NĐT Đỗ Việt Khoa không bao giờ “mệt mỏi” với những chuyến đi từ thiện

19/03/2012 08:59
Kim Ngân
(GDVN) - Gắn bó với những chương trình từ thiện “bữa cơm có thịt” của báo GDVN, thầy Đỗ Việt Khoa được mệnh danh là “người tuyên truyền viên tích cực” bởi sự nhiệt tình ủng hộ, hô hào quyên góp quần áo, sách vở… cho HS miền núi.

Gặp thầy Đỗ Việt Khoa từ chuyến đi từ thiện Hà Giang, Cao Bằng, tôi khá bất ngờ vì sự nhiệt tình, sự hỏm hỉnh và lạc quan, thân thiện của thầy.

Trong chuyến đi Pả Vi, Hà Giang, thầy Khoa cũng tình nguyện gửi tặng các em học sinh 1 tháng lương của mình với số tiền 3.200.000. Còn trong chuyến đi từ thiện Cao Bằng, thầy và trò trường THPT Thường Tín quyên góp được gần 10 triệu đồng và 8 tạ quần áo, đồ dùng học tập.

Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc và trò chuyện với người thầy có tấm lòng từ thiện hết mình, xuất phát từ tâm. Cùng PV báo GDVN trò chuyện với thầy để hiểu rõ thêm về "người thầy tuyên truyền cực kỳ tích cực" này.

Thầy Đỗ Việt Khoa (phải), GV trường THPT Thường Tín là một trong những người gắn bó nhất và tích cực nhất cùng báo GDVN trong những chuyến đi từ thiện vùng cao.
Thầy Đỗ Việt Khoa (phải), GV trường THPT Thường Tín là một trong những người gắn bó nhất và tích cực nhất cùng báo GDVN trong những chuyến đi từ thiện vùng cao.
PV: Thầy là người đồng hành cùng báo GDVN rất nhiều chuyến đi từ thiện vùng cao. Được biết, thầy đã đến 5 trường ở Thường Tín để kêu gọi tấm lòng ủng hộ, vậy trong quá trình đó thầy có gặp nhiều khó khăn không?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Việc đi vận động ở các trường trong địa phương mình thực ra không khó. Huyện Thường Tín nằm phía nam Hà Nội khoảng 18km, có nền kinh tế khá phát triển so với các địa phương khác của cả nước nhờ nền sản xuất hàng hóa đa dạng và trao đổi với thủ đô Hà Nội.

Thường Tín trồng đào nhiều nhất cả nước, trồng cây cảnh, nuôi lợn và thủy sản, làm tranh sơn mài, thêu, khắc đá.. Nhiều khu công nghiệp đang mọc lên. Dân trí cũng khá cao, hất là các thầy cô giáo được đọc báo chí biết về đời sống của trẻ em vùng cao nên rất sẵn sang chia sẻ ủng hộ.

Khi “bữa cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng, tôi đã rất quan tâm và tìm cách tham gia với các bạn. Các nhà báo đã lặn lội vất vả vì ngành giáo dục vùng cao, giáo giới như mình lại thờ ơ không quan tâm sao được.
Hơn nữa, người Việt Nam giàu lòng nhân ái, sẵn sàng tham gia ủng hộ. Nhưng do mất niềm tin, không ít người đã lo lắng tiền bạc ủng hộ không tới tay người được giúp đỡ. Niềm tin, đó là cái khó nhất. Khi biết thầy Khoa sẽ đi trực tiếp, mang trực tiếp quà lên trao tận tay học trò nghèo thì họ tin và ủng hộ rất nhiệt tình.

Cô gái 8X

Cô gái 8X "nghiện" làm từ thiện từ những chuyến đi vùng cao

Thay đổi cách sống qua những chuyến đi từ thiện

Thay đổi cách sống qua những chuyến đi từ thiện

Tâm sự của những phóng viên tập sự sau chuyến đi từ thiện ở Chí Viễn

Tâm sự của những phóng viên tập sự sau chuyến đi từ thiện ở Chí Viễn

PV: Được biết, thầy và trò THPT Thường Tín cũng hưởng ứng chương trình “bữa cơm có thịt cho học sinh vùng cao” rất sôi nổi đúng không ạ?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Trong chuyến đi Pả Vi, Hà Giang lần trước tôi chỉ có 6 ngày để vận động các thầy cô giáo và các em học sinh quê tôi tham gia ủng hộ. Tuy gấp gáp, nhưng lòng nhiệt tình của các nhà giáo có thừa. Chúng tôi đã thu được đầy một xe ô tô nào là quần áo, đồ dùng, mì tôm, bánh kẹo và tiền lên tặng cho học sinh vùng cao.

