Thụy Anh luôn coi công việc làm mẹ là công việc chính của cô. |
Thụy Anh kể về cuộc đối thoại với cậu con trai học lớp một:
- Mẹ ơi, mẹ thích khủng long màu gì?
- Màu xanh lá cây.
- Nhưng con thấy màu da cam đẹp hơn
- Mẹ lại thấy màu xanh lá cây đẹp hơn.
- Đẹp…cái đầu nhà ngươi!
Câu nói của con làm chị “choáng” và phiền lòng. Khi được hỏi con học ở đâu, cậu bé liền mở cuốn sách mới được bố mua cho.
Đây cũng là câu chuyện thường gặp trong nhiều gia đình trẻ hiện nay. Tới khi các em tiết kiệm tiền ăn sáng mua truyện tranh, mắt cận thị vì đọc truyện tranh, bắt đầu có những phát ngôn không hay, hành động bạo lực học được từ truyện tranh, bố mẹ mới giật mình xem lại những cuốn sách vô tình đã “rước” về nhà.
Bìa sách thì rất đẹp nhưng chữ lí nhí, lại thêm tranh minh họa nhí nhố. Lúc đó, họ mới bắt đầu lo lắng tìm hiểu, rồi lúng túng trong cách chọn lựa vì thị trường sách bây giờ quá thừa mà lại thiếu.
TS Nguyễn Thụy Anh cũng chia sẻ với bố mẹ cách tự làm sách cho con. Chỉ cần có những tờ giấy bìa màu, hình ảnh, bố mẹ có thể tự sáng tác những câu chuyện mà con là nhân vật chính. Xung quanh câu chuyện là ông bà, bố mẹ, các bạn, anh chị em và đồ vật thân thiết trong gia đình. Bố mẹ muốn dạy con điều gì hãy thể hiện qua những câu chuyện.
Ví dụ như chị đã tự tay làm cuốn sách “Bạn thân” để dạy con trai mình biết yêu quý mọi người với những lời thơ tự biên: "Đây là cu Dế/ Rất hay lè nhè/ Nhưng mà cu D/ Rất là yêu anh/ Đừng hét to nhé/ Anh sẽ giật mình/ Đừng chạy huỳnh huỵch/ Anh sợ thì sao?"
Thụy Anh cho rằng: “Sách là phương tiện tốt nhất để hiểu và dạy con”. |
CLB cho cả gia đình.
CLB là một mô hình hoạt động xã hội hỗ trợ cho việc hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và trẻ em nói riêng: “Sách là phương tiện tốt nhất để hiểu và dạy con”. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận, có sự ủng hộ và tham gia của những người yêu trẻ, tâm huyết với giáo dục, kỳ vọng vào những bước biến chuyển của thế hệ trẻ Việt Nam.
CLB là sân chơi cho cả gia đình xoay quanh những giá trị văn hóa mà sách mang lại cho trẻ em với hình thức hoạt động qua Internet hay offline.
Gần đây nhất, CLB tổ chức buổi offline nói chuyện về những người phụ nữ, những người mẹ, về sự hi sinh của họ, về tình mẫu tử. Bên cạnh đó bố mẹ cũng chia sẻ cùng các em một số thông tin về “giáo dục giới tính” thông qua những câu chuyện xinh xắn, tinh tế.
Theo nghiên cứu của CLB Đọc sách cùng con, các em ngày nay chủ yếu thích truyện tranh. Thụy Anh cho rằng, bố mẹ không nên cấm đoán cực đoan niềm yêu thích tự do của trẻ, tôn trọng ý kiến của các em, biết cách phối hợp giữa học và chơi. Điều quan trọng chúng ta giúp các em định hướng câu chuyện ấy theo nghĩa tích cực. Tại Châu Âu, truyện tranh phát triển mạnh thông qua Internet, Nhà xuất bản, Đài truyền hình...Các quốc gia như Bỉ và Pháp, Festival truyện tranh được tổ chức hàng tuần, tạo cơ hội cho độc giả có thể nhận được chữ ký, anbum, quà tặng từ tác giả..
Trẻ em không hề có lỗi. Lỗi ở người lớn trong gia đình không biết cách định hướng, lỗi ở nhà trường với thư viện luôn đóng cửa, lỗi ở cách làm sách cũ kỹ gây nhàm chán, chưa phù hợp với tâm lý của trẻ. Vậy, thay vì việc giao nhiều bài tập cho trẻ kỳ nghỉ hè thì nhà trường nên có danh sách những cuốn sách bổ ích cần đọc cho các em.
Thụy Anh cùng với nhóm yêu thích hoạt động xã hội của mình mới thành lập CLB được hơn một năm nhưng đã thu hút rất nhiều thành viên tham gia, cùng nuôi dưỡng tâm hồn phong phú và nhân văn cho trẻ em.