Nguyễn Văn Ngữ (sinh năm 1970, ở Mỗ Đoạn, Kỳ Sơn, Tứ Kỳ) là đối tượng “cộm cán” ở địa phương, đã có 3 tiền án: 2 lần do trộm cắp tài sản và 1 lần do “hành hạ vợ”.
Hai cháu Nguyễn Phạm N.Q (con gái lớn, sinh năm 1998) và Nguyễn Phạm H.K (con trai út, sinh năm 2002) là con đẻ của Ngữ với người vợ đầu tên là Phạm Thị Lư (SN 1974, tại xã Mỹ Xã, xã Ngọc Sơn).
Năm 2003, sau 6 năm chung sống, do không chịu được những trận đòn ghen vô cớ, chị Lư đã làm đơn ly hôn và nuôi 3 con theo quyết định của tòa. Nhưng sau khi ra tù, Ngữ đã bắt 2 cháu Nguyễn Phạm N.Q và Nguyễn Phạm H.K về nuôi. Còn cháu Nguyễn Phạm T.L (con trai thứ, sinh năm 2000) hiện đang sống cùng mẹ.
5 năm sau, Ngữ lấy vợ 2 là chị Nhâm (sinh năm 1974, ở Xuân Nẻo, Hưng Đạo), có 1 con chung và ở lại đây. Vợ chồng Ngữ và 3 con chung, riêng cùng ở 1 nhà.
Cũng từ đây, những trận đòn roi tàn khốc của Ngữ liên tục giáng lên đầu 2 cháu bé, vì những lý do rất nhỏ nhặt: Nghịch ngợm, quên việc nhà, làm rách quần...
Chân dung người cha độc ác
Phẫn nộ nhất là việc, Ngữ nhiều lần bắt các con moi phân người từ nhà vệ sinh lên ăn, bắt con ăn phân gà. Những lần này Ngữ đều cầm gậy đứng giám sát, bắt các con phải nuốt vào bụng. Có lần, Ngữ bắt con liếm cơm dưới nền nhà; bắt cháu H.K cởi truồng đi từ nhà đến trường và cởi truồng đứng ở cổng khi có đám ma đi qua...
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa ngày 27/3 do Tòa án Nhân dân huyện Tứ Kỳ, thái độ quanh co không thừa nhận hành vi bắt con ăn phân của Ngữ đã khiến dư luận phẫn nộ.
Nhưng trước những chứng cứ điều tra và một thẻ nhớ điện thoại do một nhân chứng ghi lại cảnh Ngữ bắt cháu H.K cởi truồng đứng ở cổng khi có đám ma đi qua, Ngữ đã phải cúi đầu nhận tội.
Biện minh cho những vết thương trên người các cháu bé, Ngữ cho rằng: “Chỉ đánh cho các cháu biết sợ, biết chừa tội lười học và nghịch ngợm”. Ngữ cũng thừa nhận, nhiều lần đánh con bằng gậy tre, gậy inox, có lần “tiện” thì đánh con bằng tay, bằng dép vào mặt, vào đầu.
“Tại sao bị cáo không được quyền nuôi con lại tự ý bắt con về?” - vị đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục hỏi. Ngữ khai: “Do mẹ các cháu đi làm ăn xa nên “lương tâm” của người bố cắn dứt, chạnh lòng. Đón con về để bảo ban, kèm cặp”.
Lần đầu tiên, trong khán phòng xử án được chứng kiến cảnh Ngữ sụt sùi, tỏ vẻ hối lỗi cho hành vi tàn độc của mình. Nhưng với những gì Ngữ đã gây ra là khó có thể tha thứ.
Những trận đòn chí mạng
Ông Nguyễn Vũ Quân, Thẩm phán, Chủ tọa đã công bố lời khai của các cháu bé, khiến nhiều người rùng mình và không kìm được dòng nước mắt xót xa.
Cháu H.K khai: “Bố đón cháu về từ lúc 5 tuổi. Cháu bị bố đánh từ nhỏ, nhiều lần và rất đau. Cháu không hiểu sao bố lại đánh. Có lần bố cầm chân cháu kéo ngược lên bậc hè làm cháu chảy máu đầu. Ba chị em cháu nhiều lần bị bố dìm xuống ao cho sặc nước.
