Tìm kiếm và chờ đợi rất lâu nhưng vẫn không nhận được tin tức từ người vợ thứ hai lai Mỹ, Lê Ân nộp đơn đến Tòa án nhân dân quận 10, TP HCM để xin ly hôn. Không như người vợ đầu ly dị ông đồng thời "cuỗm" toàn bộ số tài sản khổng lồ có được từ kinh doanh thuốc tây, người vợ thứ hai bỏ về Mỹ không lấy tài sản bằng tiền mà mang theo "của để dành" là đứa con chung của hai người.
Người vợ thứ ba...
Sau khi ly hôn với người vợ lai này, ông kết hôn với cô nhân viên đang làm việc tại một trong những tiệm thuốc của ông. lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, xinh đẹp. Kết hôn xong, ông giao toàn bộ việc quản lý các tiệm thuốc Tây cho vợ. Về phần mình, ông điều hành Quỹ tín dụng Hòa Hưng và cơ sở kinh doanh vàng. Tin vợ, ông giao luôn cho quản lý tủ vàng mà Quỹ tín dụng Hòa Hưng đang cất giữ đề phòng trường hợp cần phải trả ngay cho khách đã gửi tiết kiệm nếu các món nợ cho vay của quỹ tín dụng chưa thu hồi lại được.
Một ngày, khi Lê Ân vừa rời khỏi nhà thì người vợ trẻ lẳng lặng gọi xe chở tủ vàng mà Lê Ân giao cho cô trông coi về nhà mẹ đẻ. Theo trí nhớ của ông thì số vàng trong tủ khoảng 27 kg. Ông hồi tưởng: "Tôi nhiều lần tìm đến nhà cô ấy để gọi về, nhưng gia đình luôn tìm cách tránh né. Khi thì bảo cô ấy đi vắng, khi thì họ hoàn toàn không biết gì về chuyện vàng bạc giữa tôi và vợ, khi thì họ không mở cửa, không tiếp".
Lần cuối cùng, Lê Ân cùng người bạn thân là Võ Ngọc Chuyển tìm đến nhà người vợ thứ ba để đưa ra hai điều kiện. Thứ nhất, nếu cô ấy vẫn coi Lê Ân là chồng thì trong 3 ngày, phải về cùng toàn bộ số vàng, ông sẽ xem như không có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, nếu chọn vàng, thì ông sẽ cho toàn bộ và từ nay, hai người sẽ dứt nghĩa vợ chồng.
Ba ngày trôi qua, vợ ông vẫn bặt vô âm tín. Lê Ân mất cả vợ lẫn vàng. Ngay lúc này, lãnh đạo của Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo liên tục lên Sài Gòn tìm đến Lê Ân xin giúp đỡ. Lý do, quỹ tín dụng này đang thua lỗ 10 tỷ đồng, chuẩn bị tuyên bố phá sản. Ban đầu, ông từ chối. Lãnh đạo quỹ tín dụng nhờ một quan chức cấp cao viết thư tay để có thêm trọng lượng với ông.
Ông kể: "Từ lá thư tay này, cộng với tâm trạng buồn rầu vì tình đời đen bạc, tôi rủ anh Võ Ngọc Chuyển xuống Vũng Tàu, làm quản lý cho Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo". Ngay khi vừa tiếp nhận nhiệm vụ, Lê Ân đã nhờ các cơ quan truyền thông phát đi cam kết rằng, trong khoảng thời gian ngắn, toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm của khách hàng sẽ được Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn đảo hoàn trả đầy đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Nói được, làm được, toàn bộ tiền gửi cộng với phần lãi suất theo quy định cho các cá nhân đã gửi tiết kiệm tại đây được Lê Ân thanh toán sòng phẳng, đàng hoàng..
Người vợ thứ tư...
Lê Ân sau đó nộp hồ sơ xin nâng cấp Quỹ tín dụng Hội phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo lên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (tên giao dịch là VCSB). Ngày 9/10/1991, VCSB chính thức được khai trương tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với giấy phép hoạt động thời hạn 99 năm. Năm 1994, VCSB xin được phép thanh toán quốc tế, được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng. VCSB đã đáp ứng được điều kiện này và vào thời điểm năm 1994, trong số các ngân hàng ngoài quốc doanh, duy nhất VCSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 70 tỷ đồng.
Tiếp đến, Lê Ân lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ. Đồng thời, VCSB thành lập dự án làng du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho phép VCSB thành lập khu du lịch này, bởi VCSB không có chức năng kinh doanh du lịch. Chính vì vậy, VCSB đã chuyển toàn bộ dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Chính từ đây, vận hạn của Lê Ân bắt đầu.
