Người dân tộc phía Tây tỉnh Phú Thọ có tục chèo đò chở linh hồn người đã khuất về miền cực lạc. Một người trong đội nhạc hiếu cải trang thành người lái đò và bắt đầu thực hiện nghi thức, những người thân đưa tiễn người thân trên con đường được trải bằng tiền thật. |
Theo tục lệ người Mông (Hà Giang), đám ma phải tổ chức linh đình, mổ bò mời dân bản đến ăn. Nhà nào có tiền mở tiệc đãi cả bản sẽ được tổ chức đám ma “tươi”, còn không có thì sẽ gia hạn khoảng 3 tháng sau phải mổ bò khao cả bản coi như trả nợ và đó là đám ma “khô”. Trong tiềm thức người Mông, cái chết chưa hẳn là nỗi buồn, không có địa ngục hay thiên đường. Âm phủ chỉ là một “bến chờ” trên con đường họ tìm đường lên trời đi tìm hồn tổ tiên nguồn cội… |
Khi một gia đình nào đó của đồng bào Tày - Nùng vùng núi cao phía Bắc có đám hiếu, đám ma… thì không cần ai nhắc, không cần ai bảo, mỗi người trong làng tự ý thức cần phải đóng góp để việc, bớt được gánh nặng về vật chất cho gia chủ. Người có của, người có công cứ vậy kéo đến giúp sức. Ai có gì mang nấy, có khi là con gà, chai rượu, đôi khi là yến gạo, chục trứng, người không có của thì góp công dựng rạp, bếp núc dọn dẹp, mượn đồ, xào nấu… |
Tục của người Mông vùng Tây Bắc, khi người thân chết, họ thường giữ thi thể trong nhà, nhanh thì một ngày, lâu thì đến cả chục ngày, nửa tháng để cúng tế và tìm ngày đẹp làm ma. Nhiều thi thể khi mang đi chôn đã bắt đầu chảy nước và có dấu hiệu phân hủy... |
Một bộ phận người dân tộc xã Vạn Xuân, Thường Xuân (Thanh Hóa) từng có phong tục hỏa táng người chết. Xác chết được khâm liệm vào một chiếc quan tài gỗ và đưa lên "đồi đốt xác", sau đó người nhà sẽ châm lửa đốt. Đốt xác nhanh thì 3 ngày, chậm thì một tuần. |
Theo phong tục của người Mông tại Mèo Vạc, Hà Giang, lễ Ma khô là tục lệ tiễn linh hồn người chết về quê cha đất tổ của người Mông. Trong lễ tang người chết, thầy cúng hứa với ma sẽ làm lễ ma khô (làm lễ chay) 12 ngày sau khi chôn cất. Nếu đến ngày đó mà gia đình chưa có điều kiện thì sẽ phải hứa lại, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn, làm mặc tốt đẹp. Trong giao tiếp người Mông sống rất tín nghĩa, đã hẹn làm điều gì thì phải làm cho bằng được không để anh em, bạn bè mất lòng vì mình. Vì thế, ngay khi có điều kiện, người Mông sẽ mời thầy cúng về làm lễ và mời anh em họ hàng dòng họ tới chứng kiến và tham dự. |
Người Mường ở Hoà Bình với nghi lễ tang ma của họ có đặc điểm chung là những đêm mo. Một lễ tang có thể kéo dài từ một đêm, hai đêm, hoặc mười đêm, mười hai đêm hoặc lâu hơn nữa. Điều này phụ thuộc vào tuổi tác và địa vị xã hội làng, bản của người chết. |
Phong tục của người Brâu, sinh sống trên các dòng sông Sê San và Nậm Khoong (Mê Kông) người chết được đưa ra khỏi nhà, cho vào quan tài độc mộc và quàn tại một căn nhà riêng do dân làng dựng lên. Mọi người đến chia buồn, gõ chiêng cồng, mấy ngày sau mới mai táng. Những ché, gùi, dao, rìu... bỏ lại trong nhà mồ là số của cải gia đình cho người chết. |
Tục ma chay của người J’rai khá lạ. Mỗi ngôi mộ được đào sâu khoảng 2 mét, rồi chôn những người chết trong làng cho đến khi có người tiếp theo trong làng chết, họ lại đào ngôi mộ này lên để chôn người mới chết vào trong quan tài. Nếu xác của người chôn trước da thịt đã thối rữa, chỉ còn xương, họ sẽ dồn tất cả xương cốt lại một chỗ, rồi đặt xác người mới chết vào trong. |
Hoả táng là tục lệ đã có từ ngàn xưa của người Thái Đen. Họ tin rằng khi thi hài được “tắm rửa” bằng lửa, linh hồn sẽ lên được mường trời, tiếp tục “sống” trong một thế giới khác. |
Lễ cấp nhà xe cho người chết của người Cao Lan: Con cháu của tang chủ cùng thầy cúng và các đạo tràng làm lễ tổ chức mua nhà xe (xe tang) và bàn giao nhà cho người chết. Lúc này nhà xe đã làm xong gia chủ phải chuẩn bị 2 mâm lễ, 1 mâm lễ chay gồm: gừng, trà, trầu cau; một mâm lễ mặn gồm: Thịt lợn, xôi, rượu. |
Tang lễ của người mường Bi gồm các nghi lễ diễn ra trong 12 ngày đêm nhằm mục đích làm cho linh hồn người quá cố đoạn tuyệt với thế giới người sống và gia nhập với thế giới người chết. |
Người Nùng ở Bắc Kạn tâm niệm, khi nhà có người chết con cháu chưa được khóc, chỉ khi nào thầy tào đến khâm niệm con cháu mới được khóc. Con cháu phải đun nước bằng các loại lá thơm để tắm rửa thay quần áo cho người chết. Nếu người chết là gái thì mặc 9 áo, nếu là nam thì mặc 7 áo. Người con trai trưởng lấy đồng tiền xu đặt vào lưỡi hoặc vào tay của người đã chết coi đó là tiền khi qua cầu. Sau khi hoàn tất các thủ tục thầy tào mới tiến hành khâm niệm. |
Cao Tuân (Tổng hợp)