Bộ GTVT chốt phương án thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ

13/04/2012 06:26
TC (tổng hợp)
(GDVN) - Chốt phương án thu phí đường bộ; Kinh doanh vận tải ngồi trên 'lửa' vì phí; Doanh nghiệp vận tải sẽ bán xe, đổi nghề vì... phí?... là những tin nóng xung quanh đề án thu phí giao thông.
Chốt phương án thu phí đường bộ
Theo tờ Kinh tế đô thị đưa tin, Bộ GTVT vừa chốt phương án mức thu Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) trên đầu phương tiện gửi Bộ Tài chính ký ban hành. Theo kế hoạch, việc thu Quỹ này được thực hiện từ ngày 1/6/2012. 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi, cơ sở nào để Bộ GTVT đưa ra mức thu phí với việc chia xe ô tô thành 8 nhóm căn cứ theo trọng tải xe, với mức thu từ 180.000 - 1.044.000 đồng/tháng; xe máy được chia thành 4 nhóm căn cứ theo dung tích xi lanh với mức thu từ 80 -180.000 đồng/năm.
Lý giải về vấn đề này, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), hiện trên thế giới có 55 nước đã thành lập Quỹ BTĐB. Mức đề xuất thu tại Việt Nam tương đương khoảng 100 USD/xe/năm vào loại trung bình thấp. 
Về cơ sở đưa các các mức thu, Tổng cục Đường bộ giải thích khá cụ thể. Trong đó, với xe ô tô con, bình quân trong một tháng mỗi xe chạy khoảng 22 ngày, mức trung bình 1.800km/tháng. Với đề xuất như trên, mức thu Phí bảo trì đường bộ với xe này khoảng 100 đồng/km, tương đương khoảng 180.000 đồng/tháng. 
Để giảm bớt khó khăn đối với các chủ phương tiện nộp phí theo kỳ đăng kiểm, nếu chủ phương tiện nộp phí trên 6 tháng sẽ được chiết giảm đối với giá trị phí đã nộp từ tháng thứ 7 trở lên là 12%/năm. Với mức thu đề xuất này, số Phí BTĐB thu được với ô tô là 4.600 tỷ đồng mỗi năm.
Đối với xe máy, theo tính toán của Tổng cục Đường bộ, với xe máy loại 1 (dung tích xi lanh từ 70 - 100 cm3) chạy trung bình mỗi tháng khoảng 500km, mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 2 lít/100km, tính tương đương phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu 1.000 đồng/lít, thì mỗi xe phải chịu phí sử dụng đường bộ khoảng 8.000 - 10.000 đồng/tháng.Kinh doanh vận tải 'ngồi trên lửa' vì...phí
Theo tờ diễn đàn doanh nghiệp, Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực sự như đứng trên “đống lửa”, khi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ bắt đầu từ 1/6/2012 đang đến gần.
Xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc chỉ là một tổ hợp phương tiện, nhưng cả hai lại chịu mức phí bảo trì đường bộ nặng nhất
Xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc chỉ là một tổ hợp phương tiện, nhưng cả hai lại chịu mức phí bảo trì đường bộ nặng nhất

Bà Lương Phạm Tuyết - Giám đốc Cty TNHH giao nhận vận tải và dịch vụ Công Thành cho biết: “ Quan niệm của tôi, việc thu phí bảo trì đường bộ là đúng, người sử dụng đường bộ phải có trách nhiệm đóng góp để nhà nước bảo quản, xây dựng mở rộng đường sá. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần xem lại những vấn đề chưa phù hợp thực tế. Đối với nhóm xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, Nghị định quy định vừa đánh phí trên cả đầu phương tiện là “máy kéo” vừa đánh trên “ rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo” là không phù hợp với thực tế hoạt động của loại phương tiện này. Bản thân sơ mi rơ moóc là thiết bị cơ, nếu không gắn động cơ, không thể tự hành được.  