Không chuyên nghiệp là chết (Bóng đá Việt Nam còn thiếu gì kỳ 3)

20/03/2012 08:32
Hoàng Quân
(GDVN) - Một mô hình bóng đá chuyên nghiệp là mô hình CLB có thể tự lực kiếm sống. Không phải đội bóng chuyên nghiệp nào ở Việt Nam cũng hiểu được điều này.

Tính đến bây giờ đã là 12 năm kể từ lần đầu tiên hai đội bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam ra đời (Hà Nội ACB - nay là CLB bóng đá Hà Nội, và Gạch Đồng Tâm Long An). Thế nhưng các CLB bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp chỉ ở trên lý thuyết chứ không phải thực tế.

Lý do đầu tiên mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay, đó là vì các CLB đang phải sống trong một môi trường bóng đá cũng chỉ chuyên nghiệp trên giấy. Giải đấu được điều hành bởi LĐBĐ Việt Nam, một tổ chức tự định nghĩa mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhưng công tác nhân sự thì bị Bộ nhúng tay vào.

Bản thân VFF còn bao cấp thì các CLB sao có thể chuyên nghiệp hết được?
Bản thân VFF còn bao cấp thì các CLB sao có thể chuyên nghiệp hết được?

Ở trên xuống mà đã như thế, cái tư tưởng bao cấp đấy nó ngấm sâu vào cách nghĩ của những người đứng đầu các CLB bóng đá. Chuyển sang chuyên nghiệp được hầu hết những người làm bóng đá ở Việt Nam hiểu là chuyển quyền sở hữu cho tư nhân. Từ cái suy nghĩ đơn giản đó mà không ít CLB đã xuất hiện mà không có cái nền tảng cơ bản đó là khả năng tự sinh tồn bằng các hoạt động kinh doanh bóng đá.
CLB bóng đá là một tổ chức kinh doanh không giống như những công ty đơn thuần, tức không chỉ dựa vào yếu tố tài chính. Thành công được xây dựng dựa trên cả thành tích thi đấu nữa, hay nói nôm na là được thể hiện ở số trận thắng/thua, số điểm giành được ở một giải đấu, thứ hạng trong một mùa bóng và những chiếc cúp.
Nhưng cũng như mọi tổ chức kinh doanh đơn thuần, CLB bóng đá có đầu vào và đầu ra. Tác giả xin được chọn Manchester United làm ví dụ về một mô hình CLB chuyên nghiệp tiêu biểu.
Mô hình của Man Utd
Man Utd với bề dày thành tích của mình được đánh giá là một trong số những CLB thành công nhất thế giới hiện nay. Vậy đội bóng này đã hoạt động như thế nào?
Nguồn thu của Man Utd được nhìn nhận từ hai góc độ khác nhau: Thu nhập từ hoạt động (Sales per Activity) và Thu nhập theo địa vực (Sales per Geography Area).
1) Nguồn thu
* Thu nhập từ hoạt động.
Thu nhập từ các hoạt động ở Man Utd được chia ra làm 4 cấp độ.
- Tiền bán vé và chương trình bóng đá (thu nhập hàng ngày).
- Bản quyền phát sóng truyền hình (Premier League & Champions League) và tiền thu từ kênh truyền hình riêng (MU TV).
- Các dịch vụ/sản phẩm phụ khác như dịch vụ du lịch MU Travel, Trường dạy bóng đá MU Soccer School, Dịch vụ cung cấp dữ liệu dải sóng rộng MU Broadband, dịch vụ di động MU Now và các loại hàng hóa khác như áo đấu, giày thể thao…
- Các bản hợp đồng quảng cáo tài trợ từ các hãng nổi tiếng.
* Thu nhập theo địa vực.
Man Utd xác định thị trường nòng cốt của họ là Vương quốc Anh, chiếm tới 94% tổng nguồn thu của CLB. 6% còn lại đến từ các thị trường nước ngoài mà trong đó thị trường Viễn Đông và Đông Nam Á đang ngày một tăng cao.

