Sản phẩm nước tăng lực "Bò Húc" của ông Chaleo Yoovidhya đã trở thành một thương hiệu toàn cầu. Ảnh Internet. |
2. Phó Thủ tướng chỉ đạo lập quỹ bình ổn giá điện
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế điều hành quỹ bình ổn giá điện.
Chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương về điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản.
Theo đó, giá bán điện được tính toán, kiểm tra hằng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào về tỷ giá, nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát sinh. Trước ngày 20 hằng tháng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán thành phần chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương có quyết định thành lập các tổng công ty phát điện trực thuộc EVN trong tháng 4-2012. (Theo Tienphong online)
3. Trung Quốc sẽ thống trị thế kỉ 21 nhờ công nghệ?
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là nơi cung cấp hầu hết các sản phẩm công nghệ cao cho thế giới. Không phải mọi thứ đều được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng trong bất cứ sản phẩm công nghệ nào, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy một vài chi tiết "Made in China".
Và đó có thể là lý do để nhiều người tin rằng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc giống như Anh đã thống trị thế giới trong suốt thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã chứng tỏ quyền bá suốt thế kỷ 20?
Trung Quốc cũng đã có những động thái bày tỏ tham vọng khá "lộ liễu" như bỏ ra ngót 40 tỷ USD cho Thế vận hội Olympics Bắc Kinh, 45 tỷ USD cho Triển lãm quốc tế Shanghai Expo hay gửi phi hành gia Trung Quốc đầu tiên vào vũ trụ. Trung Quốc cũng đồng thời phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của mình trên quy mô mà không một quốc gia nào dám nghĩ tới.
Trung Quốc chưa bao giờ khan hiếm nguồn lực con người, theo số liệu công bố hồi tháng 4 năm 2010, dân số đã tăng lên 1,34 tỷ người, hơn hẳn dân số Hoa Kỳ 1 tỷ người. Hiện nay Trung Quốc vẫn chiếm tới 1/5 dân số thế giới.
Hàng triệu công nhân trẻ của Trung Quốc hiện nay đang được thuê để sản xuất ra những chiếc laptop, iPhone, iPad, iPod và MacBook cho Apple, những chiếc điện thoại di động như Nokia, Sony, Nintendo hay các loại máy Android cho các hãng danh tiếng hay các thiết bị chơi game cho Microsoft và rất nhiều các loại linh kiện, phụ kiện công nghệ cao khác. (theo Baomoi).
4. Nhà đất nội thành TP HCM tiếp tục giảm giá
Tiếp đà giảm giá 10% của năm 2011, bước sang năm 2012, khung giao dịch của nhà phố lại tiếp tục mất giá thêm. Anh Thông, nhân viên môi giới một sàn địa ốc tại quận 1, cho biết: "Nhiều căn nhà phố nội thành rao 2-3 năm mới bán được nhưng đến khi thương lượng xong, giá giao dịch sụt giảm mạnh đến bất ngờ".
Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải cho biết: "So với năm 2011, trong ba tháng đầu năm 2012 nhà phố nội thành có lượng giao dịch chững lại và tiếp tục giảm giá thêm khoảng 10% nữa".
Theo ông Hải, đặc thù của nhà phố nội thành là giá trị lớn, có khi lên đến hàng chục tỷ đồng vì vị trí nhà và đất không có sản phẩm thay thế. Song chính vì giá trị tài sản quá lớn nên người mua nổi những hàng hóa này không nhiều thậm chí là hiếm hoi. Khi cung vượt cầu thì tình giảm giá, ế ẩm hay bị ép giá là diễn biến bình thường của thị trường. (theo Land.cafef).
5. Giá thuê văn phòng ở Hà Nội và TPHCM rớt hạng nhưng vẫn cao chót vót
Giá thuê văn phòng năm 2011 tại Hà Nội rớt 11 hạng và TPHCM rớt 8 hạng so với năm 2010 trong danh sách 50 thị trường văn phòng cho thuê lớn nhất thế giới mà công ty Knight Frank thống kê và công bố.
TPHCM đứng vị trí 27 (năm 2010 là 19), Hà Nội từ hạng 21 rớt xuống hạng 32. Tuy nhiên, theo danh sách này thì giá cho thuê văn phòng hiện nay ở TPHCM và Hà Nội vẫn thuộc loại cao, cao hơn giá tại thủ đô của các nước Châu Âu hiện đại như Bỉ, Áo, Hà Lan… từ 20% - 30%. Theo dự báo của Knight Frank thì giá thuê và thứ hạng của Hà Nội và TPHCM sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2012; trong đó, TPHCM sẽ giảm rất mạnh vì áp lực nguồn cung quá cao.
