Trồng cần sa để…nuôi gia cầm

26/03/2012 15:42
Theo Báo Khánh Hòa
Tuấn cho rằng, theo kinh nghiệm dân gian, nếu cho gia cầm hay gia súc ăn cần sa không những ngừa được bệnh mà còn chóng lớn. 

Cần sa len lỏi đến các vùng quê
Thời gian qua, Công an các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ trồng, sử dụng và buôn bán cần sa. Vụ án gần đây nhất là vào lúc 8 giờ 30 ngày 15-2, Huỳnh Thế Khiển (còn gọi là Duy, sinh năm - SN - 1990, trú tổ dân phố số 9, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) sử dụng điện thoại di động gọi cho Hồ Quang Tuấn (SN 1985, trú thôn Đồng Cau, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) - một đối tượng có trang trại nuôi gia cầm ở xã Suối Tân, với mục đích hỏi mua cần sa khô về bán kiếm lời. Do trước đó đã nhiều lần bán cần sa cho Khiển nên Tuấn cẩn thận hẹn Khiển đến gần Khu Công nghiệp Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) giao hàng nhằm đánh lạc hướng của cơ quan Công an. Tuy nhiên, mọi di biến động của Hồ Quang Tuấn cùng các đối tượng liên quan đã bị các trinh sát hình sự thuộc Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy Công an huyện Diên Khánh theo sát.
Công an huyện Diên Khánh bắt giữ đối tượng Phan Hoàng Thạch (sinh năm 1990, trú thôn Thanh Minh 1, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) về tội trồng, buôn bán trái phép cần sa.
Công an huyện Diên Khánh bắt giữ đối tượng Phan Hoàng Thạch (sinh năm 1990, trú thôn Thanh Minh 1, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) về tội trồng, buôn bán trái phép cần sa.
Như đã hẹn, trưa cùng ngày, Tuấn có mặt tại điểm hẹn và bán cho Khiển 6 túi cần sa khô được 400 nghìn đồng. Sau đó, Khiển chạy xe máy đến lò ngói của ông Nguyễn Em ở thôn Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh bán cho Lê Minh Giang (tên thường gọi Bi em, SN 1989) và Huỳnh Trung Hiếu (tên thường gọi Phèn, SN 1994), cả hai cùng trú thôn Đông 2, xã Diên Điền, 3 gói cần sa với giá 300 nghìn đồng. Mua được hàng, Hiếu phân nhỏ 3 gói cần sa trên thành 4 gói nhỏ hơn để bán cho các đối tượng khác kiếm lời. Đến 11 giờ 45 phút cùng ngày, Trần Thanh Cư (SN 1987, trú thôn Phú Khánh Trung, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) và Đỗ Tấn Thoại (SN 1992, trú tổ dân phố số 15, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) chạy xe máy đến lò ngói của ông Nguyễn Em gặp Giang mua 200 nghìn đồng cần sa về “hút”. Sau đó, Cư cất giấu cần sa vào bên trong một bao thuốc lá, đồng thời “trích” một ít cần sa để đưa cho Hiếu “lên mây”. Trên đường về đến một cây xăng ở tổ dân phố số 11, thị trấn Diên Khánh, Trần Thanh Cư và
Đỗ Tấn Thoại đã bị Tổ công tác thuộc Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Diên Khánh phát hiện bắt giữ cùng tang vật. Tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Diên Khánh, Cư và Thoại khai nhận số thảo mộc trên là cần sa khô và bọn chúng là khách hàng quen thuộc của Giang và Hiếu. Từ lời khai của hai con nghiện, các mũi trinh sát đã nhanh chóng bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây trồng, mua bán trái phép cần sa khép kín.
Khám xét khẩn cấp tại nơi ở của Hồ Quang Tuấn, Cơ quan điều tra Công an huyện Diên Khánh thu giữ nhiều lá, hạt và hoa cần sa đã được phơi khô. Tuấn khai nhận, số lá cần sa này y dùng để nuôi gà và nuôi heo! Y cho rằng, theo kinh nghiệm dân gian, nếu cho gia cầm hay gia súc ăn cần sa không những ngừa được bệnh mà còn chóng lớn. Còn hoa và hạt cần sa khô y bán cho các đối tượng nêu trên để kiếm lời.
Đại úy Nguyễn Minh Hoàng - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Diên Khánh cho biết, từ đầu năm 2010, tình trạng sử dụng cần sa đang ngày càng phổ biến trong một bộ phận thanh thiếu niên, cá biệt có cả học sinh trung học cơ sở. Những học sinh này thường xuyên tụ tập tại các quán cà phê để hút cần sa. Trước tình hình trên, Công an huyện Diên Khánh đã xác lập chuyên án 211C để tập trung lực lượng, phương tiện và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá nhưng tình hình không giảm mà vẫn diễn biến phức tạp. Vụ bắt giữ đối tượng Hồ Quang Tuấn cùng các tên tội phạm khác vào ngày 15-2 là một phần của chuyên án 211C. Trước đó, Công an huyện Diên Khánh, Vạn Ninh đã phát hiện nhiều hộ tại các vùng nông thôn trên địa bàn huyện trồng cây cần sa ngay trong vườn nhà.

