Thoáng nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn và luôn cởi mở, tự nhiên khi giao tiếp với mọi người, chẳng ai nghĩ chị Nguyễn Thị Nguyệt lại là một người khiếm thị.
Tưởng chừng, việc học của chị Nguyệt không bao giờ thành hiện thực khi đôi mắt của chị mờ đục dần. Nhưng nghị lực sống giúp chị tìm cơ hội đi học suốt 10 năm trời, hiện nay chị sắp tốt nghiệp khoa Luật, ĐH Mở Hà Nội và chuẩn bị đảm nhận Phó Chủ tịch hội người mù tỉnh Phú Thọ. |
10 năm tìm kiếm cơ hội được đi học
Sinh năm 1976 tại phường Thanh Miếu – thành phố Việt Trì – tỉnh Phú Thọ trong gia đình có 4 anh chị em. Từ nhỏ đã bị bệnh “teo gai thị” nhưng vì điều kiện xa xôi nên chị không biết đến ngôi trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu mà đi học hòa nhập ở quê vì mắt chị cũng còn đôi phần thị lực.
Khi đang học lớp 10, bỗng nhiên mắt Nguyệt cứ càng ngày càng kém đi, đến nỗi gần như không còn thị lực và dĩ nhiên chị không thể tiếp tục học nữa. Bao trùm cuộc sống của chị khi đó là cảm giác hụt hẫng, chán nản và tương lai thì thật sự mờ mịt như những gì chị đang thấy trước mắt. Chị chỉ biết khóc để thể hiện nỗi tuyệt vọng với cuộc sống.
Cha bất lực nhìn con mang căn bệnh ưng thư gan
Thầy giáo mù và mái ấm tình thương
“Cháy” cùng rock của những chàng lính HV Kỹ thuật Quân sự
Nhưng rồi chị biết được điều đó lại làm cho những người thân và những người yêu quý mình thêm lo lắng và khổ tâm vì mình. Nhất là người cha cũng đang ngày một tiều tụy vì thương xót cô con gái nên chị quyết tâm thay đổi.“Mình có khóc lóc hay khổ sở dằn vặt mãi thế này cũng chẳng giải quyết vấn đề gì mà lại còn ảnh hưởng tới người khác nên nhất định mình vẫn phải cố gắng để làm điều gì đó” - chị Nguyệt nghĩ.
Thời gian đầu chị chỉ biết nghe radio để giải tỏa cho tâm lý bớt nặng nề, nhờ đó mà chị dần dần tìm hiểu được những thông tin liên quan đến người khiếm thị rồi mạnh dạn gửi thư đi khắp nơi nhờ giúp đỡ nhưng đều không có phản hồi. Chị không chán nản bỏ cuộc mà nhờ bạn bè tìm kiếm thông tin và tìm cơ hội được đi học lại nhưng cũng phải mất 10 năm sau thì điều đó mới thành hiện thực.
Chị được tham gia vào tổ chức hội người mù tỉnh Phú Thọ, được tiếp cận với chữ Braille (chữ nổi cho người khiếm thị - PV) rồi nhờ có những người bạn đồng tật giới thiệu về Hà Nội để học tiếp ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố.
Hàng tuần chị phải lặn lội hơn 70km từ Phú Thọ lên Hà Nội đi học. Vì bố già yếu, anh chị và bạn bè đều bận rộn nên chị tự đi xe khách, mò mẫm di chuyển bằng xe buýt. Dù đã đọc thông viết thạo chữ nổi, nhưng khó khăn nhất là chị không thể đọc sách thường. Nên chị phải nhờ bạn đọc thu vào băng cát sét để có thể nghe bất cứ lúc nào.
Có lúc chị tưởng mình sẽ phải tiếp tục dở dang chuyện học hành vì ở xa đi lại vất vả và tốn kém. Bởi gia đình không có một khoản thu nhập hay trợ cấp nào; nhà không có nghề phụ, 2 bố con chỉ sống dựa vào tiền lương hưu ít ỏi của bố, không đủ nên chị phải tìm cách xoay đủ mọi việc để có tiền đi học.
Nghị lực phi thường
Sau nhiều lần chị tham gia dạy xóa mù chữ nổi cho hội viên trên Tỉnh hội người ta đã biết đến khả năng và những nỗ lực của chị, nên khi chuẩn bị cho việc thành lập Thành hội người mù Việt Trì chị đã được cử đi học lớp đào tạo cán bộ quản lý tại Trung tâm phục hồi chức năng thuộc Trung ương Hội người mù Việt Nam (phố Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN). Năm 2006 chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp phổ thông trung học chị đã được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch của Hội người mù Thành phố Việt trì nhiệm kỳ I.
Không dừng lại, để nâng cao trình độ cho bản thân và cũng muốn có thêm kỹ năng trong việc quản lý Hội, chị đã tiếp tục nộp hồ sơ vào khoa Luật Kinh tế -Viện Đại học Mở HN. Thêm vào đó là những khó khăn với những công việc bộn bề của một hội mới thành lập nhưng với chị được làm việc, được cống hiến giúp chị quên hết mệt mỏi.
Chị Nguyệt tâm sự: “Mình luôn tin rằng cơ hội sẽ đến với bất cứ ai chỉ cần người đó luôn biết cố gắng”. Đó là quan niệm, cũng là điều mà chị Nguyệt luôn tự nhắc nhở mình từ đó mà không ngừng phấn đấu.
Vài tháng nữa chị sẽ tốt nghiệp đại học. Chị rất hạnh phúc song cũng chạnh lòng nghĩ đến những bạn gái khiếm thị khác không có điều kiện học hành như chị. “Ở đây không phải như thành phố đâu, bình thường con gái đã ít được tạo điều kiện học hành rồi, người khiếm thị thì càng không dám mơ tưởng vì vừa là điều kiện kinh tế khó khăn, vừa là ít ai mà có niềm tin và đặt kỳ vọng vào một người khiếm thị…” – chị Nguyệt thể hiện nỗi trăn trở.
Ngày 1/4/2012, chị sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới là Phó chủ tịch tỉnh hội người mù tỉnh Phú Thọ. Ở đây chị sẽ bận hơn nhiều vì vừa đảm nhiệm mảng tuyên văn giáo lại vừa phụ trách chăm lo đời sống và việc làm cho hội viên toàn tỉnh nhưng với chị được góp sức vì những người đồng tật không chỉ là mong ước mà còn là niềm hạnh phúc vì mình đã được sống có ích.
Chị Nguyệt trải lòng: “Mình thật sự hi vọng mình sẽ góp phần giúp cho nhiều người ở đây hiểu thêm về người khiếm thị và mong cho các chị em khiếm thị cũng sẽ có được cơ hội để đến trường và góp sức cho cộng đồng như mình”.
Điểm nóng |
|
Khánh Vân