Kobe – nơi cất giữ những kỉ niệm đẹp một thời của tôi (P2)

12/03/2012 15:34
Theo Kobeviet
(GDVN) - Sự trung thực và tự giác là chìa khóa thành công cho dân tộc Nhật Bản. Đó cũng là một trong những bài học lớn nhất mà tôi học được trong cuộc đời đi tìm cái chữ của mình, mà lại từ một cậu bé học lớp ba.


Kobe - quê hương thứ hai

 TS. Thi nấu ăn rất ngon, và đặc biệt là món nem rán theo kiểu miền bắc trong nhân nem cho thêm trứng (người miền nam gọi là chả giò). Cho đến bây giờ tôi và bà xã thường hay nhắc đến món này của TS. Thi mỗi khi làm thức ăn Việt Nam cho gia đình trong những ngày nghỉ.


Kinh nghiệm đạt IELTS 6.5 điểm của Miss Đại học Thăng Long

Kinh nghiệm đạt IELTS 6.5 điểm của Miss Đại học Thăng Long

Cô dâu Việt và tấm lòng với du học sinh Việt Nam

Cô dâu Việt và tấm lòng với du học sinh Việt Nam


Hành trang cho một chặng đường dài

Hành trang cho một chặng đường dài


Vì ít người, nên lúc đó chúng tôi thường giao lưu với Hội Sinh viên Hiroshima, nơi có nhiều tu nghiệp sinh của Việt Nam sang học tập và làm việc, anh hội trưởng vui tính tên Huấn (tôi đã cố vẫn không nhớ được họ của anh, rất xin lỗi anh) là giảng viên của Trường Đại học Dược Tp. Hồ Chí Minh, học sau đại học tại khoa Dược Đại học Hiroshima.
Cũng có lần anh chị em sinh viên Việt Nam của Đại học Hiroshima đến thăm và giao lưu với anh em sinh viên Việt Nam tại Kobe. Đến năm 2000, số lượng sinh viên Việt Nam tại Kobe ngày càng tăng lên (khoảng tám người) như anh Cao Anh Dũng, tốt nghiệp Tiến sỹ tại Kinh tế Đại học Kobe và hiện đang công tác tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka.
Trong thời gian sống tại Nhật Bản tôi có rất nhiều người bạn tốt là người Nhật (ngoài đời cũng như trong học tập và làm việc). Nhưng có lẽ người mà tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời của mình là anh Masunaga, một người bạn Nhật luôn tham gia các hoạt động của anh chị em lưu học sinh Việt Nam kể từ khi KobeViet thành lập cho đến nay.
Tôi gặp anh Masunaga tại trung tâm Asian, nơi tôi dạy tiếng Việt cho người Nhật học tiếng Việt từ năm 1997 - 2002. Rất nhiều học viên đã học lớp của tôi, trong đó có chị Yoshimoto, một học sinh giỏi trong lớp và hiện đang mở công ty làm ăn tại Hà Nội. Nhìn chị Yoshimoto và nghe chị nói tiếng Việt bây giờ ai cũng nói đó là người Hà Nội chứ chẳng ai tin chị là người Nhật.
 Tết năm nào chúng tôi cũng tổ chức cho học viên liên hoan cuối năm tại quán ăn Việt Nam ở Kobe. Nhờ dạy tiếng Việt cho người Nhật mà chỉ trong thời gian 2 năm ở Nhật Bản, tiếng Nhật của tôi rất trôi chảy và rất địa phương (Kansaiben), cho dù khi bước chân đến Kobe, một tiếng chào bằng tiếng Nhật tôi cũng không biết.

