Độc giả đưa ra ba giải pháp để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội

10/04/2012 07:27
Độc giả Phạm Xuân Lộc
(GDVN) - "Trước hết cần dẹp sạch vỉa hè, thứ hai Bộ trưởng cần kiểm soát chặt chẽ các trường đào tạo, phương tiện và quan trọng nhất là làm tốt công tác quản lý các công trình... có như vậy sẽ góp phần giảm ùn tắc", độc giả Xuân Lộc chia sẻ
Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng và quí độc giả!.
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, kể từ khi chính thức được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT đã có rất nhiều các "chiêu", "kế" lạ được đưa ra, thể hiện sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, kiên quyết và tầm nhìn của vị Tư lệnh có tâm với ngành.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Và tôi rất ấn tượng với câu trả lời của Bộ trưởng trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT vào ngày 3/4/2012, khi Bộ trưởng nói: "Tôi sẵn sàng làm vì đất nước, vì mục tiêu chung, nếu Quốc hội tín nhiệm thì tôi tiếp tục làm, còn nếu Quốc hội không tín nhiệm thì tôi phải chấp nhận và không có cơ hội làm nữa. Nhưng tôi nghĩ, khi ngày nào còn là vị trí bộ trưởng thì tôi sẽ cùng ngành làm hết mình, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại, mà muốn hiện đại thì hạ tầng phải đi trước một bước". Tuy nhiên, bên cạnh đó trong thời gian gần đây, có thể khẳng định rằng, câu chuyện về đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ trưởng trình lên Chính phủ lại đã tốn rất nhiều giấy, mực, tâm sức của các cơ quan thông tin đại chúng và gây một cú "sốc" cho nhân dân cả nước. Bởi lẽ, với mức phí được đề xuất áp dụng với các phương tiện ôtô, xe máy, đã đánh một "cú" trực diện vào túi tiền có phần đang eo hẹp của người dân trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.  Thứ nữa, như các chuyên gia, nhiều độc giả đã và không ít độc giả đã lên tiếng thì việc thu phí này dường như đã bị nhầm lẫn giữa phí và thuế. Phí là số tiền người điều khiển các phương tiện phải bỏ ra để trả cho Nhà nước hoặc đơn vị nào đó nhằm hoàn lại số tiền đầu tư, còn ở đây mỗi năm theo đề xuất của Bộ sẽ thu từ 10 - 20 triệu/xe ô tô/năm; 500.000 - 1.000.000 đồng/ xe máy/ năm thì đây là thuế chứ đâu còn là phí. Thêm vào đó, nếu muốn mua và sử dụng 1 chiếc ô tô ở Việt Nam, đã phải trả ít nhất 8 loại thuế và phí, với xe máy là 5 loại, giờ mà thêm phí này nữa thì khác gì cảnh "phí chồng lên phí". Không ít người cũng đặt câu hỏi, thu như vậy rồi nhưng thực tế, lượng phương tiện cá nhân lưu thông ở các thành phố lớn có giảm như mong muốn không (?). Theo suy nghĩ của tôi là không thể vì nó chỉ có thể bị sang nhượng giữa người này với người khác còn lại khó có thể không được sử dụng. Thực tế cũng cho thấy, muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phải phát triển tốt hệ thống vận tải công cộng, tuy nhiên, hiện nay, ở các đô thị lớn của chúng ta, mới chỉ có xe buýt là phương tiện công cộng chính nhưng luôn trong tình trạng quá tải, thái độ phục vụ thiếu văn hóa...Ngoài ra còn không ít các vấn đề bất cập, hạn chế khác cần phải bàn thảo, xem xét kỹ càng. Ở đây, là một công dân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội, hàng ngày phải chịu cảnh "sống chung" với ùn tắc giao thông, với những nỗi nơm nớp lo sợ về tai nạn giao thông, tôi thấy mình cần phải lên tiếng. Và ở đây, tôi xin được mạn phép gửi tới Bộ trưởng ba giải pháp mà tôi cho là cấp thiết và có hiệu quả để chống lại "căn bệnh" ùn tắc giao thông đã mang tính trầm kha ở đô thị hiện nay:
