Nữ đại gia Diệu Hiền vỡ nợ: Năng lực nhỏ, tham vọng lớn

24/03/2012 07:35
Đánh bóng tên tuổi cho xứng tầm “đại gia”, lên các dự án quy mô “hoành tráng” để nhằm cứu vãn tình thế song tất cả đã quá muộn

Trong sự nghiệp 16 năm vùng vẫy thương trường của mình, bà Phạm Thị Diệu Hiền đã có nhiều cơ hội lớn để phất lên và thay vì đừng quá tham vọng trở thành “đại gia” lừng lẫy mà “biết người biết ta”, hẳn bà không lâm vào cơ sự như hôm nay. Có những người thất bại, song thất bại đó được những người liên quan cảm thông, chia sẻ. Bà Diệu Hiền lại không có được điều này, nhất là khi những chủ nợ - nông dân còn đang bất bình vì sự ra đi “chữa bệnh” của bà và thông tin về chuyện bà đầu tư lớn ở Mỹ trong lúc tiền nợ của nông dân chưa biết bao giờ trả được.

Kiện tụng lùm xùm vì đất

Năm 2003, bà Diệu Hiền rời Sóc Trăng để theo chồng về Cần Thơ. Tại đây, bà thành lập Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền (gọi tắt là Công ty Diệu Hiền) và đầu tư dự án khu dân cư tại Nam sông Cần Thơ (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) với quy mô 19 ha. Đền bù giá rẻ, phân lô bán nền, dự án này đem lại cho bà lợi nhuận kếch sù. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều cơ sở hạ tầng tại khu dân cư này vẫn chưa hoàn thiện.

Ngày 12-3, một số hộ dân đang cư ngụ tại khu dân cư Diệu Hiền đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng ở Cần Thơ nhờ can thiệp, hỗ trợ do Công ty Diệu Hiền mua điện từ Công ty Điện lực Cần Thơ rồi bán điện lại cho hộ dân với giá rất cao (hơn 2.500 đồng/KWh). Mặt khác, dù người dân đã phải trả tiền điện giá cao nhưng khoảng 2 năm qua, ở khu dân cư Diệu Hiền không hề có đèn đường chiếu sáng, nhiều người dân rất lo ngại không dám ra khỏi nhà vào buổi tối vì sợ kẻ gian và tình trạng mất trộm cũng thường xảy ra vào ban đêm.

Nữ đại gia Diệu Hiền vỡ nợ: Năng lực nhỏ, tham vọng lớn ảnh 1
Khu dân cư Diệu Hiền vẫn chưa có đèn đường và người dân vẫn trả tiền điện giá cao

Với việc đầu tư vào dự án nhà đất ở khu Nam sông Cần Thơ, Công ty Diệu Hiền dính vào vụ kiện tụng lùm xùm với Công ty CP Phân bón Hóa chất (PBHC) Cần Thơ. Năm 2001, Công ty PBHC Cần Thơ có chủ trương xây dựng nhà ở cho CBCNV nên đã chuyển nhượng một phần đất với diện tích 9.170 m2, vị trí nằm tại ấp Phú An, xã Thạnh Hòa, huyện Châu Thành (nay là phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và ngày 3-5-2011 được UBND huyện Châu Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tuy nhiên, vào tháng 4-2003, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UB giao đất cho Công ty Diệu Hiền bao trùm lên phần đất của Công ty CP PBHC Cần Thơ để xây dựng khu dân cư tại khu đô thị Nam sông Cần Thơ.
Nhằm tạo điều kiện cho Công ty Diệu Hiền thực hiện dự án thuận lợi, hai bên thống nhất giao vị trí phần đất mà trước đây Công ty CP PBHC Cần Thơ đã chuyển nhượng và có giấy chứng nhận QSDĐ. Đổi lại, Công ty Diệu Hiền làm 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty CP PBHC Cần Thơ tại thửa đất 1964 có diện tích 1.912,6 m2, giá chuyển nhượng 546,405 triệu đồng và thửa đất 2030 có diện tích 4.213 m2, giá chuyển nhượng trên 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hào, Tổng Giám đốc Công ty CP PBHC Cần Thơ, đến nay Công ty Diệu Hiền chỉ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng QSDĐ một thửa, còn hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ diện tích 4.213 m2 vẫn chưa được thực hiện mà phần đất này lại được Công ty Diệu Hiền xin điều chỉnh quy hoạch thay đổi thành “đất nhà trẻ mẫu giáo”, từ đó dẫn đến tranh chấp.