Khi thành lập Công ty Lê Hoàng, Lê Ân cưới người vợ thứ 4. Rất tin vợ - và đây cũng là nhược điểm lớn nhất của ông - ông đặt vợ vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), rồi khi Ngân hàng VCSB giữa đường gãy gánh khiến ông lâm vào cảnh tù tội, trách nhiệm điều hành Công ty Lê Hoàng được ông giao lại cho người vợ này.
Ông kể: "Lúc đang ở tù, vợ tôi vào trại giam, yêu cầu tôi với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Hoàng, ký quyết định bổ nhiệm một người - trước đây là phụ tá của tôi vào vị trí giám đốc để giúp đỡ vợ tôi điều hành công việc. Tin vợ, tôi nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này".
Thế nhưng, Lê Ân không lường được, rằng vợ ông đã âm thầm cùng vị giám đốc vừa được ông bổ nhiệm chuyển giao toàn bộ tài sản lẫn quyền lực của ông cho… chính họ. Đỉnh điểm của sự bội phản là khi ông nhờ người nhắn với vợ, ứng cho một người quen 2 triệu đồng để người này mua cho ông một số loại thuốc chữa bệnh, gửi vào trại giam. Thế nhưng, vợ ông đã từ chối với lý do "giám đốc đi công tác, không có người duyệt chi!".
Nhận được tin, đồng thời với những tin tức khác về cách điều hành Công ty Lê Hoàng của vợ ông và "giám đốc" mới, Lê Ân phần nào hiểu ra "tình nghĩa vợ chồng". Ông nói: "Lúc ấy, nếu tôi không có biện pháp xử lý kịp thời thì Công ty Lê Hoàng sẽ nát bét". Với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm chủ đầu tư Dự án Làng du lịch Chí Linh, ông lập tức yêu cầu vợ phải bàn giao toàn bộ hồ sơ sổ sách thu chi, công nợ…, cho một thành viên trong HĐQT do ông chỉ định. Người này, sẽ thay mặt ông điều hành Công ty Lê Hoàng, đồng thời ông cũng yêu cầu HĐQT chính thức bãi nhiệm chức vụ giám đốc của kẻ mà ông chấp thuận trước đó theo đề nghị của vợ ông.
Ngày 31/8/2005, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn. Ngay lúc này, vợ ông gửi đơn ra tòa xin ly hôn. Ông nói: "Thời điểm ấy, tôi không quan tâm đến chuyện ly dị vì trước mắt, tôi phải tập trung khắc phục hậu quả của Ngân hàng VCSB. Bên cạnh đó, tôi còn lo thăm viếng 6 thành viên thuộc HĐQT, những người bị bắt cùng lúc với tôi".
Ngày các thành viên HĐQT dưới quyền Lê Ân thi hành xong bản án, ông đã tìm cách bù đắp cho từng người. Có người vừa ra tù, ông đã tặng cho chiếc xe hơi Toyota Camry mà ông đang sử dụng. Ngoài ra, ông còn mua cho một căn nhà trị giá 3 tỷ đồng. Những thành viên khác cùng ra tòa và thụ án chung với ông trong vụ Ngân hàng VCSB, ông đều bù đắp cho họ xứng đáng.
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, vừa đền đáp xong cái nợ ân tình với những thuộc cấp cũ thì Lê Ân lại gặp hạn. Cơn bão số 9 năm 2006 đã tàn phá gần như toàn bộ Làng du lịch Chí Linh. Ấy thế mà khi vừa khôi phục lại được một phần, thì cũng là lúc Lê Ân nhận được giấy triệu tập của Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu ông có mặt để giải quyết vụ ly hôn với người vợ cũ. Và mặc dù chủ động xin ly hôn, nhưng tại tòa, vợ ông nhất mực yêu cầu tòa xét lại việc phân chia tài sản.
Cuối cùng, qua nhiều phiên tòa, ông đã giải quyết dứt khoát với người vợ này. Ông kể: "Sau phiên tòa, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ sống như thế đến hết đời, không tơ vương chuyện vợ con gì nữa". Dù đã hứa với lòng rằng "sẽ sống một mình suốt đời", nhưng số phận khiến xui cho Lê Ân gặp người vợ thứ 5 - cô Mai Mai.
Không nghĩ có người vợ thứ năm...
Lê Ân trong lễ cưới với người vợ thứ 5. Ảnh: Mai Mai |
Ly hôn người vợ thứ 4, ông nghiệm ra rằng mọi sự trên đời này đều là phù du hư ảo. "Nhìn lên thì tôi không bằng ai, nhưng nhìn xuống, tôi thấy vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình nên vì vậy, tôi quyết định thành lập Quỹ Từ thiện Lê Ân. Tất cả tài sản của tôi trị giá khoảng 15 nghìn tỷ đồng, tôi đưa hết vào quỹ", ông nói.
