Chuẩn bị cho dân quân biển ra khơi

13/06/2011 04:26
Buổi sáng tinh mơ, trên bãi biển xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, bóng dáng những chiến sĩ dân quân biển miệt mài luyện tập. Họ phần lớn là những ngư dân...

Buổi sáng tinh mơ, trên bãi biển xã Bình Phú, huyện Bình Sơn, bóng dáng những chiến sĩ dân quân biển miệt mài luyện tập. Họ phần lớn là những ngư dân quanh năm sống trên biển cả.

Dân quân biển phải hiểu luật
 

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thận, cán bộ đồn BP Bình Hải đang giảng bài cho dân quân biển.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thận, cán bộ đồn BP Bình Hải đang giảng bài
cho dân quân biển.

Bờ biển của tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 130 km. Tổng diện tích của vùng biển Quảng Ngãi là 48.000 km2, vùng đặc quyền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi rộng gấp 9 lần diện tích đất liền. Lực lượng dân quân biển huyện Bình Sơn ra đời trong nhiều năm qua, phù hợp với luận điểm “phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng an ninh quốc phòng”.

Trung tá Đoàn Phương Quang - Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn cho biết: Thực hiện kế hoạch công tác huấn luyện năm 2011 của Ban chỉ huy Quân sự huyện Bình Sơn, chúng tôi mở đợt huấn luyện cho anh em dân quân biển 7 xã tuyến biển của huyện. Thời gian huấn luyện 10 ngày. Ngoài công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chúng tôi tập trung huấn luyện cho anh em dân quân các nội dung bắn mục tiêu trên biển, Hiệp định về phân định trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, quan sát, phát hiện tàu lạ và chế độ báo cáo.

Với hình thức huấn luyện tập trung, những ngư dân quanh năm trên sóng dưới gió trong những ngày qua đã tạm gác tay lưới, tay chèo, hàng ngày đến thao trường, sống tập trung như những tân binh. Do thời tiết nắng nóng, khi bình minh vừa ló rạng, anh em dân quân đã hành quân ra mép biển để tập kỹ, chiến thuật, lấy đường ngắm đối với mục tiêu di động trên biển.

Buổi chiều, đơn vị tập trung học tập tại hội trường của Ủy ban Nhân dân xã Bình Phú. Khác với lực lượng dân quân tuyến bờ, dân quân biển phải học các nội dung có liên quan về Luật Biển quốc tế. Bởi việc áp dụng luật pháp trên biển hoàn toàn khác với đất liền.

Một chiến sĩ dân quân cho biết: “Qua học tập, tôi đã nắm được quy định về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Thẩm quyền áp dụng pháp luật đối với mỗi vùng này được quy định khác nhau”. Trong chương trình học có nội dung bài giảng do đồn BP Bình Hải phối hợp thực hiện, đó là bài thực hành công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, công tác tuần tra bảo vệ biển và quy trình xử lý đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm.

Mỗi bài học, bên cạnh lý thuyết còn có phần minh họa cụ thể giúp các học viên hình dung được nhiệm vụ của mỗi chiến sĩ khi bước lên tàu, ra biển thực thi nhiệm vụ.

Mang bài học ra khơi

Bùi Quang Tuyến (37 tuổi), quê ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, hiện là Trung đội trưởng dân quân tự vệ biển cho biết: “Tôi tham gia vào lực lượng dân quân đã được 15 năm. Công việc hàng ngày của tôi là đi biển. Chính vì vậy, khi ra khơi, tôi có thể nắm chắc được mọi tình hình trong tọa độ đang đánh bắt trên biển”. Nhiệm vụ của những người chiến sĩ dân quân biển gắn với kế mưu sinh của họ.

Chính vì vậy, cả ngày lẫn đêm, các chiến sĩ dân quân này luôn có mặt khắp nơi trên biển. Sự cảnh giác của họ đã góp phần giữ gìn biển, đảo quê nhà.

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung đội dân quân biển xã Phổ Thạnh theo Quyết định 1902/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15.10.2010. 28 chiến sĩ dân quân biển có tuổi đời từ 18-35, được chia thành 3 tiểu đội đi trên 20 tàu cá, mỗi tàu từ 1-2 dân quân.

Bùi Anh Tú (23 tuổi), quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn chuyên mưu sinh bằng nghề biển. Nội dung trao đổi tình hình trên biển được anh Tú thực hiện trực tiếp qua sóng Icom. Anh cho biết: Đi biển về, thỉnh thoảng, anh em dân quân tổ chức hội họp ở xã thì mình tới báo cáo tình hình và nghe phổ biến nhiệm vụ, tình hình chung trên biển Đông có liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Nhiều năm qua, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trên biển, anh em đều báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và BĐBP.

Một năm tập trung huấn luyện một đợt, còn bình thường anh em dân quân phân tán đi làm ăn trên những con tàu xa bờ. Vậy khi tập hợp đột xuất thì điều binh khiển tướng như thế nào? Thiếu tá Cao Chức, Trợ lý dân quân tự vệ huyện Bình Sơn cho biết: Để quản lý được anh em, chúng tôi phối hợp với Bộ đội Biên phòng thống kê số điện thoại, tần số Icom tàu thuyền anh em thường đi biển. Chính vì vậy, khi có lệnh điều động thì dễ dàng kết nối được với anh em. Vừa qua, đơn vị điều động 1 trung đội dân quân biển xã Bình Châu, anh em có mặt ngay theo yêu cầu, hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Lê Văn Chương/Báo Biên phòng