Ưa màu mè, chơi trội

Công ty CP Thủy sản Bình An  (Bianfishco) được thành lập vào năm 2005, đi vào hoạt động cuối năm 2006, chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Bianfishco được xây dựng trên 2 lô đất tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) với tổng diện tích gần 90.000 m2, công suất chế biến lên đến 500 tấn cá tra nguyên liệu/ngày. Có thể nói thời hoàng kim của Bianfishco và của bà Diệu Hiền là việc xây dựng nhà máy xuất khẩu thủy sản này, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Bianfishco cũng là doanh nghiệp thủy sản đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ và Cục Pháp chế Thương mại Mỹ chấp thuận hưởng mức thuế suất bằng 0% đến hết năm 2012.
Ngày 30-7-2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải lé mắt khi bà Diệu Hiền làm lễ khánh thành Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An với quy mô hoành tráng. Viện được xây dựng trên diện tích gần 1 ha, vốn điều lệ hơn 114 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 với mục tiêu là bảo tồn và phát triển cá tra đặc sản… Để tạo uy thế cho viện này, bà Hiền đã mời 20 vị giáo sư, tiến sĩ trong cả nước tham gia làm ủy viên hội đồng nghiên cứu.

Và trong khi công ty đang gặp khó khăn thì ngày 30-6-2011, bà Diệu Hiền tiếp tục cho khánh thành nhà máy nước uống collagen với sự tham dự của hàng ngàn khách mời. Lần này, bà Diệu Hiền tiếp tục đánh bóng tên tuổi bằng cách mời nhiều ca sĩ, diễn viên, MC làm đại sứ thương hiệu, song hiệu quả của dự án này thì ai cũng rõ. 

Theo nhiều người am hiểu, sở dĩ bà Hiền “trống giong cờ mở” lập viện nghiên cứu thủy sản và nhà máy nước uống collagen nhằm tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để cứu vãn tình thế lúc này đang hết sức khó khăn, song tất cả đã quá muộn. Cũng qua cung cách ưa màu mè để “lòe” thiên hạ, không ít giai thoại về bà Diệu Hiền còn được nhiều người nhắc tới, nhất là chuyện làm từ thiện chủ yếu là để lấy tiếng. Trong một số chương trình từ thiện, bà Diệu Hiền lên tiếng ủng hộ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, nhưng rồi... “quên” thanh toán.

Đầu tư lớn ra nước ngoài

Không chỉ đầu tư trong nước, bà Diệu Hiền còn đầu tư sang Mỹ với việc lập Công ty Binh An Seafood USA Inc tại Beverly Hills, California và xây dựng Bianfishco Market gồm: chợ đầu mối, nhà hàng thủy cung kết hợp du lịch, các đại lý, cửa hàng.

Theo luật sư Nguyễn Trường Thành, 3 vấn đề pháp lý đặt ra là: Đến thời điểm này, khi Bianfishco đứng trên bờ vực phá sản tại Việt Nam thì tổng giá trị tài sản công ty này đầu tư ra nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) là bao nhiêu? Do Bianfishco đầu tư hay cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền đầu tư?
Nếu nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài là của Bianfishco thì khi công ty mẹ ở Việt Nam phá sản nhưng không đủ tài sản để thanh toán cho các chủ nợ tại Việt Nam, trong đó có ngân hàng và nông dân, thì phần vốn đầu tư ra nước ngoài có được thu hồi, thanh toán cho các chủ nợ hay không?
Thu hồi bằng cách nào? Khi xác định được nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Bianfishco tại Mỹ thì theo luật pháp Mỹ, các chủ nợ ở Việt Nam có quyền khởi kiện tại tòa án Mỹ để đòi nợ hay không?

CA LINH/Người lao động