Nhân viên văn phòng tại các cao ốc như tòa nhà REE (Quận 4, TP HCM) và Bitexco Financial (Quận 1, TP HCM) cho hay, vừa có thêm các dư chấn tạo ra rung lắc, gây hoang mang cho những nhân viên hiện đang làm việc tại những nơi này.
Chị Loan, nhân viên làm việc ở lầu 4 cho biết biên độ rung lần này không lớn nhưng vẫn gây khó chịu rất nhiều, cảm giác như bị hẫng ở trạng thái không trọng lực khiến chị và các bạn trong phòng đều cảm giác chóng mặt. Cơn dư chấn kéo dài khoảng nửa phút thì ngưng, mọi người ở các lầu 4, lầu 5 vừa chạy theo thang bộ xuống đến tầng hai thì không còn cảm thấy dư chấn nữa.
Nhân viên văn phòng làm việc tại cao ốc Gilimex đứng dưới tòa nhà thúc giục những người còn ở trên tầng cao xuống đất. |
Tại tòa nhà 120 -122 đã bị rung lắc đến 3 lần. Càng về sau độ rung và thời gian kéo dài càng giảm dần. Các nhân viên định ở lại làm thêm tại tòa nhà này đều vội vã thu dọn đồ đạc trở về nhà bởi sợ tòa nhà lại tiếp tục rung lắc.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương - Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam, trận động đất thứ nhất chiều 11/4 ở Indonesia có cường độ gần bằng trận động đất hồi năm 2004 gây sóng thần ảnh hưởng 11 nước ở khu vực tây Thái Bình Dương. Sau trận động đất cũng đã ghi nhận được 12 dư chấn có cường độ 6-7 độ Richter.
Ông cho biết nhiều khả năng trong những ngày tới sẽ còn những dư chấn tiếp theo, thậm chí dư chấn kéo dài cả tháng, và không loại trừ TP HCM sẽ bị ảnh hưởng bởi những dư chấn này.
Về khả năng sóng thần, ông Phương cho biết các nước xung quanh cũng đã có cảnh báo sóng thần, tuy nhiên đến nay chưa có ghi nhận sóng thần xảy ra. Nếu xảy ra sóng thần thì Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
15h38’ chiều 11/4, đã xảy ra trận động đất có cường độ đến 8,7 độ richter ở vùng biển Indonesia, độ sâu tâm chấn 22,9km, cảnh báo sóng thần. Ảnh hưởng của động đất đã lan đến Việt Nam.
Vào khoảng 15h40 phút, người dân làm việc tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP HCM ùn ùn đổ ra đường khi các tòa nhà bị rung lắc.