năm, Việt Anh đã có thể tự mình xoay sở trong hầu hết mọi việc.
Ôn thi đại học: Bí quyết để thi tốt môn Sử
Việt Anh chia sẻ, kể từ khi có máy tính hỗ trợ phần mềm đọc, việc học của cô đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đến nay, những chiếc máy tính hỗ trợ phần mềm này vẫn là trợ thủ đắc lực cho cô trong công việc hằng ngày.
Sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Việt Anh tiếp tục theo học văn bằng 2 chuyên ngành Tiếng Anh tại Viện ĐH Mở HN. Bởi trong suy nghĩ của cô gái khiếm thị, ở thời đại này mà không biết ngoại ngữ thì chẳng thể làm được gì! Hiện tại, Việt Anh cũng đang trong giai đoạn hoàn tất chương trình thạc sỹ quản lý hành chính tại Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Khâm phục hơn khi biết rằng, Việt Anh còn tự học và hiện có thể giao tiếp khá tốt bằng hai ngoại ngữ khác nữa là tiếng Pháp và tiếng Nhật. Thế mạnh này đã mang tới cho cô cơ hội tham gia rất nhiều các khóa học chuyên đề và hội thảo quốc tế dành cho đối tượng người khuyết tật trên khắp năm châu như khóa tập huấn CNTT cho người khiếm thị tại Nhật Bản, lớp học sản xuất sách điện tử ở Thái Lan, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cán bộ cho người khiếm thị tại Thụy Điển, khóa nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ khiếm thị tại Malaysia…
Để cuộc sống có ý nghĩa hơn
Ngay từ khi còn là sinh viên, Việt Anh đã tình nguyện tham gia giảng dạy ở các trung tâm dành cho người khuyết tật. Tốt nghiệp ĐH, Việt Anh về “đầu quân” cho Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng. Sau gần 10 năm đứng lớp, cô được luân chuyển về làm Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng chưa đầy hai năm sau, Việt Anh xin quay trở lại trung tâm, tiếp tục làm công tác giảng dạy vì… nhớ nghề.
“Tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn, may mắn được bạn bè, người thân giúp đỡ rất nhiều mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi nhận thức rõ ý nghĩa của giáo dục đối với những người khiếm thị. Chính vì vậy, tôi muốn tham gia vào công tác đào tạo để giúp đỡ những người không may mắn khác học được điều gì đó hữu ích, giúp họ có thể hòa nhập tốt với xã hội”, Việt Anh chia sẻ.
Ngoài công việc giảng dạy cho những người khiếm thị, Việt Anh còn dành thời gian cho các hoạt động cộng đồng như phối hợp với những trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức các buổi đi chơi nhân dịp lễ, Tết cho trẻ em thiệt thòi, tập hợp sinh viên tình nguyện tới dạy chữ cho các làng trẻ em SOS… Thời gian rảnh rỗi, Việt Anh lên mạng tìm kiếm và tập hợp tài liệu học tập, sau đó chuyển qua máy tính cho chi hội người mù các tỉnh, thành trên khắp cả nước như Huế, TP. HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh… để làm tài liệu hỗ trợ học tập cho người khiếm thị.
Hiện tại, Việt Anh cùng các thành viên Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng đang trong quá trình thực hiện hai dự án quan trọng của Hội người mù Việt Nam là xây dựng website thông tin về hoạt động của tổ chức nhằm kết nối người khiếm thị trên khắp đất nước, xa hơn là kêu gọi tài trợ từ những tấm lòng hảo tâm. Thứ hai là xây dựng phòng thu âm phục vụ công tác giảng dạy và phát triển năng khiếu âm nhạc trong cộng đồng người khiếm thị.
Việt Anh nói, dù bị mất đi đôi mắt nhưng cô luôn tin bản thân mình là người may mắn vì đã được xã hội dang rộng tay đón nhận và nâng đỡ. Cô vẫn sẽ gắn mình với các dự án xã hội, sẽ làm việc hết sức để có thể đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng. Bởi trong suy nghĩ của cô, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi mỗi người biết sống vì một điều gì đó có ý nghĩa.
Điểm nóng |
|
Nguyễn Lâm Tùng