Constrexim HOD kêu oan ức, Thành phố yêu cầu kiểm tra!?
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD khẳng định về sự thật xung quanh việc quỹ nhà ở của thành phố tại tòa CT1- CT2 (Green Park Tower) do đơn vị này làm chủ đầu tư với mục tiêu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư nhưng nay lại trở thành nhà công vụ rằng " Hà Nội chỉ đạo bán cho Bộ xây dựng".
Ông Nguyễn Đức Cây cho biết: "Toàn bộ dự án được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ về hồ sơ pháp lý của TP giao cho đất này để chúng tôi thực hiện dự án vừa làm nhà kinh doanh để bán, vừa làm nhà ở tái định cư.
|
Dự án nhà CT1, CT2 thuộc quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của TP Hà Nội. |
10.800m2 sàn xây dựng (tương ứng với quỹ đất 20%) được bố trí từ tầng 4 đến tầng 15 được bán cho Bộ Xây dựng thì cái đó vừa rồi là do TP Hà Nội bán chứ không phải chúng tôi bán. Cái nhà đó theo thủ tục, quy trình là chúng tôi phải giao cho TP Hà Nội làm nhà tái định cư. Sau đó TP Hà Nội không mua trực tiếp mà chỉ đạo bán cho Bộ Xây dựng trực tiếp mua quỹ nhà đó để làm nhà ở công vụ.
Quỹ nhà này là quỹ nhà của thành phố Hà Nội, nhà bán cho ai là quyết định của thành phố. Quỹ đất 20% thì Bộ xây dựng cũng quy định diện tích bao nhiêu là trả lại thành phố và thành phố bán cho ai là quyền của thành phố.
"Hoàn toàn không có chuyện chạy chọt khi chúng tôi bán quỹ nhà tái định cư nói trên cho Chính phủ làm nhà công vụ". Ông Cây cho hay.
Tức là, theo ý của vị TGĐ này, Constrexim HOD hoàn toàn không sai phạm. Còn việc tại sao lại chuyển nhà tái định cư thành nhà công vụ thì chỉ có thể hỏi Bộ xây dựng và Thành phố?
Sau cuộc hóp báo từ chối trách nhiệm của Constrexim HOD, dư luận lúc này chỉ còn tập trung vào Bộ xây dựng và UBND TP Hà Nội để chờ đợi câu trả lời về sự việc "khó hiểu" này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: "Cái này bán cho Chính phủ chứ bán gì cho Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng không mua cái đấy.
Chính phủ bán cho ai là việc của Chính phủ. Còn việc tại sao nhà tái định cư lại bán cho Chính phủ thì hỏi ông Khôi (Phó CT UBND TP Hà Nội - PV)".
Ngược lại với khẳng định này, ngày 10/2/2012, Bộ xây dựng lại có văn bản số 164/BXD - QLN về việc dành 100 căn chung cư làm nhà công vụ ở Hà Nội.
"Việc mua 30 căn nhà này và mua ở đâu thì tôi chưa biết, nếu giả sử không mua ở đấy thì chúng tôi sẽ mua chỗ khác, nếu nó không thuận lợi. Còn với 30 căn ở CT1-CT2 Yên Hòa thì tôi cũng chưa biết vì chủ trương của Thủ tướng đến Bộ Tài chính mới chỉ là mua và Bộ Tài chính tìm tiền. Còn cụ thể ở đâu thì chắc còn bàn. Nhưng dứt khoát không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan..." - Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản chia sẻ với Phunutoday về những ồn ào tại dự án Gren Park Tower ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Để chứng minh cho lời khẳng định của mình, ông Nguyễn Đức Cây đưa ra văn bản của PCT UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho báo giới về việc đồng ý"UBND TP Hà Nội dành toàn bộ 10.800m2 sàn xây dựng tại dự án nhà ở CT1- CT2 (Green Park Tower) Khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (do Công ty CP Đầu tư phát triển Constrexim làm chủ đầu tư, bàn giao cho TP để phục vụ công tác GPMB, tái định cư) bán toàn bộ cho Bộ Xây dựng theo đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản số 933/SXD - PTN ngày 24/2/2012.".
Vậy có lẽ câu chuyện này người dân chỉ còn biết trông mong vào quyết định kiểm tra sáng suốt của CT UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo?
Cục quản lý Công sản - Bộ tài chính sẽ xem xét lại?
Xung quanh vụ việc này, trả lời phỏng vấn của báo chí, Cục trưởng Cục quản lý Công sản – Bộ Tài Chính Phạm Đình Cường cho biết: Việc sử dụng quỹ đất 20% Hà Nội có một chính sách khi giao đất cho các nhà đầu tư đã yêu cầu các nhà đầu tư bớt lại khoảng 20% dành cho đất sạch phục vụ cho quy hoạch thành phố.
|
Cục trưởng Cục Công sản Phạm Đình Cường |
Nguyên tắc chung là như thế nhưng quỹ đất 20% thì nó có ở rất nhiều nơi, ở rất nhiều dự án tại Hà Nội chứ không phải ở riêng ở dự án này. Theo tôi được biết quỹ đất đó khá nhiều, hiện nay tôi chưa kiểm tra nên chưa biết được nhưng nếu đã dành quỹ đất đó cho mục tiêu nào thì không nên thay đổi.
