Thu phí giao thông: Xem xét điều chỉnh phí bảo trì đường bộ với ôtô

29/03/2012 11:05
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Xem xét điều chỉnh phí bảo trì đường bộ đối với ô tô. Thu phí xe máy khác gì chặt đôi chân người nghèo... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Xem xét điều chỉnh phí bảo trì đường bộ đối với ô tô

Nguồn tin trên Thời báo kinh tế Sài Gòn cho hay, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đang xem xét điều chỉnh mức thu quỹ bảo trì đường bộ đối với xe ô tô trước khi Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện từ ngày 1/6.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hiện tại, Bộ vẫn đang tính toán lại các mức thu phí đối với từng nhóm xe nên chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, đối với nhóm xe ô tô tiêu chuẩn (tức là xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn) mức thu vẫn giữ nguyên như đề xuất trước đây là 180.000 đồng/tháng. Sự điều chỉnh được thực hiện ở sáu nhóm xe tiếp theo để mức thu giữa các nhóm xe không quá chênh lệch.
Đối với xe máy, mức thu cũng được giữ nguyên như đề xuất (từ 80.000 - 150.000 đồng/năm, tùy theo phân phối của xe). 
Theo kế hoạch, cuối tháng 3 mức phí điều chỉnh sẽ được xây dựng xong và sẽ công bố cho người dân biết, ông Quốc cho biết.
Thu phí xe máy khác gì chặt đôi chân người nghèo

Thông tin trên Nguoiduatin, trước phương án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ giao thông, giới chuyên môn vẫn không khỏi lo ngại mục tiêu giảm ùn tắc không đạt được mà còn gây thêm khó khăn và bức xúc cho người dân.

Đón nhận thông tin xe máy sẽ phải đóng phí phương tiện nếu muốn lăn bánh trên đường, anh Lê Văn Thỉnh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cho rằng đây không phải là cách làm hiệu quả mà còn gây ra nhiều bất cập, bức xúc và khó khăn cho toàn dân. Thu phí đối với ô tô còn có thể "thông cảm" được, còn bắt xe máy đóng phí chẳng khác gì dồn người dân chúng tôi vào chân tường".

"Lãnh đạo Bộ GTVT biện minh rằng, hạn chế xe cá nhân để tránh ùn tắc, tạo "công ăn việc làm" cho phương tiện công cộng nhưng thử hỏi với năng lực của xe buýt hiện nay liệu có đáp ứng nổi không?

Thu phí xe máy khác gì đánh vào túi tiền để cấm người dân lưu thông trên đường, khác gì họ bị chặt mất chân", anh Thỉnh bức xúc.

Trước khi có phương án hạn chế xe máy bằng thu phí thì cần có các phương tiện công cộng tiện lợi thay thế.
Trước khi có phương án hạn chế xe máy bằng thu phí thì cần có các phương tiện công cộng tiện lợi thay thế.

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bộc bạch “Những gì đáng thu mới thu, còn những cửa để dân làm ăn, kiếm thêm thu nhập thì cần phải tính toán”.

Thu phí giao thông: Dân kêu trời vì phí lưu hành
Báo Pháp luật và Xã hội cho hay, thông tin phí bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012 khiến đa phần người dân không đồng tình. Theo ý kiến của nhiều người, đề xuất này không sai, nhưng tính hợp lí thì không có.

Anh Phan Hồng Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) nói: ”Bộ GTVT đề xuất ra loại phí bảo trì, phí lưu hành hằng năm đối với ô tô, xe máy như hiện nay là chưa hợp lý. Không thể viện lý do thu để tu bổ đường được, vì tiền thu từ các trạm thu phí làm gì, để ở đâu? Hơn nữa nhiều tuyến đường vừa xây dựng xong đã xuống cấp thì trách nhiệm thuộc về ai?”.

Điều khiến đa số không đồng tình ở đây là nếu đã quy định thu phí, sao vẫn tạo ra những khoảng cách dễ gây bất bình, khiến người dân khó có thể “tâm phục, khẩu phục” được. Vì dù là ai cũng đều là những công dân bình đẳng của đất nước.