Chỉ khi nào gắn với đầu kéo hợp thành tổ hợp xe thì mới lưu thông để vận tải hàng hóa (chứa trong các container). Mỗi chiếc đầu kéo - một lần - cũng chỉ kéo theo được một rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc nên nghị định tách thành hai thiết bị riêng biệt để đánh phí đối với loại xe tổ hợp chuyên dụng này là hoàn toàn vô lý và sẽ tạo gánh nặng về phí cho các DN vận tải. Thực tế, nhiều DN số lượng sơ mi rơ moóc lớn hơn 3 - 4 lần số lượng xe đầu kéo...” Đại diện Cty Transimex – Sài Gòn cũng bức xúc: “Đối với nhóm xe vận tải, thực tế có thể một số phương tiện bị hư hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn, bị tạm giữ, xe vận chuyển nội bộ trong cảng, khu công nghiệp… sẽ không tham gia sử dụng đường bộ những vẫn phải nộp phí hàng năm là không phù hợp. Tương tự như thế đối với nhóm xe cá nhân ( xe mô tô, xe du lịch ), sẽ có những phương tiện trong cùng thời điểm không sử dụng hệ thống đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí.Doanh nghiệp vận tải sẽ bán xe, đổi nghề vì... phí? Cũng trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp thông tin, việc đóng phí quá cao, nếu quá sức chịu đựng, DN sẽ bán xe đổi nghề, hoặc buộc phải tìm cách để tồn tại. Nhiều ý kiến của DN cho biết: Có thể sẽ xảy ra những trường hợp không đưa xe đi đăng kiểm, và chấp nhận trả cho các chi phí “không chính thức”. Việc mua bán xe nhưng không sang tên xe, cung dễ thất thu, đồng thời chi phí cho tổ chức thu phí đối với phương tiện xe mô tô rất cồng kềnh và tốn kém…
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nhà nước cần cân nhắc xem lại mức phí, nhóm phương tiện chịu phí một cách vừa hợp pháp, hợp lý và hợp tình để hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến đời sống kinh tế xã hội. Để tránh thất thu và bảo đảm tính công bằng, Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định về lâu dài cho thu phí quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu, người nào sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiên liệu nhiều thì đóng phí nhiều. Làm sao cho việc đóng phí không là gánh nặng cho người dân và DN, đảm bảo cho mạch máu của nền kinh tế là hàng hóa được lưu thông bình thường; tránh trường hợp DN bán xe, hạn chế đầu tư gây ách tắc về vận chuyển hàng hóa sau thời điểm các văn bản có hiệu lực áp dụng trên thực tế là vấn đề cần được quan tâm.Phải công khai minh bạch thông tin Bài viết của TS Trần Hữu Minh trên Vnexpress cho rằng, một đề án lớn như Đề án thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, ảnh hưởng đến một bộ phận lớn nhân dân, nhưng các thông tin chi tiết không được công bố cho dư luận biết. Trên trang web của Bộ GTVT chỉ có một mục ngắn gọn “câu hỏi” và “trả lời” với phương án trả lời về mức phí thiếu luận cứ khoa học hỗ trợ.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Cách đây vài hôm, mục này có 12 câu hỏi, nay được cập nhật thêm một câu, thành 13 câu hỏi/đáp (tính đến thời điểm 10/4). Một đề án lớn ở cấp độ quốc gia, với mức thu hàng năm 600-700 triệu đôla/năm (tương đương 12.000 – 15.000 tỷ/năm) nhưng thông tin cung cấp chỉ vẻn vẹn trên 2 trang giấy A4 liệu có thể thuyết phục dư luận được không? Để thuyết phục được người dân, cách tốt nhất là phải cung cấp được thông tin chi tiết có tính thuyết phục cao. Trong trường hợp này thông tin chính là đề án thành lập quỹ bảo trì đường bộ (bao gồm toàn bộ nội dung đề án và các phụ lục kèm theo). Ngoài ra cần cung cấp danh mục một số công trình đường bộ cần phải bảo trì/nâng cấp khẩn cấp (tất cả các công trình này cần có thông tin cụ thể về vị trí/thực trạng/hình ảnh/phim và phỏng vấn người dân về sự bức xúc của họ về chất lượng công trình). Cần có một chiến dịch chuyển tải thông tin đến người dân. Nếu không hoặc chưa đưa lên truyền hình thì đây tiếp tục một sai lầm. Mục đích tuyên truyền là để người dân hiểu rõ đề án này. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay nếu làm sai thì cũng không thể giấu mãi được. Tuyên truyền sai cũng dễ dàng bị phát hiện và tẩy chay. Chỉ có nói đúng và quan trọng hơn là làm đúng lời hứa thì người dân mới nghe và ủng hộ.
TC (tổng hợp)