Căn nguyên của tội phạm

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung (trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) cho biết: Cách đây không lâu bà có thuê một phụ nữ giúp việc tên Hương. Thế nhưng, người này lại luôn đi làm trễ giờ. Khi được hỏi, người này trả lời tỉnh bơ: “Phải “phê” thì mới làm được!”. Sau nhiều lần dò hỏi, bà Dung mới biết người phụ nữ này thường xuyên “lên mây” cùng bồ đà, nên ngay sau đó chấm dứt hợp đồng với “Osin” nghiện nặng này. Còn đối với bà Trần Thị Quỳnh ở Ninh An, Ninh Hòa, năm 2011, sau khi mở quán cà phê, tại quán của bà thường có một nhóm “choai choai” mang bồ đà đến hút. Để chứng tỏ mình sành điệu, chúng thường “chế” một cái điếu bằng chính chai nước ngọt rồi cắm một ống bằng cành đu đủ để cả nhóm hút hít. Sau khi “lên mây”, mắt chúng đều đờ đẫn, đi loạng choạng rời khỏi quán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm “choai choai” mà bà Quỳnh nêu trên là một nhóm đối tượng hình sự chuyên thực hiện các phi vụ trộm cắp tài sản của người dân trên địa bàn xã Ninh An và nhiều xã giáp ranh đã bị Công an thị xã Ninh Hòa triệt xóa.
Đại úy Ngô Văn Hùng - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội và ma túy Công an thị xã Ninh Hòa khẳng định, do tính chất dễ sử dụng, rẻ hơn (khoảng 50 nghìn đồng/bịch) so với ma túy nên một bộ phận thanh thiếu niên trên địa bàn đã tìm đến bồ đà, trong số này chủ yếu là các đối tượng lêu lổng, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Vì thế, tình hình sử dụng bồ đà trên địa bàn ngày càng có chiều hướng phức tạp. Đáng chú ý, một số tiếp viên nữ trong các quán karaoke trên địa bàn cũng thường xuyên hút bồ đà! Hiện Công an thị xã Ninh Hòa đang quản lý 45 đối tượng nghiện ma túy, trong số đó có đến 1/2 nghiện bồ đà.

Tìm hiểu nguyên nhân các loại tội phạm tăng đột biến trong thời gian qua, Trung tá Mai Xuân Hậu - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Vạn Ninh lý giải: Từ các vụ án hình sự bị lực lượng Công an bóc gỡ có thể khẳng định: 80% các vụ phạm pháp hình sự hiện nay đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ma túy (heroin, cần sa (bồ đà), “hàng đá”)… Cụ thể, hiện nay cơ quan Công an huyện Vạn Ninh đang quản lý hồ sơ 80 đối tượng sử dụng ma túy. Trong số này có đến gần một nửa nghiện bồ đà. Ước tính, một người nghiện bồ đà mỗi ngày “đốt” hết 100 nghìn đồng sau mỗi lần “phê”, còn người nghiện heroin thì ít nhất là 200 nghìn đồng. Nếu lấy bình quân thì 80 người nghiện ở Vạn Ninh mỗi ngày “lên mây” và “đốt” mất 16 triệu đồng, một tháng là 480 triệu đồng! Một con số khiến người ta phải giật mình. Tuy nhiên, đó mới là địa bàn huyện Vạn Ninh, nếu tính rộng ra trên toàn tỉnh thì con số này sẽ không nhỏ. Do vậy, để có tiền “phê” heroin, bồ đà, những con nghiện này chắc chắn chỉ còn một cách là lấy từ gia đình hoặc gây án ngoài xã hội.

Thực tế trên cho thấy, việc đấu tranh để loại trừ ma túy nói chung và cần sa nói riêng ra khỏi cộng đồng là cuộc chiến không đơn giản. Tuy nhiên, theo Trung tá Mai Xuân Hậu, hiện nay công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì người dân sợ bị trả thù nên rất ít người dám tố cáo, một nguyên nhân khác là công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy gần như bị chính quyền ở một số địa phương buông lỏng, “phó thác” cho lực lượng Công an.
Theo Báo Khánh Hòa