TS Lê Thống Nhất: “Bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy không thể nói tục"

16/03/2012 16:25
BBT
(GDVN) - Đó là phát biểu của TS Lê Thống Nhất trong buổi giao lưu trực tuyến toàn cầu của GDVN sau sự kiện bài giảng của TS Lê Thẩm Dương.

- Thưa TS Lê Thống Nhất, với vai trò là người thầy, TS đánh giá sao khi nhiều sinh viên, học viên hưởng ứng, ủng hộ bài giảng của TS Dương và coi đó là cách dạy hay, còn hơn những giờ học đọc chép, buồn ngủ? Theo TS thì có nhất thiết phải có những lời lẽ, ví dụ như TS Dương để khiến bài học sinh động, dễ hiểu không?

Những giờ mà giáo viên để sinh viên, học sinh buồn ngủ thì thật là những giờ dạy tệ hại. Giáo viên đó có thể thiếu kiến thức nên sinh viên, học sinh không thấy điều gì mới hoặc giáo viên đó chưa có phương pháp giảng dạy tốt.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm về thái độ của sinh viên, học sinh khi ngủ trên lớp – đó là hình thức xúc phạm thầy giáo hay phản ứng không tốt. Nếu tôi thấy giờ giảng nhạt nhẽo vô bổ tôi sẽ xin phép ra ngoài luôn.
Việc TS Dương dùng những lời lẽ hay thí dụ như trong đoạn clip trên mạng thì đó cũng là một “thủ pháp” để lôi cuốn người nghe tuy nhiên dù bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy không thể nói tục tĩu như thế. Không thiếu gì cách ví von, cách thu hút dí dỏm.

Tiến sỹ Lê Thống Nhất trả lời trực tuyến Báo Giáo dục Việt Nam
Tiến sỹ Lê Thống Nhất trả lời trực tuyến Báo Giáo dục Việt Nam

Ngày trước tôi đi dạy tôi cũng hay ví von nhưng để có cách ví von thích hợp người thầy phải nghĩ ra nhiều cách để chọn lấy một. Tôi nghĩ giá như TS Dương chịu khó chọn cách khác mà vẫn vui, vẫn hấp dẫn thì sẽ tốt hơn.
Tôi có 2 người bạn thân xưa đi dạy với tôi đã dùng “thủ pháp” gây cười cho học sinh bằng cách thỉnh thoảng lại kể 1 chuyện tiếu lâm. Tôi có góp ý nên bám lấy bài giảng, nếu chuyện chả liên quan gì đến kiến thức thì dần dần học sinh sẽ chán ngay.
Nói đoạn clip của TS Dương còn hơn những giờ dạy làm cho học sinh, sinh viên buồn ngủ thì cũng chưa hẳn đúng, bởi một đằng thầy đưa văn hóa thô tục đến sinh viên, học sinh còn một đằng chỉ vô bổ thôi. Cả hai kiểu dạy đó tôi cho là đều không đạt chuẩn của một giờ dạy.
Nhân đây tôi cũng nói rõ hơn là tôi không đánh giá trình độ của TS Dương vì tôi đâu có được nghe TS giảng mà chỉ nhận xét nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy của TS trong một đoạn clip mà tôi xem.
 
Tiến sĩ Phương pháp giảng dạy Toán học Lê Thống Nhất, Phó Tổng thư ký Hội giảng dạy toán học phổ thông. Vừa đến khách sạn sau chuyến bay, TS Lê Thống Nhất ngồi vào bàn trả lời giao lưu trực tuyến ngay

- Chào thầy Lê Thống Nhất, biết thầy là người dạy toán rất hay, nhân buổi giao lưu trực tuyến trên báo chí, em xin phép được hỏi có bao giờ thầy đi dạy mà thấy học sinh của mình ngủ gật trong lớp? nếu trong lớp mà có trên 1 học sinh ngủ gật thày sẽ nghĩ gì? Có bao giờ thày bị học trò chê là dạy khó hiểu chưa? (Vũ Anh – Đại học sư phạm Vinh)

Chuyện nhìn thấy một học sinh ngủ gật là bình thường nhưng để nhiều học sinh ngủ gật thì không có. Khi thấy một học sinh ngủ gật thì mình sẽ nhờ đánh thức và mời bạn ấy về nhà ngủ cho sướng hơn hoặc là nhắc khéo : “Tất cả các em hãy trật tự để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn ấy!”.
Chuyện học sinh chê mình dạy khó hiểu thì vẫn có, thường là khi mình chưa đánh giá đúng trình độ học sinh hoặc mình chuẩn bị bài dạy chưa tốt. Còn khi đã hiểu trình độ học sinh và công phu chuẩn bị bài dạy thì làm sao lại để học sinh khó hiểu được. Mình đã từng dạy vài trăm học sinh có trình độ khác nhau và vẫn làm cho tất cả các đối tượng đều thích thú. Nếu quá nhiều học sinh ngủ gật thì có lẽ mình sẽ bỏ nghề !


- Tôi là một giáo viên, tôi đã từng mắc phải một tai nạn nghề nghiệp trong quá trình thực nghề, phải mất một thời gian dài tôi mới thôi nghĩ về nó. Tôi muốn hỏi TS Nhất có bao giờ ông gặp “tai nạn” trong nghề chưa? Nếu có thì ông đã vượt qua nó bằng cách nào? Ông có thể chia sẻ? (Nguyễn Văn Bình – Hà Giang)

Nghề nào cũng có “tai nạn” nghề nghiệp, nghề dạy học cũng vậy và hình như ai cũng gặp “tai nạn”. Việc bạn gặp “tai nạn” và “phải mất thời gian dài mới thôi nghĩ về nó” , chứng tỏ bạn là một người thầy có lương tâm. Những người có lương tâm luôn dằn vặt mình vì một sơ xuất nào đó.
Tôi cũng gặp những “tai nạn” nghề nghiệp và “tai nạn” đầu tiên tôi nhớ tới bây giờ. Đó là giờ dạy đầu tiên trong đời dạy học của tôi.
Đó là giờ dạy về khái niệm logarit, hôm đó trời lạnh, tôi nghĩ là giờ dạy tốt nhưng cô giáo hướng dẫn (cô Lan, giáo viên THPT Lương văn Tụy, Ninh Bình) lại cho là giờ không đạt yêu cầu chỉ vì một lý do: “Tại sao cậu lại bỏ tay vào túi quần khi dạy học sinh!”. Thì ra vấn đề phương pháp và kiến thức vẫn chưa đủ, cô đã lưu ý tôi về phong cách người thầy trên lớp.
Tôi cảm ơn cô rất nhiều ! Vượt qua chỉ bằng cách coi đó là một bài học để mình rút kinh nghiệm, còn không cần thiết phải “quên nó đi” bạn ạ !
BBT