Khi con hỏi “Mẹ ơi, bố Mi đâu?”, mẹ lặp lại câu trả lời quen thuộc “Bố đi làm xa”.
Họa Mi yêu quý của mẹ!
Ba tuổi, lứa tuổi đủ để cho con nhận biết những điều đơn giản trong cuộc sống, ví như bạn nào cũng có bố mẹ thì đương nhiên con cũng có cái quyền đó. Song cuộc đời lại không đơn giản như suy nghĩ của con.
Mẹ đã sai lầm trong hôn nhân khi kết hôn với người hoàn toàn trái ngược với mình về tính cách, lối sống, người đã làm cho mẹ tin rằng cuộc đời nhiều bất công, người ấy phải chịu nhiều thiệt thòi và rất cần có mẹ để cuộc sống được bình yên…
Gia đình và bạn bè đều phản đối vì cho rằng mẹ sẽ không thể có hạnh phúc với một người như thế… Một năm sau ngày cưới thì chính mẹ lại là người thèm khát sự bình yên... sau nhiều cố gắng để sống với bố, cho con có đầy đủ bố mẹ, có một mái gia đình. Nhưng cuối cùng mẹ đành phải cay đắng rút lui để cuộc sống của mẹ con mình được yên ổn, lúc ấy con còn nhỏ lắm.
Ảnh minh họa |
Ra tòa, bố đồng ý để mẹ nuôi con và hứa sẽ chu cấp nếu mẹ yêu cầu. Mẹ đã không yêu cầu vì mẹ nghĩ con cần nhiều hơn như thế và bổn phận của người làm cha cũng nhiều hơn là mỗi tháng bỏ ra một số tiền. Yêu cầu để mỗi tháng nhận được một khoản tiền nuôi con? Buồn thật! Bấy nhiêu mẹ cố gắng thì sẽ bù đắp cho con được. Từ đó bố chưa một lần ghé đến thăm con.
Hai tuổi con bắt đầu hỏi mẹ những câu đơn giản “Mẹ ơi! Bố Mi đâu?”; “Bố Mi tên là gì?”. Cũng từ đó những câu hỏi của con về bố cứ nhiều dần. Con còn tự mình thêu dệt và tưởng tượng về một người cha thật gần gũi với con, mẹ nghe con khoe với bà ngoại “Bà ơi! Bố cháu đi làm ở xa, lúc nào bố cháu về mua cho cháu nhiều đồ chơi, búp bê, gấu bông, cả kẹo nữa, cháu cho ông bà cùng ăn!”.
Bà ôm bé vào lòng và nói: “Bé Mi ngoan quá!” giọng bà buồn, mắt bà buồn. Con hồn nhiên làm mẹ thường phải nén lòng giấu đi những giọt nước mắt. Có lúc con cầm tờ báo có hình hai cha con ai đó mà chạy đi khoe “Bố với Mi này! Bố dắt Mi đi chơi đấy!”. Lúc khác lại là "Bố cõng Mi ngồi trên vai bố thích chưa?”. Xem trên tivi thấy các bạn được đi tắm biển với bố mẹ, con chạy lại ôm mẹ “Mẹ ơi bao giờ bố về, bố đưa Mi với mẹ đi tắm biển nha”…
Con nói mẹ vẽ Mi đi, mẹ vẽ xong con đòi vẽ bố. Mẹ từ chối là không biết vẽ bố. Con đòi mãi mà mẹ vẫn không chịu nhượng bộ, con chấp nhận theo cách của con, nói mẹ vẽ mẹ và Mi, xong con tiếp tục vẽ bố… Con đã tự mình vẽ bố, đầu méo, mình dài, thêm tay chân nguyệch ngọac mà con vui sướng chạy đi khoe khắp nhà “Bố mẹ với Mi đấy, Mi vẽ bố đẹp chưa?”. Mẹ thương con!
Ông, bà, mẹ và cậu chẳng bao giờ nhắc đến bố con, có phải vì thế càng làm cho con khát khao được gặp bố. Tết đến con hỏi “Mẹ ơi, bố Mi đâu?” mẹ lặp lại câu trả lời quen thuộc “Bố đi làm xa”. Hơn 3 tuổi, con đã biết bắt bẻ “Ngày Tết cô giáo cho con nghỉ, mẹ cũng được nghỉ, sao bố không được nghỉ?”. Mẹ phải tiếp tục nói dối con “Bố có được nghỉ, nhưng ở xa quá không về được”. Con hỏi mẹ công ty bố ở đâu, rồi con cao hứng “Bao giờ Mi lớn, Mi đi tìm bố, Mi thơm bố, Mi yêu bố lắm!”.
Mẹ không biết phải làm sao để chia sẻ với con. Con đang lớn dần, rồi một ngày con đủ khôn để biết được hoàn cảnh của mình, con sẽ ra sao? Mẹ rất sợ con bị tổn thương, con không chấp nhận sự thật. Có lần mẹ nói với con “Mi ơi! Bố không yêu mẹ con mình đâu!”, con đã mếu rồi gạt tung đồ chơi, con buồn làm mẹ sợ quá.
Lần khác hai mẹ con đi chơi rất vui vẻ, con hỏi “Bố có yêu mẹ con mình không mẹ?” (Lúc ấy có lẽ con nghĩ chúng ta rất đáng yêu…). Mẹ áp đầu con vào ngực và trả lời “Không, bố không yêu mẹ con mình Mi à!”. Mẹ đang bồng con trên tay, con ngẩng lên nhìn mẹ, thơm vào má mẹ, bàn tay nhỏ xíu vụng về xoa xoa mặt mẹ mà an ủi: “Bố yêu mẹ con mình, nhưng bố phải đi làm xa đấy!”.
Con lại làm mẹ khóc nữa rồi.
Mẹ bối rối trước con…
Theo Vnexpress