Quan Lạn rộng hơn 6.000 ha, có 850 hộ với 3.500 khẩu, cách đất liền hơn 50 km, mất 1 giờ đi tàu cao tốc từ Vân Đồn, đến nay chưa có điện lưới quốc gia.
Từ năm 2002, đảo đã được thắp sáng nhờ một nhà đầu tư địa phương tên Bùi Duy Nghinh, khi ông bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để mua máy phát, làm hàng chục km đường dây thắp sáng cho 5 trong 8 thôn của đảo, 3 thôn còn lại là Tân Lập, Yến Hải, Sơn Hào chưa có điện vì quá xa.
Chủ tịch xã Lưu Thành Viên: "Pin mặt trời thật quý" - Ảnh: Thành Long |
Ông chủ tịch UBND xã Lưu Thành Viên cho biết: “Tôi từng đi từ Bắc vào Nam, đã đến cả Phú Quốc, Thổ Chu, nhưng chưa thấy ở đâu giá điện đắt bằng ở Quan Lạn. Cô Tô giá điện cũng cao, nhưng được nhà nước trợ giá nên vẫn rẻ hơn khá nhiều. Chúng tôi vẫn bảo nhau ở đây có 1 kỷ lục, đó là giá điện đắt nhất Việt Nam. Nhưng dù sao người dân Quan Lạn vẫn phải cảm ơn bác Nghinh, vì suốt 10 năm nay, xã đảo được thắp sáng nhờ điện của bác ấy”.
Ở đảo cũng có cách tính giá điện rất khác, không có giá điện bậc thang, và mức thu tiền tối thiểu tương đương 10 số điện/tháng, tức là nếu một gia đình dùng 1-2 kWh điện (số điện) thì họ cũng phải trả bằng 10 số. Khách hàng dùng điện nhiều nhất xã Quan Lạn là nhà nghỉ Ngân Hà, với khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện/tháng. Còn tại thôn Tân Phong, cách trung tâm xã 1 km, có tới ¾ số hộ chỉ dùng 10 kWh điện/tháng.
Vì đắt nên ở Quan Lạn là điển hình về tiết kiệm điện. Ông Nghinh kể: “Khi chính phủ chưa tuyên truyền thì ở đây đã dùng bóng đèn tuýp gầy, rồi bóng compact tiết kiệm điện. Gần như 100% nhà nghỉ, khách sạn trên khu vực trung tâm đảo đều dùng bồn nước nóng năng lượng mặt trời”.
Bản thân ông chủ điện Bùi Duy Nghinh cũng lắp tới 600W pin mặt trời để thắp sáng cho gia đình. Chủ tịch xã Lưu Thành Viên cũng vừa lắp bộ pin mặt trời 350W. Dẫn chúng tôi lên mái nhà năng lượng, ông Viên hào hứng: “Ở đảo, mùa đông chỉ phát điện buổi tối, mùa hè phát điện trưa và tối, thời gian còn lại không có, nên ai cũng phải mua máy nổ. Mà máy nổ thì vừa tốn xăng vừa ồn, nên từ khi dùng pin mặt trời, nhà tôi có thể xem ti vi, chạy ba bốn chiếc quạt máy vù vù mà không mất một đồng tiền xăng. Có ở chỗ thiếu điện thế này mới thấy điện mặt trời thật quý”.
Mong chờ điện lưới
Cũng như huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, xã đảo Quan Lạn đang mong chờ điện lưới. Theo kế hoạch, cuối năm 2012, dự án kéo điện trị giá hơn 400 tỉ sẽ khởi công, đến cuối năm 2013 sẽ đóng điện. Khi đó, đảo Quan Lạn vốn nổi tiếng vì những bãi biển cực đẹp chắc chắn sẽ sáng bừng và ngành du lịch sẽ có bước phát triển đột phá. Một người đang bán điện cho cả đảo như ông Nghinh cũng bày tỏ tâm tư mong từng ngày có điện lưới quốc gia, để người dân đảo không phải dùng điện giá đắt.
Còn ông chủ tịch xã Lưu Thành Viên thì nghĩ cho người dân vùng sâu vùng xa: “Trong dự án chỉ có 6 trong 8 thôn sẽ được kéo điện lưới, còn thôn Yến Hải, Tân Lập với hơn 100 hộ sẽ vẫn chưa thể có điện vì thôn này nằm ở cuối xã, cách trung tâm gần 10 km. Tôi rất mong lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng cố gắng đầu tư kéo điện cho thôn này để người dân trên toàn đảo Quan Lạn đều được mừng vui đón ánh sáng điện lưới quốc gia”.
Theo Thanh niên