Cháu bị bố 2 lần bắt ăn phân người, 1 lần ăn phân gà, sau đó không chịu được nôn hết ra ngoài. Đang ăn cơm, bố ném bát cơm vào mặt cháu nhưng không trúng, bát cơm vỡ tung tóe, bố bắt cháu bò xuống nền nhà liếm, ăn hết từng hạt cơm. Bố đánh cháu ù tai, chảy máu mũi. Bắt cháu cởi truồng, cháu rất dơ nhục. Cháu rất giận bố và khổ sở nhưng không biết làm sao”.
Hai chị em Nguyễn Phạm N.Q (con gái lớn) và Nguyễn Phạm H.K (con trai út) từng bị hành hạ nhiều năm
Lời khai của cháu N.Q cũng khủng khiếp không kém và lồng trong đó là sự phẫn uất, già dặn của 1 người chị cả, từng bị bố nhiều lần hành hạ tàn nhẫn: “Chị em cháu đều bị đánh bố rất đau đớn. Mắt cháu bị mờ, cánh tay phải phồng to hơn bình thường. Cháu rất giận bố. Cháu muốn bố phải đi tù. Mẹ Nhâm can ngăn cũng bị đánh. Cháu muốn mẹ Nhâm ly dị”.
Bản án thích đáng
Theo kết luận giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), cháu H.K bị một số vết thương ở đỉnh đầu, thái dương, tỷ lệ thương tật 1% sức khỏe tạm thời; cháu N.Q bị nhiều sẹo ở môi dưới, 2 mông, mắt cá chân, ảnh hưởng thị lực... Tỷ lệ thương tật 5% sức khỏe tạm thời.
Trước phiên tòa, chị Lư, mẹ của 2 cháu bé chủ động liên lạc với phóng viên. Chị nghẹn ngào: Tôi đã làm việc với tòa án và làm thủ tục để tôi (đại diện hợp pháp cho 2 bị hại) và 2 con vắng mặt tại tòa. Chị không muốn các con một lần nữa giáp mặt kẻ thủ ác mà lại chính là cha của chúng. Chị mong muốn vụ việc nghiêm trọng này phải được xử lý nghiêm khắc, như một lời cảnh báo đến toàn xã hội.
Chị Lư nói thêm: Những dấu vết đòn roi đã dần phai mờ trên thân thể của 2 đứa trẻ, song những chấn thương trong tâm hồn non nớt của chúng thì chưa biết đến bao giờ mới được gột sạch. Đáng mừng là các cháu đã hòa nhập khá nhanh với môi trường học tập mới. Các thầy cô, bạn bè ở Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn đã chia sẻ, giúp đỡ các cháu rất nhiều.
Trước phiên tòa này, Ngữ cũng đã bắn tin cho chị Lư, muốn chị và các con có đơn bãi nại nhằm giảm nhẹ hình phạt. Chị đã từ chối lời đề nghị này.
Chủ tọa phiên tòa nhận định: Bản thân Ngữ là bố đẻ những thay vì yêu thương thì lại hành hạ con cái nhiều lần với các hành vi tàn ác, lệch chuẩn xã hội, xâm phạm nghiêm trọng quan hệ gia đình, ảnh hưởng sự phát triển bình thường của trẻ em.
Các bậc cha mẹ không thể tự cho mình quyền được đánh đập con cái. Ngữ đã nhiều lần phạm tội, riêng tội “Hành hạ vợ” vẫn chưa được xóa án tích, phải cách ly khỏi xã hội có thời hạn. Do đó, với lần phạm tội này, Nguyễn Văn Ngữ đã bị tuyên phạt 21 tháng tù giam, trừ 23 ngày đã tạm giam trước đó.
Điểm nóng |
|
Bà nội Lê Văn Luyện: Vụ án này phải có ai giúp sức, đứng sau Luyện |
|
10 điểm nghi vấn gia đình bé Bích đòi làm rõ khi xử Luyện ngày 30.3 |