"Bắt ép" đi quét rác không phải cách tốt nhất để bảo vệ môi trường

06/04/2012 10:23
Cá bơi ngửa
Thỉnh thoảng, nhà trường lại bắt học sinh đi lao động thay cho lao công. Và gần như chẳng có học sinh nào thấy vui vẻ với công việc này.

Giờ ra chơi, lớp trưởng (LT) nói chuyện với bí thư (BT)

BT: Ông biết gì chưa? Ngày mai phải đến trường để lao động đấy, mỗi đứa phải mang một trong các thứ: Chổi, hót rác, giẻ lau, sọt rác. Tui vừa nghe các thầy cô nói chuyện ở phòng giáo viên, tí tiết cuối thể nào cũng thông báo cho lớp.

LT: Trời đất, lại lao động ấy hả? Tại sao cứ nghĩ ra mấy cái trò bắt tội học sinh thế nhỉ? 

BT: Nhưng mà nhà trường cũng có cái lý của nhà trường. Bắt học sinh lao động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hiểu được giá trị của sức lao động.

LT: Úi giời, chả thấy nâng cao ý thức ở đâu, chỉ thấy cứ mỗi lần bị bắt đi lao động là chúng nó lại gắt ầm cả lên, xả rác vẫn cứ ầm ầm như thường, chỉ có mỗi thái độ phản ứng bất mãn là nâng cao thôi.

BT: Đứa nào bất mãn, bất mãn cái gì? Cứ càng xả rác nhiều thì càng lao động nhiều thôi.

LT: Bà không thấy mấy đứa nó kêu loạn cả lên đấy à, việc của học sinh là học tập chứ không phải là đi lao động. Học sinh cứ phải đi lao động thế này thì mấy bác lao công ngồi chơi hưởng lương à.

BT: Ông bị làm sao thế? Có phải là ngày nào cũng phải lao động đâu, có từng đợt thôi chứ, mà có phải là đi bốc vác hay làm việc gì khó nhọc đâu, việc nhẹ nhàng thôi mà.

LT: Nhẹ nhàng thì nhẹ nhàng, cái chính là trong thâm tâm học sinh có muốn hay không, có tự giác hay không. Bà thấy có ai vui vẻ khi biết là chuẩn bị phải đi dọn rác không?

BT: Thì đấy là do ý thức của học sinh chưa tốt thôi.

LT: Xin lỗi bà, ý thức tốt hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào học sinh, cái chính là do nhà trường có tạo được hứng thú cho học sinh không. Muốn nâng cao ý thức của học sinh thì phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Cứ bắt ép cái kiểu này thì có mà tự nguyện bằng niềm tin à.

BT: Thế ông bảo bây giờ mà không bắt ép thì ai làm?

LT: Muốn giải quyết vấn đề thì phải có những cách thức tuyên truyền giáo dục đặc biệt để học sinh - sinh viên (HS-SV) có ý thức tự nguyện bảo vệ môi trường. Bắt học sinh đi lao động thì còn chấp nhận được, bắt cả sinh viên cũng chỉ có đi lao động thì phát chán. Anh tui đây này, là sinh viên hẳn hoi, còn làm trong ban chấp hành liên chi nữa, hôm trước chẳng hiểu Đoàn trường nghĩ thế nào bắt sinh viên đi lao động để chào mừng... 26/3. Giờ lao động là 2 giờ chiều, trùng luôn vào giờ học. Một số người phải xin nghỉ tiết để đi lao động. Bà thấy buồn cười không?

BT: Ờ, cũng vớ vẩn thật, nhưng mà còn cách nào khác ngoài bắt đi lao động đâu?

LT: Thiếu gì, thi viết này, thi ảnh này, thi sáng tạo máy bảo vệ môi trường này, thi lớp học sạch đẹp này, tổ chức phong trào trồng cây này, thành lập quỹ hay dự án bảo vệ môi trường để HS-SV tham gia này, thành lập đội sinh viên tình nguyện Vì môi trường này... Có nhiều cách phù hợp từng đối tượng và chuyên ngành học. Do các trường chưa khai thác hết khả năng và tính sáng tạo của HS-SV thôi. Mà cơ bản nhất là phải thúc đẩy được ý thức tự giác, tự nguyện, hứng thú của HS-SV, hơn vạn lần bắt ép đi lao động vệ sinh. 

BT: Thì có đầy cuộc thi đấy thôi

LT: Đấy là những cuộc thi lớn mang tầm xã hội đấy chứ, tui đang bảo trong phạm vi trường học cơ mà, có chờ mỏi mắt chả thấy. Thỉnh thoảng lại tổ chức mấy chương trình ca nhạc, biểu diễn thời trang nhạt nhẽo. Mà tui kinh mấy vụ trình diễn trang phục tái chế lắm nhá, đâu ra toàn đắp túi nilon, đắp rác lên người, chả thấy tính ứng dụng đâu, mặc mấy cái đấy ra đường để người ta bắt "vào trại" à?

BT: Ờ, ông nói cũng đúng đấy, hôm nào họp đoàn trường tui phải đề xuất ý kiến của ông mới được.

Cá bơi ngửa