"Cách làm sách giáo khoa của Việt Nam sai từ gốc!"

15/06/2011 03:07
(GDVN) - Nếu biết kế thừa kinh nghiệm trong - ngoài nước và thành tựu khoa học, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng sẽ thay được đồng bộ SGK từ lớp 1 - 12.

(GDVN) - Nếu biết kế thừa kinh nghiệm trong - ngoài nước và thành tựu khoa học giáo dục hiện nay, tôi khẳng định trong vòng một năm, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, chương trình - sách giáo khoa chuẩn sẽ được hoàn thành, để ta có thể thay sách đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12 vào thời gian tới.

LTS: Đề án Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 với con số đầu tư 70.000 tỷ đồng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Suốt nhiều tuần nay, giới báo chí cũng tốn không ít giấy mực để bàn luận về câu chuyện này. Nhiều nhà giáo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng bày tỏ nhiều quan điểm, ý kiến của mình. Có ý kiến ủng hộ, nhưng lại có người phản đối dự thảo đề án.

Xung quanh câu chuyện này, báo Giáo dục Việt Nam đã tìm đến GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, người được mệnh danh là "nhà phản biện ngành giáo dục" và được ông chia sẻ nhiều tâm huyết với ngành giáo dục.

Sau đây, chúng tôi xin trích đăng loạt bài viết của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn về những câu chuyện in sách giáo khoa, chỉnh sửa, cải biên sách... Mời bạn đọc đón xem.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được thưởng Huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học.

Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia.

Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Vật lý VN, thư ký hội đồng biên tập tài liệu chuyên khảo để đào tạo cán bộ vật lý, vật lý toán cho bậc đại học, trên đại học; Tổng biên tập tạp chí Vật Lý Ngày Nay; giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG Hà Nội.
 


In sách giáo khoa: Cục bứu dị dạng

Lượng ấn phẩm NXB GD chiếm tới 80% lượng sách của cả nước (ở nước ngoài lượng sách giáo dục chỉ chiếm vài %).

Theo Cục xuất bản năm 2007 là 276,447 triệu bản (CAND ngày 1/5/2008), còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2004, người dân đã phải bỏ ra trên 2.000 tỷ đồng để mua sách học, chưa kể tiền vay của nước ngoài, và tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Thế nhưng, cơ cấu sách rất bất hợp lý: sách phổ thông làm học sinh bội thực, ngược lại sách đại học quá ít, tỷ lệ sách đại học/sách phổ thông chỉ 1%-2% . Về số đầu sách trên khối lớp trung bình trên 200 cuốn, trong đó khoảng 60 cuốn sách giáo khoa, còn lại là sách tham khảo.

Đợt thay sách 2002-2009, Nhà nước dự chi 2 tỷ USD. Loại sách cho học sinh viết vào, chỉ dùng một lần rồi bỏ thật lãng phí.

Ví dụ, Lớp 1 có 7 môn học, Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc Thủ công, Tự Nhiên xã hội, thì có tới 8 cuốn sách nữa được thiết kế cho học sinh viết vào rồi bỏ như: sách Vẽ, Mỹ thuật, Đạo đức, Bài tập Đạo đức, Toán, Bài tập Toán, Thủ công, Bài tập tiếng Việt, hay sách hướng dẫn ôn tập 6 cuốn thi tốt nghiệp phổ thông năm nay có giá là 96.000 đồng/bộ.

Xin lưu ý, loại sách ôn tập này mà trước đây ở ta và các nước tiên tiến không có. Năm nay có gần 1 triệu HS lớp 12, nếu chỉ 50% HS mua loại sách này, NXB GD đã thu về gần 50 tỷ đồng, mà công sức và đầu tư không đáng kể. Số tiền 50 tỷ bằng số tiền mà NXB GD bù lỗ cho giá giấy tăng năm nay.

In ấn và xuất bản sách giáo khoa ở nước ta được GS Hoàng Tuỵ mấy năm trước cảnh báo là một trong ba “cục bứu dị dạng” của giáo dục Việt Nam (liên quan đến sách giáo khoa, thi cử và dạy thêm tràn lan) cần phải cắt bỏ. Về in SGK, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ thị “Chấm dứt ngay năm nào cũng in lại SGK …”.

Theo Điều 36 của Hiến Pháp năm 2002, Điều 100 của Luật Giáo dục, trước Quốc hội và nhân dân, về chương trình và sách giáo khoa người chịu trách nhiệm là Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng. Ở rất nhiều nước, sách giáo khoa phổ thông được cung cấp miễn phí, tại sao nước ta còn nghèo mà năm nào cũng in lại sách giáo khoa (nội dung chỉ trong mỗi cuốn sách chỉ đính chính, thay đổi một vài chữ)? Rồi bắt người dân phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sách giáo khoa? Điều này thật phi lý.

 



Cách làm sách sai từ gốc


Cách làm chương trình, sách giáo khoa trong 27 năm qua có vấn đề, chưa nói là sai từ gốc tư duy và tổ chức. Ở tầm vĩ mô, khi thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa, mà Bộ Giáo dục & Đào tạo không hề có chương trình - sách giáo khoa chuẩn để tham khảo (một vài tác giả tự sưu tầm, qua nghiên cứu, sách chưa đầy đủ, chưa tiêu biểu và thiếu tính hệ thống).

Cách làm là cắt khúc chương trình phổ thông cho nhiều nhóm làm, nhóm nọ không biết nhóm kia, theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Với cách làm như vậy, chương trình - sách giáo khoa phải chỉnh sửa hàng năm và in lại.

So với mặt bằng giáo dục chung của các nước, nhiều nội dung trong sách giáo khoa của ta nặng hơn từ 1-3 năm. Cách làm cắt khúc cuốn chiếu, kiến thức trình bày không liền mạch, ngôn ngữ sử dụng không thông dụng, xa cuộc sống, khó học khó nhớ. Để chuyển tải được chương trình hiện nay, nhiều học sinh phải học thêm với số tiền bỏ ra rất lớn.

Chương trình - sách giáo khoa hiện nay, tôi xin khẳng định chưa phải là một sản phẩm khoa học. Khi làm chương trình - sách giáo khoa không tham khảo, khi đánh giá cũng không có chương tình chuẩn để so sánh.

Nếu biết kế thừa kinh nghiệm trong - ngoài nước và thành tựu khoa học giáo dục hiện nay, tôi khẳng định trong vòng một năm, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, chương trình - sách giáo khoa chuẩn sẽ được hoàn thành, để ta có thể thay sách đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12 vào thời gian tới.

GS Nguyễn Xuân Hãn

{iarelatednews articleid='4635,4538,4493,4265,4184'}

Tiếp theo: Nội dung đề án Giáo dục 70.000 tỉ đồng không có gì mới!