Trong mấy năm gần đây, kết quả môn Lịch sử trong các kỳ thi trở thành vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 đang đến gần, để học sinh an tâm và có phương pháp học phù hợp, đạt hiệu quả cao, Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng chia sẻ về cách học hiệu quả môn Lịch sử của thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An.
Phần I: Học như thế nào cho dễ nhớ?
Nếu nói học sinh bây giờ chán học Sử là không đúng, thậm chí thích học môn Sử nhưng các em lại rất “ngán” khi thi Sử. Là giáo viên dạy Sử ở bậc THPT, chúng tôi hiểu nỗi băn khoăn, lo lắng của học sinh khi ôn và thi tốt nghiệp môn Sử. Để học sinh ôn và thi tốt môn Sử năm nay tốt hơn, chúng tôi xin cùng trao đổi và sẻ chia với các em đôi điều sau.
Phần Lịch Sử Việt Nam
Chương trình thi là giai đoạn 1919-2000. Để dễ nhớ, hiệu quả, học sinh cần nắm kiến thức theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn giải quyết những nhiệm vụ gì? Gắn liền với các giai đoạn đó có những sự kiện tiêu biểu nào? Kết quả và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó? Từ đó giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau trong mối quan hệ tương tác, nhân quả.
Học sinh cần lưu ý để tránh nhầm lẫn về ý nghĩa lịch sử của những thắng lợi chiến lược (Ảnh minh họa) |
Trong giai đoạn 1930-1945: Học sinh phải xác định được nội dung chính, nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam là quá trình đấu tranh giành chính quyền trong 15 năm với 3 cao trào đấu tranh (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945). Từ hoàn cảnh lịch sử, diễn biến của từng giai đoạn đã chuẩn bị, tập dượt (hay diễn tập) những vấn đề gì, để lại những bài học kinh nghiệm gì cho giai đoạn kế tiếp sau đó, cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Từ sự thay đổi của tình hình thế giới có tác động đến trong nước (đặc biệt là những diễn biến quan trọng trên chiến trường Châu Á-Thái Bình dương của đại chiến 2 như Pháp tham chiến (9/1939), Nhật nhảy vào Đông Dương (9/1940), Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (15/8/1945)… để thấy được hoàn cảnh thay đổi thì chủ trương thay đổi và Đảng ta đã có những đối sách gì trước sự chuyển biến mau lẹ đó (thông qua các Hội nghị TW VI (11/1939 ), Hội nghị VII (11/1940), Hội nghị VIII (5/1941), Hội nghị toàn quốc của Đảng (14-15/8/1945 )…).
Học sinh lại “tố” nhà trường không cho nộp hồ sơ dự thi Đại học
Trong giai đoạn 1945-1946: Học sinh cần xác định có 2 kiến thức trọng tâm: Thực trạng nước ta sau Cách mạng tháng Tám (được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”) và để đưa nước ta từng bước vượt qua thách thức, hiểm nguy đó, Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã có những giải pháp nào về nội trị và ngoại giao, về chống thù trong và giặc ngoài. Từ đó học sinh mới có thể rút ra được vấn đề cơ bản nhất của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, giành chính quyền đã khó và giữ chính quyền còn khó hơn nhiều. Hay nói cách khác, nhiệm vụ cơ bản nhất của lịch sử Việt Nam giai đoạn này là bảo vệ và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.
Giai đoạn 1946-1954: Đây là giai đoạn nhân dân ta bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng chế độ mới nhằm bảo vệ và phát triển những thành quả cơ bản của Cách mạng tháng Tám là độc lập và chính quyền. Đó là một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện nên thắng lợi của nó cũng là thắng lợi trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao…trong đó thắng lợi mang tính quyết định là trên mặt trận quân sự trên chiến trường.
Tuy nhiên, học sinh cần phải nắm vững được 4 thắng lợi quân sự mang tính chiến lược là: Mùa Đông năm 1946 ở các đô thị từ vĩ tuyến 16 trở ra, chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950, chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ 1954.
Học sinh cần lưu ý khi học những thắng lợi chiến lược này là tránh sự nhầm lẫn về ý nghĩa lịch sử cơ bản nhất đối với tiến trình cuộc kháng chiến. Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 là đã đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, còn chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 đã mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên phủ 1954 đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Từ đó, học sinh sẽ xâu chuỗi được mối quan hệ biện chứng giữa 2 mặt trận quân sự và ngoại giao. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi trong Hiệp định Giơnevơ 1954.
Trong giai đoạn 1954-1975: Học sinh muốn hiểu được những kiến thức cơ bản của lịch sử Việt Nam giai đoạn này, điều trước tiên phải nắm được tình hình Việt Nam sau Hiệp định Giơnevơ có gì mới, từ đó mới xác định đúng nhiệm vụ chiến lược của cách mạng 2 miền Nam-Bắc có gì khác nhau, giống nhau.
Ở miền Bắc, học sinh cần thấy được vai trò của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam như thế nào, vừa xây dựng CNXH, vừa chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra sao? Tại sao nói, thắng lợi của quân dân miền Bắc trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có tác dụng và ý nghĩa như thế nào đối với cách mạng miền Nam trong cùng giai đoạn đó? Vì sao chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) là thắng lợi quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (27/1/1973)?
Ở miền Nam, học sinh phải xác định nhiệm vụ cơ bản nhất là từng bước đánh bại và đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của Mỹ nhằm đánh cho “Mỹ cút” (1973), “Nguỵ nhào” (1975), giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mỗi chiến lược chiến tranh đều ra đời trong những bối cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, âm mưu và thủ đoạn cũng không giống nhau nhưng đều có đặc điểm chung là hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta, đều lần lượt bị phá sản.
Trong giai đoạn từ 1975 đến năm 2000: Học sinh nên nắm được 2 vấn đề cơ bản: Quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước và công cuộc đổi mới từ Đại hội VI (1986).
Phần Lịch sử thế giới từ 1945 đến năm 2000
Cách học dễ nhớ nhất là ôn theo từng vấn đề trên cơ sở bài tổng kết để rút ra những nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới từ sau năm 1945 và xu thế phát triển của lịch sử thế giới thời kỳ sau chiến tranh lạnh đến nay. Để dễ nhớ và tránh vấp phải sự nhầm lẫn về kiến thức và sự kiện, học sinh nên lập biểu những sự kiện chính của lịch sử thế giới từ 1945 đến năm 2000 và sơ đồ hoá kiến thức theo từng nội dung chủ yếu thì sẽ hiệu quả hơn.
Phần II : Một số kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp môn Lịch Sử
Trần Trung Hiếu