Thực hư "võ vẽ" của tên lửa phòng thủ Israel - Iron Dome

14/03/2012 17:23
Trịnh Tuân (Theo vpk.name)
(GDVN) - Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome trong những ngày gần đây đã trở thành trung tâm của những lời đồn đoán.

Các quan chức cao cấp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ một vài tuần trước đây đã bị sốc khi đọc bài viết trên báo chí Israel rằng, Bộ Quốc phòng Israel đang xem xét khả năng từ bỏ việc mua hệ thống Iron Dome vì lý do ngân sách quốc phòng.

Nếu như việc từ bỏ này sự thật thì đây quả là một cú sốc lớn đối với Mỹ khi mà nước này đổ rất nhiều tiền vào dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đa cấp của Israel.

Trước động thái này, Mỹ đã gửi tới Bộ Quốc phòng Israel một thông điệp rõ ràng rằng: "Nếu Israel không có ý định mua thêm Iron Dome, điều đó không thành một vấn đề, nhưng xin hãy vui lòng trả lại tiền."

Tuy nhiên, vào Chủ Nhật tuần trước (11/3),  Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đã tuyên bố rằng ông sẽ xem xét, phân loại hệ thống đánh chặn đa cấp như là một dự án tối quan trọng của quốc gia.

Yêu cầu của dự án này là phải đảm bảo triển khai nhanh chóng Iron Dome và đưa “Vòm sắt”  vào sử dụng trong những năm tới để đánh chặn các tên lửa tầm trung trong trường hợp bị tấn công.

Tính tới thời điểm hiện tại, quân đội Israel mới chỉ có 3 tiểu đoàn Iron Dome ở trạng thái chiến đấu. Chúng được triển khai ở thành phố Ashdod, Ashkelon và Sderot. Tới cuối năm 2013, Israel dự kiến sẽ triển khai khoảng 9 tổ hợp Iron Dome trên toàn đất nước.

Mới đây, ngày 12/3/2012, báo chí Trung Đông đồng loạt đưa tin, các khẩu đội tên lửa Iron Dome của quân đội Israel đã được lệnh phóng hoả tiễn, đánh chặn nhiều tên lửa được cho là do người Palestine khai hoả nhằm vào các mục tiêu trên đất Israel. (xem chi tiết)

Liên quan đến hệ thống tên lửa này, nhà bình luận của Israel Defense, Amir Rappaport, đã đưa ra các câu hỏi, đồng thời phân tích và chỉ ra đâu là thật, đâu là đồn đoán.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thậm chí các tổ hợp này không đủ sức để chống lại  Hezbollah?

Theo các chuyên gia, để thỏa mãn nhu cầu, Israel sẽ cần tới 13 tổ hợp tên lửa như vậy. Ngoài ra, nước này cũng cần một số lượng lớn các tên lửa – pháo phòng không và để thực hiện nó thì chi phí bỏ ra cũng không phải là nhỏ.

Không quân không quan tâm đến dự án Iron Dome?

Phòng không chưa bao giờ là một ưu tiên của Không quân nước này. Mặt khác, trong trường hợp chiến tranh, các tổ hợp sẽ được triển khai chủ yếu ở gần căn cứ không quân dự kiến sẽ bị tấn công, có nghĩa là, trước khi chúng bắt đầu bảo vệ các khu vực dân cư.

Hệ thống Iron Dome không có giá trị chiến lược?

Việc bảo vệ không phận phía nam Israel trong những ngày này sẽ tăng cường sức mạnh ngoại giao trên bàn đàm phán mà không gây ra nhiều áp lực đối với dư luận.

Iron Dome đã vượt quá sự mong đợi của các nhà phát triển?

Tỷ lệ đánh chặn của “Vòm sắt” trong vài ngày qua đã lên đến 90% - nhiều hơn những gì người ta mong đợi. Mặt khác, hệ thống tên lửa này đã được phát triển trong thời gian ngắn nhất – khoảng hai năm rưỡi.

Israel không có tiền để mua “Vòm sắt” mới?

Việc Israel yêu cầu Hoa Kỳ cấp tiền tài trợ để phát triển các hệ thống Iron Dome chưa hẳn đã phù hợp với thực tế. Nếu hệ thống này là nằm trong danh sách ưu tiên của IDF, như công bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì  kinh phí cho nó có thể lấy từ nguồn khác - chẳng hạn như dự án Namer (Tiger) – xe vận tải quân sự dựa trên xe tăng Merkava, loại xe hiện đang ngốn của Israel hơn 1 tỷ shekels mỗi năm.

Hệ thống tên lửa Iron Dome  là một trong những thành phần của hệ hống phòng thủ 4 cấp Israel, thuộc “Kế hoạch phản ứng trước tình trạng khẩn cấp quốc gia” là hệ thống phòng thủ hiện đại nhất, có khả năng bảo vệ quốc gia trước các đòn tấn công bằng bất kỳ loại tên lửa nào.

Bộ Quốc phòng Israel tiết lộ, hệ thống phòng thủ tên lửa cấp 1 sẽ dựa trên hệ thống Arrow-3 hoặc Strela-3, có khả năng tiêu diệt các loại tên lửa tương tự tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran ngoài bầu khí quyển Trái đất.

Vũ khí chính của hệ thống phòng thủ cấp 2 là hệ thống Arrow-2, có khả năng tiêu diệt tên lửa bên trong bầu khí quyển. Hệ thống phòng thủ thứ 3 chủ yếu là các loại tên lửa có thể vô hiệu hóa các loại đạn pháo tác chiến tầm xa cũng như tên lửa có cánh được phóng từ mặt đất hoặc trên biển.

Hệ thống phòng thủ cấp 4 chính là hệ thống Iron Dome, có khả năng tiêu diệt các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn tương tự Qassam của Palestin và thậm chí là pháo phản lực loại Kachiusa.

Cơ cấu của mỗi tiểu đoàn Iron Dome gồm: một trạm radar đa nhiệm (phát hiện, theo dõi và dẫn bắn), trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 đạn tên lửa đánh chặn Tamir cho mỗi bệ.

Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc, tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn.

Trịnh Tuân (Theo vpk.name)