Nơi thú hoang quyến luyến hơi người

22/06/2011 00:51
Từ năm 2004 đến nay, Phòng Cứu hộ, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã tiếp nhận 405 con thú.
Từ năm 2004 đến nay, Phòng Cứu hộ, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã tiếp nhận 405 con thú, trong đó có nhiều loại quý hiếm
Chúng tôi đến Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Cứu hộ thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vào đầu giờ chiều. Vừa mở cánh cửa sắt khu nuôi nhốt động vật hoang dã, chú gấu nhỏ khoảng 5-6 kg liền nhao ra, nhảy lên tay bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Phòng Cứu hộ của trung tâm, như đòi bế. Vừa đưa bịch sữa cho chú gấu, bác sĩ Anh vừa quát yêu: “Trật tự nào, uống sữa cho khỏe rồi cho chơi...”. Như hiểu được, chú gấu ngồi yên ôm bình sữa uống ngon lành.
Nhiệt tình và tận tụy
Cơ ngơi của Phòng Cứu hộ chỉ khiêm tốn với ngôi nhà cấp 4, khá tách biệt với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Biên chế của phòng có 6 cán bộ còn rất trẻ (trong đó có 3 nữ), họ đến từ những miền quê khác nhau nhưng có chung lòng nhiệt tình và tận tụy. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Phòng được thành lập vào cuối năm 2004.
Chúng tôi luôn phải thay nhau trực 24/24 giờ. Luôn tiếp xúc với động vật nguy hiểm và các hóa chất nhưng phụ cấp độc hại lại không có. Từ khi thành lập đến nay, phòng đã tiếp nhận 405 con thú thuộc nhiều loại khác nhau, trong đó có nhiều loại quý hiếm như gấu, chà vá chân nâu, khỉ mặt đỏ, vượn...”.
Tại dãy chuồng trồng môn thục, rau rừng làm nơi cư ngụ của các loại rùa núi, bác sĩ Anh bế lên một chú rùa khoảng 5 kg và giải thích: “Loài này thuộc rùa răng to, các hình vuông trên mai rất đều, đẹp.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh kiểm tra sức khỏe một con rùa quý
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh kiểm tra sức khỏe một con rùa quý
Hiện chưa ghi nhận sự có mặt của loài rùa này ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Sau khi xác định cơ sở phân bố, chúng tôi sẽ thả loài rùa này đến nơi thích hợp”. Chuồng bên cạnh là nơi ở của mấy chú rùa núi viền, một loài động vật quý hiếm.
Cách nay chưa lâu, Phòng Cứu hộ tiếp nhận một con tê tê do lực lượng kiểm lâm thu được từ những tay săn thú. Con tê tê này nặng hơn chục ký cứ cuộn tròn vo như chiếc cối nhỏ cả ngày.
Chị Trần Thị Thùy Vương, một cán bộ của phòng, giải thích: “Tê tê là loại thú hoạt động về đêm nên ban ngày nó cứ cuộn tròn, nằm bất động vậy đó. Nhưng tối đến, nó phá ghê lắm, nhân viên trực rất cực với con tê tê này, chăm sóc nó như nuôi con mọn”. Tê tê được ở trong một lồng sắt to, chắc chắn nhưng mọi người vẫn phải cẩn trọng với hàm răng chắc khỏe của nó.
Chị Vương phải mua mấy thanh thép về gia cố thêm cho lồng chắc chắn. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, sau một tuần, con tê tê khỏe mạnh, không còn bệnh tật nên được thả vào khu bảo vệ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nhớ thú
Thú ở đây lâu nhất là chú gấu chó. Một người dân trong vùng mua lại một con gấu nặng khoảng 4 kg từ các thợ săn trong vùng rồi mang đến giao cho trung tâm cứu hộ.
Do gấu còn quá nhỏ, cán bộ của phòng phải thay nhau bế cho gấu uống sữa. Quen dần, cứ thấy bóng cán bộ vào là chú gấu sấn tới, dụi mõm vào người để đòi...bế. Gần một năm sau, chú gấu được hơn 20 kg, khỏe mạnh. Sau này, khi chuyển gấu vào trung tâm cứu hộ ở phía Nam, các chị nhân viên ở đây luôn nhớ gấu như nhớ cậu em trai nhỏ của mình.
Phía đối diện với chuồng gấu là nơi ở của 2 chú khỉ mặt đỏ. Trong đó, có một chú bị mất một chân sau do mắc bẫy nhưng nhờ được chăm sóc tận tình, nay đã khỏe.
Khi tiếp nhận, nhân viên ở đây phải phẫu thuật, điều trị vết thương cho nó. Đây là công việc khá thường xuyên của phòng vì hầu hết động vật hoang dã trước khi đến đây đều bị thương do mắc bẫy của thợ săn.
Cứu hộ voọc là khó khăn nhất vì loài này rất nhạy cảm với môi trường xung quanh. Mỗi lần như vậy, phải che chắn kín đáo nơi chữa trị, voọc mới chịu yên. Nguy hiểm nhất là cứu hộ các loài rắn độc.
Theo HOÀNG HÀ/NLĐ