Vì sao 10 năm nữa mọi người sẽ phải cảm ơn Bộ trưởng Thăng?

11/04/2012 07:03
Độc giả Nguyễn Quang Đông
(GDVN) - "Khi người dân ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, cùng góp sức vào thì những việc mất tới 20 - 30 năm nhằm giảm ùn tắc giao thông sẽ rút ngắn và sau 10 năm mọi người sẽ phải cảm ơn Bộ trưởng Thăng là điều đương nhiên..."
Sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "10 năm nữa mọi người phải cảm ơn Bộ trưởng Thăng", tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi với những ý kiến khác nhau của độc giả từ khắp mọi miền của đất nước gửi về. Trong đó, có những ý kiến của độc giả Nguyễn Quang Đông, với nội dung đồng tình và có những đánh giá, nhận xét về quan điểm của độc giả Trần Tuấn Ninh và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất.Để rộng đường dư luận, báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi: Đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân do Bộ Giao thông vận tải trình lên Chính phủ trong những ngày qua, quả thực đã gây xôn xao dư luận xã hội. Rất nhiều các ý kiến trái chiều khác nhau của mọi tầng lớp trong xã hội đã được đưa ra xung quanh câu chuyện này. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Thanh Niên).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Thanh Niên).

Và tôi, một công dân hiện đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội cũng không ngoại lệ. Nhưng từ việc theo dõi thông tin trên các cơ quan thông tin đại chúng, trên báo chí, theo dõi các ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời, tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ trưởng, bởi lẽ, đề án thu phí trên thể hiện sự phá cách, mạnh dạn, dám làm và tầm nhìn của người lãnh đạo trong việc xử lý những vấn đề còn đang nhức nhối hiện nay.
Từ việc theo dõi bài viết gần đây được tòa soạn đăng tải của độc giả Trần Tuấn Ninh với nhan đề 10 năm nữa mọi người phải cảm ơn Bộ trưởng Thăng, tôi thấy rằng, mình cần phải có thêm một vài ý kiến đóng góp, bổ sung để làm rõ hơn nhận định này. Trước hết, như chúng ta đã thấy, vấn nạn ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua, luôn là câu chuyện rất nóng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và thực tế đã có khá nhiều giải pháp được đưa ra như phân làn, bịt ngã ba, ngã tư... nhằm mục đích giải căn bệnh "trầm kha" này. Nhưng trên thực tế, hầu hết các giải pháp đó đều thất bại, bởi lẽ, chúng mới chỉ nhìn thấy "bề nổi của tảng băng chìm", mang tính nhất thời còn về sâu xa để giải quyết vấn đề thì không hiệu quả. Rất nhiều các chuyên gia và độc giả đã đưa ra ý kiến, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông của chúng ta hiện nay chính là do kết cấu hạ tầng giao thông của chúng ta chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển quá nhanh ở các đô thị lớn, ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông còn kém, lưu lượng phương tiện ... Nhưng muốn giải quyết tất cả các vấn đề này, như nhiều người đã nhận định, không phải một sớm, một chiều và cũng không phải chỉ có sự vào cuộc của một mình Nhà nước là đủ mà đó phải là sự vào cuộc, đóng góp, trách nhiệm của toàn xã hội hay nói cách khác là phải nhờ vào sự xã hội hóa toàn dân. Không ít các chuyên gia, người dân liên tục đưa ra và đề xuất rất nhiều ý kiến về câu chuyện muốn giảm thiểu vấn nạn ùn tắc giao thông thì việc trước tiên phải tiến hành mở rộng đường sá ở các đô thị lớn. Nhưng xin thưa, để mở rộng những con đường đó hiện nay không phải là một câu chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, lấy đâu ra vốn để đền bù đất cho dân khi mà chúng ta đã có không ít con đường "đắt nhất hành tinh" đã và đang được thi công ở Hà Nội. Chắc hẳn mọi người chưa quên, để hoàn thành, đưa vào sử dụng 1.000 mét của  đường Kim Liêm - Ô Chợ Dừa vào tháng 5/2007, ngân sách Nhà nước đã phải chi số tiền tới trên 600 tỷ đồng chỉ để dành cho giải phóng mặt bằng, trong khi giá trị xây lắp đường chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Đó còn chưa kể tới đoạn đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa đang được thi công, chỉ dài 547m nhưng số tiền phải bỏ ra để thi công, giải phóng mặt bằng lên tới 642 tỉ đồng (bình quân 1,1 tỉ đồng cho 1 mét đường)... Với số tiền "khổng lồ" như vậy, thì không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng băn khoăn, liệu rằng chỉ với ngân sách Nhà nước chi ra thì có đủ để đền bù rồi thi công, mở rộng biết bao nhiêu con đường đang trong tình trạng quá tải hiện nay trong các đô thị lớn (?). Và thưa rất nhiều độc giả, theo tôi nhẩm tính sơ sơ, có lẽ ít nhất cũng phải chừng 2 - 3 thập kỉ nữa, thì may ra đường Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh mới đủ rộng hàng chục, hàng trăm mét để người dân đi đỡ tắc.