Chiến lược kinh doanh của Man Utd rất đơn giản: Mọi người yêu mến MU đều là những bạn hàng tiềm năng
Chiến lược kinh doanh của Man Utd rất đơn giản: Mọi người yêu mến MU đều là những bạn hàng tiềm năng

2) Chi phí hoạt động
* Tiền lương
Man Utd là một trong số những đội trả lương cầu thủ cao nhất tại giải Ngoại hạng Anh. Hiện tại Wayne Rooney đang là cầu thủ được trả mức lương tuần cao nhất tại CLB mà theo nhiều nguồn thông tin khác nhau là vào khoảng hơn 200.000 bảng. Bên cạnh đó ban huấn luyện do Sir Alex Ferguson cũng được trả lương đều đặn.
* Chuyển nhượng
Man Utd luôn luôn tìm kiếm cơ hội để đưa về những cầu thủ hàng đầu thế giới. Bên cạnh chi phí chuyển nhượng trả cho CLB chủ quản của cầu thủ, Man Utd còn phải trả một số tiền lót tay cho người đại diện của các ngôi sao mình muốn sở hữu. Đây là hoạt động không thể thiếu ở hầu hết mọi CLB bởi chỉ có 2 cách để xây dựng một đội hình: sử dụng lứa cầu thủ tự đào tạo và mua cầu thủ mới.
* Sân vận động
Vì sao các CLB ở Anh có nguồn thu lớn hơn nhiều so với các đội bóng ở châu Âu khác? Câu trả lời nằm ở sự tận dụng sức chứa các khán đài. Kể từ khi Premier League ra đời cho tới nay, khoảng 2 tỷ bảng đã được chi ra để nâng sức chứa SVĐ cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Sân vận động được coi là tài sản chung của địa phương chứ không thuộc về CLB. Tuy nhiên tại Anh các CLB có nhiều quyền hơn trong việc xây dựng sân đấu. Họ được quyền chia nhỏ các khu vực khán đài và tùy theo đó mà đặt ra mức giá vé hợp lý. Bên cạnh đó để làm hài lòng những CĐV trung thành, Man Utd cũng như những CLB khác luôn có những đợt bán vé cả mùa cho những người muốn đến sân xem bóng đá thường xuyên.
Ngoài ra còn có các thứ chi phí khác như duy trì và bảo dưỡng sân vận động, xây dựng các công trình phụ phục vụ khán giả đến xem bóng đá (nhà hàng, quán bar…). Kết luận chung là Man Utd luôn cố gắng khai thác tối đa thị trường của thành phố Manchester trước khi bước ra bên ngoài.
3) Chiến lược kinh doanh
Chiến lược cơ bản và then chốt của Man Utd là biến những người yêu thích CLB trở thành bạn hàng tiềm năng và nâng cao giá trị của họ thông qua việc quản lý quan hệ khách hàng. Ngoài ra còn một số chiến lược khác:
- Tự tìm hướng đi riêng tới thị trường bản quyền truyền thông.
- Phân phối những dịch vụ có uy tín tới người tiêu dùng thông qua các dịch vụ như MU TV, MU Now…
- Có sự hòa trộn giữa tài năng bản địa và cầu thủ nước ngoài.
- Tích cực phát triển tài năng cho những cầu thủ được đào tạo.
- Tìm kiếm cầu thủ mới bằng chuyển nhượng khi cần thiết.
Hướng đi nào cho các CLB Việt Nam?
Nếu như xét từ mô hình trên thì chắc chắn các CLB bóng đá ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa khai thác được thị trường của mình, và như thế có nghĩa là vẫn chưa thể tự chuyên nghiệp được (nhiều đội vẫn đang sống nhờ vào tiền của các ông bầu).
Sông Lam Nghệ An có thể coi là một ví dụ tiêu biểu về mô hình hoạt động của một CLB chuyên nghiệp. SLNA chuyển sang mô hình chuyên nghiệp khá trễ, nhưng cách làm của họ rất triệt để. Thoát ly khỏi sự quản lý của Sở Thể dục thể thao Nghệ An vào năm 2004, SLNA được lần lượt công ty Cổ phần bảo hiểm PJICO (2004 – 2007) và Công ty Tài chính thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (2007 – 2009) đỡ đầu trước khi Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An được chính thức thành lập vào năm 2009.
Đây được coi là một bước ngoặt đối với đội bóng xứ Nghệ. Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA có hai cổ đông lớn là Sở thể dục thể thao Nghệ An và đặc biệt là Ngân hàng Bắc Á, tổ chức đã bắt đầu đảm bảo tài chính cho CLB từ đầu năm nay. Cộng thêm sự trở lại của Nguyễn Hữu Thắng và chính sách dùng cầu thủ “gà nhà” để tiết kiệm chi phí, SLNA vô địch V-League mùa giải trước cùng với một Cúp quốc gia năm 2010.
Bí quyết khiến SLNA chuyển mình đó là việc họ đã chuyển từ một câu lạc bộ hoạt động theo cơ chế bao cấp nhà nước sang một mô hình bán chuyên nghiệp với nguồn tiền phụ thuộc vào bên ngoài, và bây giờ là một mô hình chuyên nghiệp đúng nghĩa với cả sự hỗ trợ từ Ngân hàng Bắc Á lẫn nguồn thu tự kiếm được từ bóng đá mà khách hàng lớn nhất chính là các CĐV. Những bước đi của SLNA không nhanh chóng nhưng chắc và ổn định, họ nhận ra được những khó khăn từ việc phải sống nhờ PJICO lẫn Tài chính Dầu khí để từ đó tìm kiếm hướng đi riêng cho mình.