Cuộc sống ở Kobe và bài học từ cậu con trai học lớp 3

Gia đình tôi sống tại Thành phố Kobe 12 năm, thì trên 10 năm chúng tôi sống ở phường Minatojima trên đảo Port Island, một trong hai đảo nhân tạo nổi tiếng tại Nhật Bản (đảo còn lại là Rokko Island), được xây dựng theo phong cách hiện đại nhưng rất yên tĩnh. Tuy là đảo nhân tạo, nhưng phong cảnh và cây cối còn đẹp hơn cả đảo tự nhiên.
 Vì vậy 2 con của tôi xem Minatojima như là quê hương của mình. Nhiều buổi liên hoan của KobeViet được tổ chức tại Công viên Minami Koen trên đảo Port Island. Cuộc sống ở Kobe, đặc biệt là phường Minatojima, thuộc quận Chuo của Kobe thật là yên tĩnh và thuận lợi. Trường học của 2 con chúng tôi chỉ cách nhà 5 phút đi bộ. Các siêu thị lớn như Daie, Toho, Izumiya, cũng chỉ cách nhà chừng 5 - 10 phút đi bộ.
Tôi tốt nghiệp TS tại Đại học Kobe tháng 3/2002, sau đó làm nghiên cứu sau Tiến Sỹ tại Trung tâm Công nghệ Sinh học (Center for Developmental Biology, CDB), thuộc Viện RIKEN tại Kobe, một trong những trung tâm Công nghệ Sinh học hàng đầu của Nhật Bản và thế giới.
 Cuộc sống của chúng tôi trong thời gian đó thật là thanh bình và không phải lo lắng gì ngoài nghiên cứu và học tập. Viện nghiên cứu của chúng tôi cũng nằm trong khuôn viên phường Minatojima, vì vậy từ nhà đến Viện chỉ mất năm bảy phút đi bộ. Đây là thời gian tôi học hỏi được nhiều nhất trong suốt thời gian làm khoa học của mình. Trung bình chúng tôi làm việc mỗi ngày 12-14 tiếng, tuy nhiên vẫn cảm thấy muốn làm nhiều hơn nữa.
CDB đúng là một môi trường nghiên cứu lý tưởng và là một mô hình ươm mầm các nhà khoa học trẻ cho Nhật Bản như mục đích ban đầu của RIKEN-CDB. Các bạn cùng nghiên cứu của tôi trong thời gian đó, nay hầu hết đã trở thành giáo sư của các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản như TS. Satoshi Kishigami hiện là GS tại Đại học Kinki, TS. Ohta là GS. tại Đại học Kyoto.
Về phần tôi, do muốn học thêm về kỹ thuật chuyển gen trên động vật (transgenic animal), tôi đã quyết định sang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Konkuk, Seoul của Hàn Quốc, nơi có Khoa Công nghệ Sinh học nổi tiếng nhất nhì tại Hàn Quốc (mặt dù Đại học Konkuk chỉ xếp hạng thứ 13 tại Hàn Quốc năm 2008).
Trong thời gian làm việc tại Viện RIKEN-CDB (2002-2007),Viện của tôi có một sân tenis rất tốt nên chúng tôi thường tổ chức giao lưu chơi tenis với các thành viên KobeViet và giao lưu với các cán bộ Tổng Lãnh Sự quán Việt Nam tại Osaka như Tổng Lãnh sự Nguyễn Hồng Phong, Phó Tổng Lãnh sự Lương Thanh Nghị, Lãnh sự Vũ Ngọc Minh... vào chủ nhật hàng tuần.
 Sau khi chơi tenis, thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức tiệc thịt nướng (barbecu) ngoài trời trong khuôn viên của Viện RIKEN-CDB, cùng nhau ăn uống vui chơi và tha hồ nói tiếng Việt.
Học viên lớp tiếng Việt liên hoan tết Việt Nam tại Kobe.
Học viên lớp tiếng Việt liên hoan tết Việt Nam tại Kobe.
Thời gian 12 năm tuy không dài lắm, nhưng cũng đủ để tôi học và hiểu được nhiều điều hay của dân tộc Nhật Bản, mà bài học đầu tiên là từ con trai của tôi. Như các bạn đã biết, tại Nhật Bản không có việc chấm điểm cho học sinh tiểu học.