Anh Thanh Hải (N.Đ) đề nghị: “Các vị giới chức làm gương đi xe buýt đến trụ sở làm việc cho dân noi theo đi. Các vị cũng nên đề nghị cả gia đình và bạn bè mình làm theo như thế, xem có ai đồng tình không. Các vị cứ vừa hô hào thu phí này nọ, nhưng vẫn cho nhập xe máy, ôtô từ nước ngoài. Tiền thuế ấy để làm gì nhỉ? Mong các vị suy nghĩ cho thấu đáo trước khi đề ra hết khoản phí này tới khoản thu khác, mà theo chúng tôi nghĩ thì chỉ càng đè thêm gánh nặng lên người dân chúng tôi thôi”.
Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ: Công khai và minh bạch

Nguồn tin trên Tin tức cho hay, hiện ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu quản lý, bảo trì đường bộ (BTĐB). Từ ngày 1/6/2012, Quỹ BTĐB bắt đầu vận hành trên cơ sở thu phí sử dụng phương tiện tham gia giao thông của người dân và ngân sách nhà nước cấp bù hàng năm, nhằm đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tài chính cho công tác quản lý, duy trì chất lượng vận hành hệ thống đường bộ cả nước. 

Công ty xây dựng giao thông Phú Yên thi công mở rộng quốc lộ 25. Ảnh: Thế Lập/TTXVN
Công ty xây dựng giao thông Phú Yên thi công mở rộng quốc lộ 25. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Vấn đề này đang có nhiều ý kiến phản hồi từ phía các cơ quan liên quan, cũng như dư luận xã hội, nhất là quy định mức phí thu, cách quản lý và sử dụng quỹ, phương thức hoạt động của cơ quan quản lý quỹ. Có thể thấy, công khai và minh bạch là hai yếu tố cốt lõi để đảm bảo quỹ vận hành hiệu quả.

Việc ra đời Quỹ BTĐB là xu hướng phát triển tất yếu trong tiến trình xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ nước ta hiện nay. Quỹ BTĐB cũng đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua. Hiện tại, có không ít ý kiến đang phản ứng về việc thu phí này. Tuy nhiên, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, mỗi người dân muốn đi đường tốt thì cần có trách nhiệm chung tay với Nhà nước bảo dưỡng đường.

Phí chồng phí là trái luật!

Báo Pháp luật Tp.HCM đưa tin, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nếu thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm là không đúng với bản chất của phí.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (nguyên ĐBQH khóaXII) cho biết “muốn có chiến lược giảm tai nạn, ùn tắc giao thông thì không nên tạo điều kiện cho người dân mua xe máy. Nhưng sai lầm của chúng ta là cho nhập xe máy ồ ạt, ngay trong nước cũng cho sản xuất xe máy rất nhiều. Để rồi hôm nay hết phí sử dụng đường bộ lại đến phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm. Quá nhiều loại phí chỉ làm khổ dân chứ không giải quyết được gì cả!”.

Phí hạn chế xe cá nhân hoàn toàn không đúng với bản chất của phí do người dân không có sử dụng dịch vụ. Ảnh: HTD
Phí hạn chế xe cá nhân hoàn toàn không đúng với bản chất của phí do người dân không có sử dụng dịch vụ. Ảnh: HTD

Còn luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm “Nếu thuế là nghĩa vụ thì phí lại là khoản tiền mà chỉ khi nhận dịch vụ thì người dân mới đóng. Do vậy, tôi cũng cho rằng phí hạn chế xe cá nhân hoàn toàn không đúng với bản chất của phí vì ở đây người dân không có sử dụng dịch vụ.
Riêng đối với phí sử dụng đường bộ, nếu tôi đóng phí tức là khi sử dụng dịch vụ thì tôi có quyền hài lòng hay không. Vậy khi gặp đường không tốt như lầy lội, ổ voi, ổ gà, khúc quanh nguy hiểm, biển báo không đúng, không đảm bảo an toàn, tôi có quyền khiếu nại và chấm dứt sử dụng dịch vụ này hay không?”.
“Cân nhắc kỹ việc thu thêm phí giao thông”

Báo Tuổi trẻ đăng tải thông tin, đó là đề nghị của ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất thu hai loại phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc.

Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Thảo cho biết thêm “ở nước ngoài, nếu người dân không có điều kiện sử dụng phương tiện cá nhân thì hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện công cộng thay thế, mà vẫn đảm bảo việc đi lại bình thường. Trong khi đó với điều kiện của chúng ta, nếu không được sử dụng xe công thì phương tiện đi làm duy nhất và thuận lợi nhất mà người dân có thể sử dụng là xe máy hoặc ôtô. Liệu có nên đưa ra việc hạn chế trong khi chưa tạo ra ngay được dịch vụ khác thay thế hay không?”.

Theo quan điểm của ông Thảo Bộ GTVT nên tính toán kĩ để giải quyết ùn tắc giao thông cần có giải pháp đồng bộ như tăng cường hơn nữa phương tiện giao thông công cộng, giảm tải dân số cho khu vực trung tâm... Hiện nay, đa số người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, nếu như nhiều loại chi phí gộp vào mà thu nhập không đủ bù đắp thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng.
Hải Phong (Tổng hợp)