Còn trong chuyến đi Cao Bằng vừa rồi, cả thầy và trò trường THPT Thường Tín ban đầu quyên góp được 9.700.000 đ và khoảng 8 tạ áo quần đồ dùng. Sau đó một số thầy trò quyên góp thêm được gần 1 triệu đồng nữa. Trong đó em Nguyễn Thị Thùy Dương lớp 11A6 ủng hộ 300 ngàn đồng giúp đỡ trẻ vùng cao.

PV: Không chỉ tuyên truyền, kêu gọi thầy cô, học sinh ủng hộ, thầy còn liên kết các thầy cô và các học trò cùng đi từ thiện. Vậy mong muốn của thầy là gì ạ?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Trước hết, đó là tấm lòng hướng tới việc thiện của thầy trò, của người dân. Tôi đã thông tin tới mọi người thì rất nhiều thầy cô và học sinh đã xin đi cùng. Nếu không vướng ngày thứ bảy phải dạy và học thì có thể có hàng trăm thầy trò quê tôi đã đi cùng đoàn lên Cao Bằng.

Những thầy trò đi được đã được trực tiếp chứng kiến đời sống của đồng bào vùng cao và tham gia trao tặng quà cho các em nhỏ. Trở về các thầy cô rất vui và xin đi tiếp đợt sau.
PV: Những chuyến đi từ thiện lên địa đầu tổ quốc như thế, chứng kiến cuộc sống người dân ở nơi đó, thầy cảm thấy thế nào ạ?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Ấn tượng về chuyến đi Mèo Vạc, Hà Giang là lúc chúng tôi thăm một loạt gia đình dưới xóm Mã Pì Lèng. Thật là xót xa vì cái nghèo nơi đây. Nghèo quá. Nghèo mạt rệp. Không thể nghèo hơn. Cả xóm 86 nóc nhà mà có mỗi 1 con bò. Nhà dựng trên mấy cây tre trúc, đan thành liếp mỏng, hở toang hoang mặc cho gió lạnh tràn vào. Cái ăn chỉ là ngô và ít đỗ tương, mà cũng chỉ đủ 6 tháng. Trẻ con ở đây thì thiếu thốn đủ thứ, chẳng có áo ấm để mặc, tay chân chúng thì nứt nẻ vì giá rét. Thương xót vô cùng!
Còn ở Chí Viễn, Cao Bằng tôi đã nghe một thầy giáo ở Chí Viễn kể rằng là mấy tháng nay không thấy mặt trời. Thời tiết âm u mây mờ che phủ. Đường lên các điểm lẻ xe máy cũng không đi được, chỉ đi bộ được thôi, vì dốc đứng và bùn trơn trượt. Ở đó trường lớp toàn là tranh tre nứa lá. Việc dạy và học rất khó khăn. Thời tiết xấu quá khiến đoàn từ thiện không đến được điểm lẻ. Đó là điều đáng tiếc nhất. Mình đành đi bộ vào thăm mấy nhà dân gần đường đi. Nhà cửa của bà con đa phần giống như quê mình những năm chiến tranh ấy, toàn tranh tre nứa lá, vách nền đất. Đồ dùng học tập của con em họ hầu như chỉ có mấy cuốn sách được phát miễn phí.
Đến tòa soạn từ rất sớm, thầy Đỗ Việt Khoa nhanh chóng chuyển quà lên xe để mang đến cho các cháu vùng cao.
Đến tòa soạn từ rất sớm, thầy Đỗ Việt Khoa nhanh chóng chuyển quà lên xe để mang đến cho các cháu vùng cao.
Đại diện trường THPT Thường Tín trao tặng 10 triệu mà thầy trò quyên góp tặng nhà bếp mua thực phẩm để có những "Bữa cơm có thịt" cho HS bán trú trường tiểu học Chí Viễn, Cao Bằng.
Đại diện trường THPT Thường Tín trao tặng 10 triệu mà thầy trò quyên góp tặng nhà bếp mua thực phẩm để có những "Bữa cơm có thịt" cho HS bán trú trường tiểu học Chí Viễn, Cao Bằng.
PV: Sau mỗi chuyến đi như thế, thầy có suy nghĩ và mong muốn điều gì ạ?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Kết thúc chuyến đi về nhà đọc thấy tin quan chức đánh cờ cả tỉ đồng mỗi ván mà tôi thất kinh. Giá mà họ chứng kiến cuộc sống gian khó của người dân nơi đó thì… Giá mà… giá mà… Vâng, tôi chỉ mong giá mà như thế. Còn tôi, tôi sẽ tiếp tục những chuyến đi như vậy.

Người đương thời Đỗ Việt Khoa vẫn sẽ tiếp tục đồng hành “bữa cơm có thịt” với báo Giáo dục Việt Nam. Giúp đỡ các trẻ em, người dân vùng cao và trao tận tay cho họ những món quà nhỏ, ý nghĩa đối với thầy là không bao giờ dừng hay “mệt mỏi”. Chúc cho thầy có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó với báo GDVN.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip


Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Kim Ngân