 Học sinh tự làm bài và tự chấm bài dựa trên kết quả đáp án trong phần cuối của sách. Một lần con trai tôi làm sai một câu hỏi, sau đó tự chấm chín câu đúng và một câu sai. Tôi thấy vậy liền thử hỏi con trai tôi sao không chấm đúng 10 câu luôn, cô giáo đâu có biết. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe con trai tôi trả lời rằng: Con biết sai là con đã đúng rồi, đâu cần phải sửa trong bài làm gì nữa. Đó chính là sự thành công của Giáo Dục Nhật Bản.
Vâng, sự trung thực và tự giác là chìa khóa thành công cho dân tộc Nhật Bản. Đó cũng là một trong những bài học lớn nhất mà tôi học được trong cuộc đời đi tìm cái chữ của mình, mà lại từ một cậu bé học lớp ba.
Kobe là một thành phố thật thơ mộng, tuy thiên nhiên cũng rất khắc nghiệt với Kobe qua trận động đất ngày 17/1/1995. Tôi đến Nhật Bản và Kobe lần đầu tiên sau trận động đất chỉ vài tháng (4/1995), nhưng hầu như không thấy nhiều dấu vết của đổ nát, tất cả hầu như tươm tất sau vài tháng. Sau đó chừng 2 năm, Kobe càng đẹp hơn nhiều với những tòa nhà hiện đại và xinh xắn.
Chính vì vậy tôi luôn tin tưởng rằng trận động đất và đại hồng thủy ngày 11/3 năm 2011 sẽ làm cho đất nước Nhật Bản phát triển nhanh hơn và đi vào huyền thoại của nhân loại. Huyền thoại của một đất nước quý trọng nhân mạng con người (jinsei sonsuru kotohanai, là bài học đầu tiên cho các em bé bước vào mẫu giáo), luôn rung thực với việc làm của mình cũng như yêu thương đồng loại. Chính vì một nền giáo dục tuyệt vời đó mà mặc dù đang làm việc ở Seoul, tôi vẫn muốn con trai tôi học tại trường Nhật Bản ở Seoul cho đến hôm nay.
Từ Seoul đến Kobe chỉ 1 giờ bay, năm nào tôi cũng trở về Nhật Bản ba bốn lần, nhưng những kỷ niệm đẹp của Kobe luôn mang đến cho tôi và gia đình  chúng tôi sự háo hức mỗi khi bước chân đến Sanomiya, khu trung tâm của Kobe.
 Cũng như gia đình tôi, một thế hệ các cháu là con của các lưu học sinh Việt Nam đã sinh ra và có một tuổi thơ đẹp tại thành phố Kobe, xem Kobe như một quê hương thứ hai của mình. Mong rằng 20 năm sau, khi các bạn trẻ đó có dịp trở về lại Kobe thì KobeViet sẽ là nơi khơi dậy những kỷ niệm đẹp một thời của các bạn tại thành phố cảng đầy thơ mộng và ấm áp tình người này.
Các bạn thành viên cũ và mới của KobeViet nếu có dịp ghé đến Seoul, xin mời đến thăm chúng tôi để có dịp ôn lại những kỷ niệm đẹp của Kobe và KobeViet. Chúng tôi rất vui nếu được các bạn ghé thăm. Seoul cũng có phong cảnh gần giống Kobe, hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân, lá đỏ vương đầy trong mùa thu, và tuyết trắng xóa trong mùa đông, tuy có ồn áo và náo nhiệt hơn.
Khi đến Seoul, xin liên lạc với tôi theo địa chỉ sau:
Nguyễn Văn Thuận, Ph.D.

Associate Professor

Department of Animal Biotechnology

Konkuk University

Seoul 143-701, Korea

Private website: http://www.vanthuan.webs.com

Điểm nóng
Hành trang cho một chặng đường dài

Ngày hội thông tin du học Pháp 2012
Luyện thi IELTS: Bí quyết cho bài thi Nói và Viết
Theo Kobeviet