Ảnh minh họa |
- Sau khi nhận đề thi, học sinh cần đọc kỹ lưỡng các câu hỏi trong đề thi và không nên vội vã làm bài ngay. Đọc kĩ đề thi không những tránh được lạc đề mà còn biết được đề thi có bao nhiêu câu, câu nào ngắn, câu nào dài để khi trả lời tránh tình trạng trả lời thừa hay thiếu.
- Để tránh tình trạng bỏ sót các ý trong phần trả lời các bạn nên đọc kỹ câu hỏi, viết ra nháp các ý chính, trong ý chính đó có bao nhiêu ý nhỏ. Sau đó đọc lại xem còn thiếu ý nào không, lưu ý khi viết phải theo thư tự các ý. Nhiều em học sinh có thói quen làm nháp hết các nội dung trả lời ra giấy rồi viết lại vào trong bài. Không nên làm theo cách này, vì sẽ rất mất thời gian chép lại. Có bạn chép lại không kịp vì hết giờ làm bài.
- Đề thi tuyển sinh môn Sử thường có từ 3- 4 câu hỏi. Mỗi câu hỏi có thang điểm khác nhau. Thường thì câu nào có số điểm cao thì có độ khó hơn và độ dài hơn, với dạng câu hỏi này thì dành nhiều thời gian hơn. Còn những câu hỏi có nội dung ngắn, số điểm ít hơn thì dành ít thời gian hơn. Để tránh tình trạng hay quên cục bộ, khi đặt bút làm bài phải theo nguyên tắc: Câu nào thuộc nhất làm trước, sau đó mới làm các câu còn lại.
- Đối với những câu hỏi cần phải tổng hợp kiến thức, các em cần phải xác định rõ xem những nội dung trả lời nằm ở những bài nào, chương nào. Những câu hỏi mang tính chất trình bày sự kiện, các em phải trình bày theo thứ tự: hoàn cảnh, chủ trương, diễn biễn, kết quả, ý nghĩa sự kiện. Những câu hỏi nhận định, giải tích, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc: Xác định sự kiện trước khi trình bày nội dung sự kiện, có như vậy thì mới hoàn thành đủ ý ở phần trả lời.
- Bất kì môn thi nào cũng vậy, yếu tố thời gian là cực kì quan trọng. Vì vậy, trong quá trình làm bài học sinh cần phân phối thời gian các câu sao cho hợp lí. Thường lấy thời gian làm bài chia cho thang điểm 10, qua đó tập trung thời gian hợp lí cho từng câu hỏi. Ví dụ thời gian làm bài là 90 phút, lấy 80 phút chia cho thang điểm 10 (dành 5 phút để viết đề cương sơ lược và 5 phút đọc đề, đọc lại bài sau khi làm xong), như vậy mỗi điểm tương ứng với 8 phút.
- Giá trị của một bài thi không những thể hiện ở phần nội dung mà còn ở phương pháp trình bày. Trong thực tế có rất nhiều bài thi trình bày đầy đủ nhưng kết quả không cao vì viết tắt quá nhiều, lỗi chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man. Chưa kể chữ viết quá xấu sẽ làm mất hứng thú, cảm tình đối với người chấm bài. Nhiều học sinh sau khi thi xong nói rằng, em làm đầy đủ nhưng sao lại không đạt điểm tuyệt đối, chính là lý do này.
Tóm lại, Để đạt điểm cao bài thi môn Sử, bên cạnh chuẩn bị kiến thức, khi làm bài thi các em nên chú ý những bí quyết trên đây. Chúc các em thành công!
Ngô Mã Thiên (Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
Email: nmthien.thpt.ltp@phuyen.edu.vn
Điểm nóng |
|
Ngô Mã Thiên