Thị trường Hồng Kông năm 2011 thì phát triển mạnh, đã tăng 2 hạng, vượt lên xếp vị trí thứ nhất trong danh sách. Tokyo đã rơi từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng và còn tiếp tục xuống.
Các vị trí còn lại trong top 10 đều là các trung tâm tài chính lớn như Paris, Singapore, TP Luân Đôn, Geneva và Sydney. Hai thị trường văn phòng mới nổi lên một cách nhanh chóng là Mátxcơva (Nga) và Perth (Úc).
6. Thị trường sốc trước thông tin SHN có nguy cơ phá sản
Thông tin đang làm xôn xao thị trường là việc SHN công bố nguy cơ phá sản. Mặc dù trên sàn chứng khoán, SHN đang trên đà tăng mạnh (tăng liên tiếp 4 phiên, phiên cuối tuần tăng trần). Ông Đinh Hồng Long- chủ tịch HĐQT HANIC (mã SHN) cho biết công ty đang đứng trước bờ vực phá sản sau khi không thể thu hồi khoản nợ hơn 300 tỉ đồng đã cho công ty BETA vay. Bên cạnh đó là hoạt động kinh doanh đình đốn, thua lỗ hơn 72 tỉ đồng trong năm 2011.
Theo ông Long, tháng 1/2011, HANIC đã kí hợp đồng cho BETA vay vốn với tổng giá trị là 379 tỉ đồng, trong thời hạn 3 tháng. Sau khi kí kết, HANIC đã chuyển 2.00 tỉ đồng. Tháng 3/2011, HANIC tiếp tục chuyển cho BETA 38 tỉ đồng theo hợp đồng đã kí. Đến tháng 6/2011, BETA tự chấm dứt hợp đồng, chấp nhận hoàn trả lại số tiền và chịu khoản phạt 35 tỉ đồng theo qui định. Nhưng cho đến lúc này, HANIC vẫn chưa nhận được một khoản tiền nào từ phía BETA. Còn TGĐ BETA ông Nguyễn Anh Quân đã chọn một giải pháp dễ dàng hơn trả nợ- đó là bỏ trốn ra nước ngoài.
Không thu được nợ cùng với tình hình kinh doanh lỗ ròng, ông Đinh Hồng Long cho biết HANIC đang đứng trước nguy cơ phá sản và SHN hoàn toàn có thể biến mất khỏi sàn Hà Nội.
7. Bianfishco liên tiếp bị đối tác khởi kiện
Tòa án quận Ô Môn cho biết, đã nhận được đơn khởi kiện từ 3 đối tác khác của nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền đòi nợ cả gốc lẫn lãi.
Đó là Công ty TNHH một thành viên An Phú ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long khởi kiện Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) nợ tiền dịch vụ xử lý vi sinh 1,5 tỷ đồng (nợ gốc) chưa trả.
Trước đó, 2 trong số 45 nông dân bị Bianfishco nợ tiền mua cá đã khởi kiện bà Phạm Thị Diệu Hiền ra tòa để đòi nợ tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng và phần thắng thuộc về 2 nông dân.
Để giải quyết khủng hoảng nợ nần, gia đình bà Diệu Hiền dự kiến bán nhà máy cho một tập đoàn tài chính Hà Lan và xe Rolls Royce Phantom để trả nợ. Tổng Giám đốc Trần Văn Trí cho biết, qua kiểm toán tổng tài sản của Bianfishco hiện trên 2.700 tỷ đồng, nên DN hoàn toàn cân đối được các khoản nợ.
Theo thông tin từ UBND TP.Cần Thơ, hiện nay các khoản nợ của Bianfishco tạm thời được khoanh thành ba nhóm: nợ các tổ chức tín dụng, nợ nông dân và các khoản nợ khác (bao gồm nợ lương, bảo hiểm, nợ doanh nghiệp…).
Đối với nông dân, Bianfishco nợ 264 tỷ đồng, nợ bảo hiểm khoảng 2,9 tỷ đồng và còn một số khoản nợ khác chưa thống kê, nhưng ước lượng khoảng 281 tỷ đồng (theo Infonet).