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Đó là chưa kể đến, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc, muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông thì một việc quan trọng, đó là di dời các trường học, bệnh viện, nhà máy, trung tâm hành chính ra các vùng phụ cận của các đô thị lớn cũng cần được triển khai sớm. Nhưng vẫn là câu chuyện trên, chúng ta sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để có thể làm được việc này, khi mà không ít người mong muốn, cơ sở cũ của các đơn vị này cần được lấy ra để phục vụ các công trình công cộng thay vì được chuyển nhượng để tạo vốn xây dựng cơ sở mới. Thêm vào đó, nếu muốn di dời hết những cơ quan, đơn vị này thời gian cũng không phải là ngày một, ngày hai có thể làm ngay. Như chính nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã từng đưa ra ở nhiều phiên chất vấn của HĐND thì, trong vòng cả chục năm qua, cả Hà Nội chưa di chuyển được một bệnh viện, trường học nào ra ngoài nội đô cả. Theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi nhận định, thì với thực tế nguồn vốn, cách làm như hiện nay, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải mất không dưới 20 năm nữa để có thể di chuyển được hết các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội và người dân liệu rằng có mong muốn sẽ phải chịu từng ý năm chung sống với cảnh tắc đường mỗi ngày (?). Một nguyên nhân đã được nói đến rất nhiều của vấn nạn ùn tắc giao thông, đó chính là ý thức của người tham gia giao thông hiện nay của chúng ta quá kém. Cảnh chen lấn, đâm ngang, chen dọc, mạnh ai người nấy đi diễn ra phổ biến trên đường. Nhưng muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông được tốt lên ngay thì chắc chắn là rất khó khăn. Nguyên nhân sao ư?. Vì ý thức chen lấn, xô đẩy là ý thức đã ăn sâu vào 1 - 2 thế hệ, không dễ gì thay đổi và nếu muốn thay đổi thì có lẽ theo tôi, chúng ta cũng phải mất ít nhất chừng 3 thập kỉ. Một khoảng thời gian dài hay ngắn đây, thưa độc giả (?). Rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ, muốn nâng cao chất lượng xe công cộng, muốn có hệ thống tàu điện ngầm (metro), muốn phát triển đường trên cao ở các thành phố lớn, hạn chế phương tiện lưu thông vào thành phố... để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, nhưng cũng như trên tôi đã phân tích, thì nếu chỉ có sự vào cuộc, với nguồn vốn của Nhà nước không thôi, thì chắc chắn để giải quyết toàn bộ những vấn đề này, chắc chắn sẽ phải mất nhiều thập kỉ về sau mới có thể hoàn thành. Và trong thời gian đó, thì có lẽ, vẫn như ở trên tôi đã nói, chúng ta hãy cố gắng cùng chung sống với tắc đường mỗi ngày (?). Thưa độc giả, những việc mà tôi nêu ra ở trên, toàn những việc phải mất ít nhất là 20 - 30 năm sau thì chúng ta mới có thể thực hiện được cả, trong khi thực tế, với tốc độ phát triển hiện nay thì chỉ sau 2 - 3 năm nữa, nếu mong muốn tránh khỏi cảnh tắc đường thì người dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ còn cách duy nhất là lắp thêm đôi cánh để bay lên. Tôi cũng đang mường tượng tới cảnh, lúc đó, không ít các vị dân chúng ta sẽ lại phải quay trở lại với những câu chuyện cổ tích thời xưa, cùng nhau khóc để cầu khấn ông Bụt hiện lên để hỏi và cầu mong giúp đỡ, cứu cho họ thoát khỏi cảnh tắc đường (!?). Nói như vậy, để thấy rằng, đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất chính là thể hiện một sự mạnh dạn, tầm nhìn xa trong việc đưa người dân cùng đóng góp sức mình vào, tạo nguồn vốn giúp đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới hạ tầng kết cấu giao thông, phát triển các phương tiện giao thông công cộng mới ở các đô thị lớn. Cùng với việc nâng mức xử phạt, việc đánh vào hầu bao của người dân sẽ giúp thêm cho việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Hạ tầng, kết cấu giao thông đồng bộ cộng thêm ý thức người dân là hai nhân tố quan trọng nhất được nâng cao thì chắc chắn vấn nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông sẽ giảm.  Khi người dân ý thức được trách nhiệm của mình với đất nước, cùng đóng góp sức vào thì lúc đó những việc làm nhằm giảm ùn tắc giao thông cho các đô thị lớn theo dự kiến mất tới 20 - 30 năm để thực hiện sẽ rút ngắn xuống. Và như độc giả Tuấn Ninh đã nhận định, tôi cũng cho rằng, chắc chắn chỉ 10 năm nữa thôi, với sự đồng lòng, góp sức của toàn dân, bộ mặt giao thông sẽ thay đổi, ùn tắc, tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm và việc mọi người quay lại để cảm ơn Bộ trưởng Thăng là điều đương nhiên. Còn bây giờ, để những điều tích cực cho giao thông đó thành sự thực thì, tôi mong rằng tất cả các vị dân chúng ta hãy dừng phản đối, để im cho Bộ trưởng Thăng làm việc. 
Độc giả Nguyễn Quang Đông