Trong khi ở châu Âu, người ta đã tính đến việc đối phó với những "người khổng lồ” Facebook, Google... bằng việc cho ra đời bộ quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường internet thì ở Việt Nam, gần như chúng ta vẫn đang hồn nhiên cung cấp thông tin cá nhân trên các trang mạng.
Người ta tính chỉ riêng Facebook có tới hàng chục ngàn máy chủ hiện đang lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ từ gần 500 triệu người vẫn đang "chia sẻ” trên Facebook mỗi ngày, từ hơn 800 triệu người truy cập mỗi tháng, với hàng tỉ bức ảnh và hàng chục tỉ bài viết. Con số quan trọng khiến cổ phiếu Facebook lần đầu chào bán đã đem lại lợi nhuận khổng lồ là 100 triệu tỉ byte hình ảnh và video đang được lưu trữ trong các máy chủ.
Bởi vì nhiều người nhầm tưởng cứ tự mình xóa đi là xong mà không hiểu những dữ liệu này tồn tại vĩnh viễn trong các máy chủ của những ông chủ cách xa chúng ta cả nửa vòng trái đất. Đơn giản nhất là những thông tin ấy sẽ được sử dụng cho các mục đích kinh doanh như tìm hiểu thị trường, đánh giá thị trường từ việc nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng... Còn vô vàn những mục đích khác, hậu quả khôn lường mà chúng ta chưa hình dung hết.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã xử lý được một vài vụ mua bán thông tin cá nhân (thường đó là những vụ rao bán công khai trên mạng). Nhưng trong thực tế, gần như người Việt Nam nào (đặc biệt là người sống ở thành phố, giới công chức, nhân viên văn phòng…) cũng đang trở thành nạn nhân của trò vi phạm thông tin cá nhân khi ngày ngày trong điện thoại, trong hộp thư điện tử vẫn xuất hiện đầy rầy những thông tin bán hàng, khuyến mại, chào mời mua bảo hiểm.
Hoặc ví dụ bạn mở một tài khoản chứng khoán thì email của bạn sẽ tràn ngập thông tin tiếp thị bất động sản từ nhiều công ty môi giới... Một vài người cũng đã gửi đơn kiện khi biết chắc số điện thoại của mình chỉ có thể rò rỉ từ chính công ty điện thoại, từ công ty chứng khoán hay từ một ngân hàng...
Nhưng hầu như chưa có cá nhân nào quyết tâm theo đuổi đến cùng để buộc doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại. Trong khi đó, như đã nói ở trên, xử lý của cơ quan chức năng mới dừng lại ở những vụ mua bán thông tin cá nhân công khai chứ luật pháp chưa có chế tài hoặc quy định nghiêm ngặt nhằm phạt thật nặng các đơn vị không bảo mật thông tin khách hàng.
Rõ ràng danh sách có kèm theo thông tin cá nhân của hàng trăm khách hàng được rao bán trên mạng trong thời gian qua chắc chắn phải được "tuồn” ra từ chính nhân viên của các công ty dịch vụ. Thật hài hước vì theo ý kiến nhiều người chẳng khó khăn gì khi các nhân viên có nhiệm vụ tiếp xúc với khách hàng đều có thể có trong tay các danh sách đó.
Thông tin, dữ liệu cá nhân của con người đang là một nguồn tài nguyên mới
Minh họa: TL
Nếu sản xuất phần mềm hay chạy đua theo các sản phẩm như máy tính, điện thoại... ông chủ Mark Zuckerberg không thể bán được số cổ phiếu trị giá 30 tỉ USD chỉ sau có 8 năm Facebook ra đời!
Về phía mỗi cá nhân, hãy cảnh giác với các dịch vụ trong cuộc sống hay trên internet khi họ yêu cầu (nhưng không bắt buộc), cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Lý do được đưa ra rất thuyết phục, như là để có thể liên lạc công việc hay chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Điều này khiến hầu hết mọi người đều chủ quan và đó chính là lý do để có thể sau đó sẽ phải bị tra tấn bởi điện thoại, tin nhắn quảng cáo, chào mời...
Chẳng hạn có thể yêu cầu họ phải chia sẻ lợi nhuận khổng lồ thu được từ dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Việt Nam sử dụng Facebook, Google... Mặt khác, cũng phải lường trước những hệ lụy chính trị nảy sinh từ việc nghiên cứu thói quen, thái độ chính trị của hàng triệu người Việt được bộc lộ trên các mạng xã hội mỗi ngày...
Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh dẫn theo Reuters cho biết, châu Âu đã chuẩn bị cho sự ra đời của bộ quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân mới trong môi trường internet nhằm vào các "ông lớn” như Google, Facebook... Về cơ bản, bộ quy tắc này sẽ làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet trong việc bảo quản thông tin người dùng, đồng thời mang lại quyền tự quyết cao hơn cho người dùng về những thông tin cá nhân đã cung cấp.
Theo đó nếu một công ty bị đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng hoặc xử lý dữ liệu đó sai mục đích, mức phạt có thể từ 1% đến 5% doanh thu trên toàn cầu của công ty đó.
Bộ quy tắc này cũng sẽ mang lại quyền tự quyết cao hơn cho người dùng. Nghĩa là có quyền được yêu cầu xóa hoàn toàn (không còn lưu trữ tại các máy chủ) nếu không muốn những thông tin, lý lịch của mình xuất hiện trên internet nữa; cũng như có quyền được chuyển những thông tin này về một nhà cung cấp dịch vụ internet khác.