(GDVN) - Liên quan đến việc TMV ra Quyết định số 230/2011/TMV-A ngày 11/6/2011 tạm đình chỉ công việc đối với KS Lê Văn Tạch. Ngày 15/6, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã lên tiếng: "Tôi hy vọng rằng, trong chuyện này Công ty Toyota Việt Nam không làm méo mó đi nhận thức của người dân Việt Nam về hình ảnh của các doanh nghiệp Nhật.".
{iarelatednews articleid='4712,4624,4607,4525,2085,1236'}
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Trước hết, cũng như đông đảo dư luận tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp của KS Lê Văn Tạch trong việc công khai các lỗi kỹ thuật xe Toyota Việt Nam sản xuất. Đối với những sản phẩm đặc biệt như xe ôtô, nếu người làm nghề để xảy ra những lỗi về kỹ thuật, hoặc biết lỗi mà không khắc phục thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đến tính mạng của người xử dụng xe và cả nhiều người khác.
Hành động của KS Lê Văn Tạch là hành động rất dũng cảm, chứng tỏ ý thức trách nhiệm công dân của anh Tạch là rất cao.
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Theo ông, trong thời điểm này Toyota cần xử lý vấn đề ra sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, trước hết phía TMV nên tổ chức đối thoại với KS Tạch để xem xét có những phát hiện đó có chính xác không? TMV hành động như thế thì dư luận không thể nào chấp nhận được.
Ở Việt Nam có câu: "Đi qua vườn đào đừng có gãi đầu, sửa mũ/ Đi qua vườn dưa đừng có sửa giầy". Hành động của TMV lại diễn ra đúng lúc người ta đang chăm chú theo dõi một công ty lớn đối xử với một người công nhân có trách nhiệm như thế nào. TMV vội vàng đưa ra một quyết định như thế thì rất khó có thể thông cảm được.
KS Tạch đã dũng cảm đứng lên bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho rất nhiều người tiêu dùng. Vậy ai sẽ là người bảo vệ cho KS Tạch?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam phải vào cuộc, phải có ý kiến lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trước hết là Tổng liên đoàn lao động VN, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…cần xem xét sự việc này một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó là dư luận xã hội và các cơ quan báo chí cần tích cực lên tiếng để TMV làm rõ đúng sai như thế nào?
Trách nhiệm của anh Tạch là rất lớn, vì phát hiện hơn 73.000 chiếc xe “có vấn đề” đồng nghĩa với việc đảm bảo an tàn của biết bao nhiêu con người? Những người trực tiếp sử dụng xe ôtô, những người đi đường, …
Anh Tạch là người kiên trì đấu tranh và liên tục báo cáo với công ty những sai phạm tiếp theo về kỹ thuật, mà bây giờ anh ấy lại bị “cô lập” trong công ty, bị đình chỉ công tác và tiến tới rất có thể anh ấy sẽ bị áp dụng những hình thức mạnh hơn nếu như dư luận không lên tiếng. Nếu như vậy, thử hỏi đối với những người khác đứng lên đấu tranh vạch ra những sai trái thì người ta còn gặp những khó khăn trở ngại đến đâu? Và mình có thể động viên được trách nhiệm công dân ở trong xã hội nữa không?
Ông có hy vọng vào một kết cụ "có hậu" cho KS Tạch?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong nhận thức của người Việt về cách làm của người Nhật trong các doanh nghiệp, chúng ta thường đánh giá họ rất cao, nhất là tính nhân văn, trách nhiệm ở trong các hoạt động của các công ty Nhật Bản. Tôi cũng hy vọng rằng, trong chuyện này Công ty Toyota Việt Nam sẽ giải quyết sự việc và sẽ không làm méo mó đi nhận thức của người dân Việt Nam về hình ảnh của các doanh nghiệp Nhật.
Toyota Việt Nam làm sai bản chất vụ việc? Liên quan đến Quyết định số 230/2011/TMV-A ngày 11/6/2011 của TMV tạm đình chỉ công việc 3 tháng đối với KS Lê Văn Tạch, luật sư Đinh Thế Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) bày tỏ quan điểm: “Ông Tạch gửi “Thư kiến nghị” tới TMV và tôi không thấy có dòng chữ nào thể hiện việc “tố cáo” như lời của lãnh đạo TMV phát biểu cả. Thông thường, thư kiến nghị thuộc dạng văn bản không bắt buộc phải điều tra, xác minh. Trường hợp điều tra, xác minh thì dù đúng, sai thế nào cũng chỉ giúp hai bên rút kinh nghiệm với nhau. Điều này khác hẳn với “Đơn tố cáo”, bởi nếu tố cáo sai thì người làm đơn tố cáo có thể bị quy vào tội vu khống người khác nhằm mục đích nào đó”. Kỹ sư Lê Văn Tạch gửi Thư kiến nghị từ ngày 31/5 thì đến ngày 10/6, lãnh đạo TMV có văn bản trả lời nhưng lại tiếp tục sử dụng từ “anh Tạch tố cáo” lại càng sai về bản chất. “Từ một vụ việc Thư kiến nghị, TMV đã đẩy lên thành sự việc “tố cáo”. Từ 31/5 đến 10/6 khi có thư phúc đáp cho anh Tạch, 7 cán bộ của TMV không ai bị đình chỉ nhưng chỉ trong cùng 1 ngày, TMV lại làm được 3 việc: nhận đơn, họp giải quyết đơn của anh Chương và ra quyết định đình chỉ công việc của anh Tạch để xác minh thêm là quá vô lý, thể hiện sự đối xử bất bình đẳng của TMV”, luật sư Hùng nói. Được biết ngày 14/6, KS Lê Văn Tạch đã làm đơn khiếu nại Về quyết định tạm đình chỉ công việc và gửi lên ông Tachibana, Tổng giám đốc Công ty Ôtô Toyota Việt Nam. Trong đơn khiếu nại KS Lê Văn Tạch đã khẳng định: Ngày 31/5/2011 tôi gửi tới ông Thư kiến nghị để phản ảnh một số thông tin về cách hành xử của một số lãnh đạo và một số kiến nghị chứ chưa phải là Đơn tố cáo. Việc ông Chương hay ai đó coi đây là hành vi “tố cáo” là không phù hợp. |
Mới có 4.089 xe Toyota mắc lỗi đến kiểm tra Ngày 15/6, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã có thông báo về việc giám sát Chương trình kiểm tra, sửa chữa miễn phí các xe Toyota bị lỗi của Toyota Việt Nam (TMV). Theo đó, từ ngày 18/4 đến hết ngày 31/5, chỉ có 4.089 xe trong tổng số hơn 73.240 xe mắc các lỗi kỹ thuật (được kỹ sư Lê Văn Tạch phát hiện và tố giác hồi tháng 3-2011) đến kiểm tra, sửa chữa. Cụ thể, chỉ 3/167 xe mắc lỗi áp suất dầu phanh được kiểm tra; 256/7.370 xe lỗi lực siết bu lông cam bơ được kiểm tra và 3.830/65.703 xe lỗi lực siết bu lông bắt móc neo chân ghế sau được kiểm tra. Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, số lượng xe được khắc phục trong chương trình này quá thấp. Cũng liên quan đến vụ việc xe ô tô của TMV bị lỗi kỹ thuật, chiều 15/6, kỹ sư Lê Văn Tạch đã có đơn khiếu nại quyết định tạm đình chỉ công việc của TMV đối với ông. Trong đơn ông Tạch cho rằng, việc đình chỉ công việc là chưa thỏa đáng và không cần thiết. (Theo SGGP) |
Trịnh Yến