Ảnh minh họa |
Tuti năm nay mới lên 5 tuổi nhưng tỏ ra “đầu gấu” vô cùng. Tuti bắt nạt tất cả bọn trẻ con trong ngõ, kể cả những đứa lớn hơn hẳn Tuti. Cứ mỗi lần Tuti giành đồ chơi hoặc đồ ăn không được với các bạn là thế nào Tuti cũng giơ tay đấm luôn người ta. Kể cả với người lớn Tuti cũng không hề tỏ ra sợ hãi. Nếu giành mãi không được là cu cậu lăn ra khóc lóc ăn vạ cho đến khi nào được mới thôi. Điều đáng nói ở đây là phản ứng của bố mẹ Tuti. Bố mẹ Tuti luôn cho rằng như vậy chứng tỏ con mình thông minh nhất, cá tính nhất và có tố chất “không lùi bước trước khó khăn”?!
Ngay từ nhỏ Tuti đã tỏ ra không hề nhút nhát, bằng chứng là ai bế Tuti cũng được, không hề thấy lạ, đi đến chỗ lạ không phải nhà mình Tuti cũng xông xáo chạy khắp nơi. Bố mẹ Tuti tự hào về điều này lắm, đến đâu cũng khoe “thằng này nó bạo lắm, nhanh nhẹn lắm…”. Công nhận là mấy đứa trẻ cùng ngõ không được bạo dạn như Tuti, chẳng thế mà khi chơi cùng nhau, bao giờ Tuti cũng là người giành phần thắng. Bố mẹ Tuti lại càng thích, luôn cho rằng con mình giỏi nhất. Đã thế, bố mẹ Tuti lại thường hay bảo con: “Đá cho anh Bi một cái”, “Đấm cho anh Tít một phát”, hay “Tuti đâu, xông lên, oánh cho các bạn một trận”. Chị em cùng có con trong ngõ thấy vậy nhiều lần có ý nhắc nhở bố mẹ Tuti, rằng nếu dạy con như vậy sẽ hình thành tính bạo lực ở con, nhưng cả hai đều cho rằng “trẻ con biết gì, không phải lo”.
Điều “không phải lo” của bố mẹ Tuti giờ đã thành sự thực, nhưng lại là một sự thực đáng để suy nghĩ. Ở trong ngõ, Tuti được đặt biệt danh là “Đầu gấu” hoặc “Thằng đánh người”, vì cứ có điều gì không vừa ý là Tuti sẵn sàng dùng bạo lực để “giải quyết” ngay.
Trẻ con đúng là không biết gì, nhưng tính cách của chúng được hình thành là do sự dạy dỗ của gia đình và xã hội. Tính cách của trẻ cũng được hình thành ngay từ khi trẻ con nhỏ, thậm chí còn trong bụng mẹ. Vậy nên, là bậc làm cha mẹ, đừng nên nghĩ rằng, khi lớn trẻ sẽ tự biết nhận thức đúng sai mà quên đi trách nhiệm dạy dỗ con của mình.
Những cử chỉ như quát mắng người khác, giành giật đồ không phải của mình, nói hỗn, vô lễ với người lớn, đánh người khác… đều không phải là những hành động đáng khuyến khích ở một đứa trẻ. Lúc đầu, người lớn có thể không để ý và cho rằng “trẻ con nó thế”, và thậm chí còn tán dương. Việc làm này thực sự rất không nên, vì nó vô tình làm cho con nghĩ rằng mọi việc đó mình làm đều là đúng. Và đến khi cha mẹ muốn con sửa chữa những tật đó thì đã quá muộn.
Việc giáo dục con ngay từ khi con còn nhỏ là điều rất quan trọng, vì sẽ có kết quả khá cao. Nhưng khi con đã hình thành tính cách này thì cha mẹ cũng cần biết cách uốn nắn và sửa chữa cho con. Quát mắng và trừng phạt con bằng roi vọt không phải là biện pháp tối ưu, bởi thậm chí nó còn làm cho tính “đầu gấu” của con tăng lên.
Thay vào đó, cha mẹ hãy làm gương cho con trong cách ứng xử, quan hệ, giao tiếp để con học hỏi và thay đổi dần dần. Bên cạnh đó, hãy chia sẻ và nói chuyện với con nhiều hơn về các câu chuyện trong cuộc sống, về cách sống, cách đối xử với những người khác. Khi con có những biến chuyển, dù chưa nhiều cũng nên động viên và khen con. Biện pháp phạt con không phải là không nên áp dụng, nhưng chỉ nên áp dụng ở mức vừa phải và phù hợp hoàn cảnh. Ví dụ, khi con giành đồ ăn của bạn thì sẽ nghiêm khắc không cho con “thành công” và cũng phạt con không được ăn đồ ăn đó trong vài ngày.
Theo MaskOnline