Người ta thường nói việc của trẻ con là chơi, chính các trò chơi quen thuộc lại giúp trẻ em càng lớn càng có tư duy toán học tốt hơn. Điều đó không có nghĩa là bạn phải giơ các que tính hay các bảng chữ làm phép cộng trừ lên trước mặt bọn trẻ. Chỉ với 4 trò chơi đơn giản sau đây, bạn và bé sẽ vừa có thời gian thư giãn vui vẻ lại vừa là cách học tốt nhất.
Phân loại kích cỡ đồ vật
Bạn hãy cùng chơi với con, vừa chơi vừa đặt câu hỏi để trẻ đưa ra câu trả lời.
Ví dụ bé có một cái cốc nhỏ còn bạn có một cái cốc to hơn, bạn hãy yêu cầu bé sắp thứ tự các cốc đó. Bé có thể xếp lần lượt từng chiếc cốc úp lên nhau từ cái to đến cái nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa hoặc ngược lại cho các cốc nhỏ vào trong lòng cốc to.
Bạn cũng có thể cùng chơi để giúp bé phân biệt vị trí đồ vật. Ngồi cạnh bé và đặt một thứ đồ chơi ở vị trí thu hút bé hoặc quanh một cái hộp, hay quanh một thứ đồ chơi khác to hơn. Rồi bạn nói cho bé biết thế nào là “bên cạnh”, “ở phía trên” và “ở phía dưới”. Bạn có thể vừa hát vừa cầm thứ đồ chơi cho nó “nhảy nhót” quanh cái hộp và chỉ ra thế nào là “đằng trước” thế nào là “đằng sau”.
Chơi vỗ tay
Bố mẹ nào cũng biết trò chơi 2 người ngồi đối diện, vỗ tay vào nhau và đọc những câu đồng dao. Ngay từ nhỏ là các em bé rất thích được nắm tay, vỗ tay và được bố mẹ hát cho nghe, đây chính là trò chơi sớm nhất của bố mẹ và các bé. Bên cạnh việc tăng cường các kỹ năng giao tiếp và sự kết hợp hoạt động của các cơ, vỗ tay còn dạy cho trẻ nhỏ những khái niệm tiền toán học như vỗ tay theo nhịp điệu và bắt chước theo mẫu giúp cho trẻ học được cách suy đoán.
Hãy bật một bài hát và vỗ tay, nhảy theo nhịp. Hoặc đưa cho bé một cái xúc xắc hay một cái trống nhỏ sau đó hai mẹ con cùng bắt chước nhịp điệu của nhau.
Chơi xếp hình
Không có đồ chơi nào hiệu quả bằng việc dạy con bạn về hình dáng và kích thước các đồ vật. Một cách khác để dạy trẻ về hình dáng và kích thước là hướng dẫn cho trẻ cách phân loại các đồ vật giống nhau.
Ví dụ: Bạn bảo con: “Cho con cá và quả táo vào chỗ của nó nào” và cùng lúc đó bạn cầm con cá đặt chung vào chỗ các con cá khác rồi cầm quả táo đặt vào một lô những quả táo khác. Bạn có thể làm như vậy với các đồ chơi có cùng màu, cùng hình khối. Chơi với bé theo cách này từ sớm, chỉ sau 1 tuổi con bạn có thể tự nhận biết thành thạo.
Học đếm
Bạn có thể vừa hát bài “Tập đếm” hoặc bài “Xòe bàn tay đếm ngón tay” rồi chỉ cho bé đâu là ngón cái, ngón trỏ…, rồi chỉ cho bé cách đếm 1- 2 -3.
Cách chơi này có thể áp dụng ở mọi hoàn cảnh: khi đi lên cầu thang có thể đếm các bậc, khi mặc áo có thể đếm các khuy áo, hoặc khi xếp các mẩu gỗ cũng có thể vừa xếp vừa đếm.
Các trò chơi là để cho bé và bạn cảm thấy thoải mái vui vẻ, đừng nản chí nếu ban đầu bé tỏ ra không thích. Bạn hãy kiên trì thử vài lần hoặc thử vào một ngày khác nếu bé chán.
Theo Parenting