Trước hết, như chúng ta đã thấy từ thực tế khi tham gia giao thông trên đường hiện nay, hầu hết các vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường đều đang bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán của một số người dân thiếu ý thức. Ngay như trên đường Trường Chinh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) hay Đê La Thành..., dù lòng đường rất chật hẹp nhưng vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị biến thành điểm kinh doanh riêng của các hộ dân sống hai bên đường. Chính việc này đã "tiếp tay" cho tình trạng tắc đường liên tục xảy ra. Vì vậy, cùng với giải pháp dẹp các bãi trông giữ xe trên các tuyến phố ở Hà Nội vừa mới được thực hiện cách đây chưa lâu thì việc dẹp sạch tình trạng kinh doanh, lấn chiếm ở vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường, phố cũng là một vấn đề rất cấp thiết. Đường thông, hè thoáng thì mới có thể tính đến việc giảm dần ùn tắc giao thông.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thứ hai, để giảm ùn tắc, trước hết Bộ trưởng phải thực hiện ngay việc giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ở các đô thị lớn. Điều này, thì rất nhiều các chuyên gia và độc giả đã đưa ra nhưng tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một ý, khi đứng ra kiểm soát giao thông, Bộ trưởng sẽ thấy rõ tình trạng khá phổ biến hiện nay là có rất nhiều ô tô, xe máy dù không còn đủ các tiêu chuẩn của pháp luật nhưng vẫn lưu thông trên đường thành phố và có không ít người điều khiển các phương tiện giao thông nhưng lại không có bằng lái hoặc sử dụng bằng giả. Nói điều đó, để nhắc đến một điều mà Bộ trưởng cần lưu tâm ngay, đó là phải có những chế tài thật mạnh, nghiêm minh, công tâm để loại bỏ ngay những phương tiện này, phạt thật nặng, kể cả khởi tố những người vi phạm, sử dụng bằng giả kể trên để làm gương, bởi lẽ chính những người này thường là những người có ý thức tham gia giao thông rất kém, thường xuyên gây ra những "pha hành động" bất ngờ, khiến mất an toàn giao thông trên đường. Thêm vào đó, thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, ngoài bằng cách nâng mức phạt, đánh trực tiếp vào túi tiền như đề án thu phí thì cần phải được tiến hành ngay từ chính trong các trường đào tạo lái xe. Bởi lẽ, có dạy và học thực sự nghiêm túc ở đó thì người học mới tiếp thu được và có ý thức chấp hành pháp luật tốt nhất khi tham gia giao thông. Để làm được điều này, theo tôi, rất sự kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu của các cơ quan chức năng là điều cần phải làm. Khi ý thức đã được nâng lên từ chính việc chấp hành tốt luật lệ thì câu chuyện tắc đường sẽ không còn là mối lo quá lớn.Thứ ba, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc chất lượng các công trình giao thông hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều công trình dù chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, ô gà, lún, nứt xuất hiện... Và mới đây nhất trong đợt thanh tra các công trình giao thông trọng điểm thì hầu hết đều phát hiện những sai phạm. Vấn đề đặt ra là, trong khi Bộ đề xuất thu phí mà công trình thi công thì không đảm bảo, thì liệu có tạo được lòng tin của người dân khi phải móc hầu bao của mình ra để nộp. Cho nên, tôi cho rằng, trước khi thu phí thì Bộ trưởng cần phải tổng kiểm tra, chỉnh đốn lại tất cả việc thi công, chất lượng các công trình giao thông dù là trọng điểm hay không, trước hết là ở các đô thị lớn, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm khắc, kể cả khởi tố hình sự để người dân thấy an tâm khi bỏ tiền đóng phí. Ba giải pháp mà tôi đưa ra ở đây có thể chưa thực sự đầy đủ nhưng tôi nghĩ rằng, những điều này rất cần sự lưu tâm. Tôi hy vọng, với sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của Bộ trưởng, những giải pháp này sẽ giúp ích rất nhiều để thực hiện được mong muốn chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trước khi tính đến thu phí. Xin cảm ơn Bộ trưởng và độc giả của báo!.
Độc giả Phạm Xuân Lộc