CLB bóng đá TP.HCM suýt nữa sụp đổ sau khi Tổng Công ty Thép Miền Nam rút vốn đầu tư
CLB bóng đá TP.HCM suýt nữa sụp đổ sau khi Tổng Công ty Thép Miền Nam rút vốn đầu tư

Hầu hết các CLB đã chuyển sang chuyên nghiệp bằng hình thức cổ phần hóa nhưng không ít trong số đó sống dựa vào nguồn tiền nhà nước hay từ các ông chủ sở hữu mà quên đi chính các CĐV của mình. CLB bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ là Cảng Sài Gòn) là một ví dụ điển hình: 72% cổ phần của nó được nắm bởi Công ty Thép miền Nam (25% thuộc về Cảng Sài Gòn, 3% còn lại của Công ty TNHH Thế Anh) là công ty con trực thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam. Khi Cảng Sài Gòn bị đổi tên vào đầu năm 2009 (không còn kinh phí để duy trì đội bóng với cái tên cũ), rất nhiều người hâm mộ lâu năm đã quay lưng với đội bóng và các Hội CĐV đã bị giải tán.
Mất đi nguồn thu quan trọng và sự ủng hộ lớn lao từ những người mến mộ, CLB BĐ TP.HCM đã vật vã tồn tại trong 2 năm qua. Có một thực tế rất đau lòng khi nói về những trận đấu có sự xuất hiện của CLB BĐ TP.HCM, đó là nhiều CĐV có mặt trên khán đài thực chất được thuê để đi cổ vũ. Thế rồi khi Tổng Công ty Thép Miền Nam rút vốn đầu tư và cắt bỏ mọi sự ràng buộc, CLB gần như rơi xuống vực thẳm mà nếu không nhờ tình thương từ các đội bóng khác (mới nhận số tiền “cứu đói” 5 tỷ đồng) thì có lẽ đã bị xóa sổ.
Từ ví dụ đó để thấy, vấn đề lớn nhất của các CLB bóng đá ở Việt Nam trên con đường tiến lên chuyên nghiệp đó là việc phải sống bám các doanh nghiệp, cả quốc doanh lẫn tư nhân. Họ vẫn chưa biết cách tận dụng sự ủng hộ đến từ các CĐV lẫn tình yêu bóng đá nói chung của người Việt. Hãy xem lại chiến lược kinh doanh của Man Utd và các câu lạc bộ V-League sẽ thấy vấn đề của mình nằm ở đâu.
Điểm nóng
Cuộc chiến bản quyền VPF - VFF - AVG
Những hoạt náo viên quyến rũ

Ảnh ấn tượng Thể thao

Thế giới các nàng WAGs
Những cái nhất của Thể thao VN 2011
Cuộc chiến Luis Suarez - Patrice Evra
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Thảm họa sân cỏ kinh hoàng ở Ai Cập
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Falko Goetz, Trần Quốc Tuấn mất chức Fabio Capello từ chức HLV đội tuyển Anh
Trụ sở VFF biến thành sàn nhảy Cầu thủ Thái Học chấn thương kinh hoàng
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2011
Hoàng Quân