Nếu như không có cái dư chấn về cuộc hôn nhân với người vợ thứ 5 vừa diễn ra cách đây ít lâu thì có lẽ, dư luận sẽ ít có dịp nhắc đến tên Lê Ân. Mọi người có quyền hoài nghi về động cơ của cuộc hôn nhân này khi mà số tuổi của Lê Ân cao hơn rất nhiều so với số tuổi của người vợ mới. Đặc biệt là khi đại gia Lê Ân quyết định bỏ ra 10 tỷ đồng để mua một chiếc ôtô hiệu BMW-B7 đời 1011 màu trắng làm xe đưa dâu, chưa kể những thông tin về khoản tiền 5 tỷ đồng mà ông dùng làm tiền dẫn cưới.
Thêm vào đó, các bức ảnh ghi lại cảnh rước dâu hoành tráng lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt nhưng ít người biết rằng gia đình vợ ông thuộc loại khá giả và vợ ông, ngay từ khi chưa biết Lê Ân là ai, đã được cha mẹ cho một căn nhà diện tích 160 m2 ở Long Điền - thời giá hiện nay không dưới 3 tỷ đồng, coi như của hồi môn về sau này.
Sự thật đúng là Lê Ân lớn tuổi hơn cha mẹ Mai Mai. Nhưng ít người tìm ra lối xưng hô phải phép như ông. Đại gia Lê Ân gọi cha mẹ vợ là "cậu, mợ" và xưng "tôi". Nhìn vợ chồng ông hạnh phúc, có thể, đây sẽ là cuộc tình cuối cùng của ông như ông từng khẳng định.
'Khi qua đời, sẽ dành hết tiền cho Quỹ Từ thiện Lê Ân'
Lê Ân từng ủng hộ 1 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây nhà tình nghĩa; Nghe tin cháu Hào Anh bị hành hạ, ông tức tốc xuống Cà Mau, mở sổ tiết kiệm tặng 100 triệu đồng; Đọc báo thấy Công an Đắk Lắk chỉ chưa đầy 24 tiếng đã khám phá vụ giết người đòi tiền chuộc, ông gửi tặng cán bộ trong Ban chuyên án 50 triệu đồng.
Về Quảng Nam thăm quê, ông tặng Công an Quảng Nam 100 triệu đồng ủng hộ phong trào đền ơn đáp nghĩa và bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tặng Công an huyện Điện Bàn 120 triệu để xây nhà cho 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thấy các hiệp sĩ ở Bình Dương bị thương trong khi truy đuổi cướp, từ Vũng Tàu ông lên Bình Dương, gửi tặng ngay 40 triệu đồng. Một ngôi chợ ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị cháy, ông gửi tặng bà con tiểu thương 100 triệu đồng...
Năm nào Tết Trung thu, Lê Ân cũng quy tụ hàng trăm trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ về Làng du lịch Chí Linh, tổ chức ăn uống, tắm biển, vui chơi. Số lượng nhà tình thương Lê Ân xây tặng đã lên đến hàng trăm căn ở Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Tất cả tiền đều lấy ra từ lãi kinh doanh Làng du lịch Chí Linh và một số bất động sản khác.
Nhiều người "ngờ ngợ" về những việc làm từ thiện của đại gia Lê Ân nhưng có thể hiểu hơn về ông khi đọc di chúc: "Sau khi tôi qua đời, tất cả tiền thu được từ việc kinh doanh Làng du lịch Chí Linh và các tài sản khác, trừ đi việc trả lương cho cán bộ công nhân viên cùng các chi phí, thì toàn bộ đều dành cho Quỹ từ thiện Lê Ân để giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh".
Ngay cả các người con của ông - trong đó có người đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị nhà hàng khách sạn ở Canada, khi về làm việc cho Làng du lịch Chí Linh, cũng vẫn chỉ lĩnh lương như tất cả những cán bộ, nhân viên khác. Ông nói: "Tổng kết tất cả thất bại lẫn thành công, tôi rút ra được một câu châm ngôn, đó là: Đừng làm những việc ngoài tầm tay và không bao giờ làm những việc ngoài tầm với".
Một trong những đặc tính nổi bật nhất của đại gia Lê Ân chính là một chữ "tình", dẫu có phai nhạt thì vẫn là tình. Khi đã chia tay với người vợ thứ tư, nhưng khi nghe tin cha mẹ vợ bị bệnh, Lê Ân vẫn bảo tài xế đưa ra Nha Trang để thăm viếng. Chưa kể trong Làng du lịch Chí Linh, ông còn cho tạc 3 bức tượng với y phục Bắc - Trung - Nam, mà khuôn mặt là mặt của ba người vợ cũ, như là cách nhắc nhớ về chuyện xa xưa.