Còn tôi không biết TP đã dùng quỹ đất đó cho công trình nào khác chưa, nhưng với mục đích nhà công vụ thì quỹ đất 20% là hợp lý, ngân sách bỏ ra sẽ khá rẻ.
Liên quan đến việc chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng số 83/TTg-KTN của Thủ tướng về việc mua căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ ngày 13/1/2012. Trong văn bản, Thủ tướng không hề chỉ đạo mua nhà chung cư thuộc quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm nhà công vụ cho Chính phủ. Ông Cường cũng cho biết:
Nếu đọc lại toàn bộ văn bản của Thủ tướng thì Thủ tướng có chủ trương mua 100 căn mà trước mắt là 30 căn bằng tiền của ngân sách Nhà nước. Cho nên về mặt quan điểm hành chính, chi phí nào rẻ nhất để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nên theo tôi việc sử dụng quỹ đất 20% nói chung là hợp lý.
Với người dân, kiếm được một suất nhà tái định cư không những khó khăn mà còn lo ngay ngáy về chất lượng công trình nhưng trong trường hợp cụ thể này, Constrexim được hưởng đủ ưu đãi khi tiến hành dự án giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư và khi được chuyển mục đích từ nhà tái định cư sang nhà công vụ thì họ lại hưởng lợi thêm một lần nữa bởi mức chênh lệch giá bán rất lớn. Về vấn đề này ông Cường cũng đưa ra quan điểm đánh giá về “phép" chuyển đổi mục đích?
Bao giờ chúng tôi làm việc cụ thể với Constrexim để mua 30 căn làm nhà công vụ, chúng tôi sẽ tính chi phí rất hợp lý. Bộ Tài chính rất có kinh nghiệm về việc này, sẽ tính chi phí xây dựng của họ là bao nhiêu, cộng với phần lãi hợp lý, không bao giờ họ được một cái gì cao hơn. Chứ không phải có chuyện bán nhà tái định cư thì cao hơn.
Chắc chắn tiền ngân sách bỏ ra mua thì chúng tôi sẽ làm rất kỹ và cái giá mà chúng tôi sẽ trả theo ngân sách phải được rà soát rất kỹ. Hiện nay, tôi cũng chưa có thông tin giá mà Constrexim đưa lên, sẽ phải đàm phán về cái giá ấy.
Tôi tin rằng việc này thì Constrexim cũng không được lợi. Bởi vì họ chỉ có thể bán được như thế. Với tư cách là Cục trưởng Cục Công sản, tôi chỉ có chấp nhận mua khi nào bằng chi phí xây dựng nhà bao nhiêu cộng với chi phí lợi nhuận định mức hợp lý. Không bao giờ họ ăn một cái gì hơn.
Còn "phép chuyển đổi mục đích" mà bạn nói thì nó vẫn là nhà ở chứ không chuyển gì đâu. Thay vì nhà ở của dân cư thì là nhà ở công vụ, không có gì khác nhau cả về mục đích. Mục đích sử dụng nó vẫn là nhà ở. Cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu nhưng tôi bảo đảm nếu như tôi đàm phán thì tôi sẽ không chấp nhận khoản chi phí nào khác.
Nói về dự đoán chủ trương biến nhà tái định cư thành nhà công vụ trong trường hợp này có bao nhiêu phần trăm trở thành hiện thực. Cục trưởng Phạm Đình Cường đưa ra đánh giá: Chủ trương của Thủ tướng các Bộ phải thi hành nhưng đấy cũng là một thông tin mà trong đợt làm việc tới với Bộ Xây dựng chúng tôi sẽ kiểm tra lại để đầy đủ thông tin tại sao lại lấy quỹ 20%, tại sao lại lấy nhà 20% tại CT1 - CT2. Những điều này chắc chắn bộ phận giúp việc của các Bộ sẽ nắm thật kỹ.
Tôi cũng cám ơn đã có những thông tin như thế để chúng tôi làm việc. Chúng tôi cũng đã có họp bàn rồi nhưng theo cán bộ của tôi đi họp về báo cáo cũng chưa có một việc gì cụ thể, còn liên quan đến nhiều việc nữa.
Lần sau làm việc với Bộ Xây dựng tôi sẽ làm thế nào để giải quyết hợp lý, minh bạch cho dân, cái này không lấn mất cái kia. Đặc biệt nếu như có cam kết rồi phải xử lý cam kết rất tốt.
Tôi nghĩ chủ trương này sẽ hoàn toàn thành hiện thực. Việc mua 30 căn nhà này và mua ở đâu thì tôi chưa biết, nếu giả sử không mua ở đấy thì chúng tôi sẽ mua chỗ khác, nếu nó không thuận lợi.
Còn với 30 căn ở CT1-CT2 Yên Hòa (chứ không phải là 100 căn như Bộ xây dựng đang dự định mua - PV) thì tôi cũng chưa biết vì chủ trương của Thủ tướng đến Bộ Tài chính mới chỉ là mua và Bộ Tài chính tìm tiền. Còn cụ thể ở đâu thì chắc còn bàn. Nhưng dứt khoát không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan.
Thu Huyền - Bá Ước