Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì về các trường ĐH, CĐ ngoài công lập?

21/04/2012 06:36
Xuân Trung
(GDVN) - "Những kiến nghị của các trường ĐH, CĐ NCL, nếu thuộc thẩm quyền của Bộ, chúng tôi xin chú ý lắng nghe tiếp thu. Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác cùng với các trường NCL và với Hiệp hội, nếu có gì chưa thoả mãn thì có thể thay đổi".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, hiện nay có những trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thành lập ở những vùng miền có ít trường ĐH, CĐ, trong đó có nhiều địa phương là vùng khó khăn như Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo đánh giá của Bộ trưởng Luận, chính điều này đã làm giảm sự mất cân đối về mật độ các trường ở các vùng miền.

Ở đóng góp thứ hai, Bộ trưởng cho biết, việc ra đời các trường ĐH, CĐ NCL sẽ góp phần tạo cơ hội học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được học ĐH và cũng góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thiết thực vào chủ trương xoá đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận công nhận sự lớn mạnh của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam. Ảnh Hoàng Lâm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận công nhận sự lớn mạnh của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam. Ảnh Hoàng Lâm

Những thành tựu của các trường NCL được Bộ GD&ĐT thừa nhận

Chia sẻ ý kiến tại Đại hội nhiệm kỳ II của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá, ngoài những đóng góp trên, khối các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam còn tăng nhanh về số lượng, theo đánh giá của Bộ trưởng, tốc độ tăng như vậy là hợp lí (Năm 2006 có 45 trường, đến nay có 82 trường ĐH, CĐ NCL). 

Bộ trưởng cũng đánh giá, do số lượng các trường NCL tăng lên nên mạng lưới các trường ĐH, CĐ chung của Việt Nam có sự thay đổi về chất đáng kể. “Trước chúng ta chỉ có các trường ĐH, CĐ công lập, giờ chúng ta có các trường NCL với số lượng ngày càng tăng. Bên cạnh đó thêm các trường có yếu tố nước ngoài. Việc tăng các loại hình trường này có làm tăng tính phức tạp của bộ phận này, bộ phận khác nhưng trên tổng thể nó đóng góp vào sự đa dạng, phong phú”, Bộ trưởng Luận nói.

Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội ĐH, CĐ NCL Việt Nam

Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội ĐH, CĐ NCL Việt Nam

Đang có sự bất công về học phí giữa sinh viên học công lập và dân lập

Đang có sự bất công về học phí giữa sinh viên học công lập và dân lập

Sự ra đời và lớn mạnh của các trường NCL và các trường có yếu tố nước ngoài khiến cơ quan quản lí, của xã hội cũng cần phải thay đổi về nhận thức để điều hành hệ thống giáo dục.

Đánh giá về quy mô đào tạo sinh viên ở các trường ĐH, CĐ NCL, Bộ trưởng cho rằng, quy mô học sinh, sinh viên đã tăng: “Tôi cho rằng bước tăng trưởng này là tốt, gần 15% trong tổng số sinh viên toàn quốc là con số không nhỏ. Trong số này có không ít sinh viên đã thành thạc sĩ, tiến sĩ, trở thành giảng viên của các trường ĐH, tham gia vào các ngành nghề của kinh tế xã hội và làm rất tốt” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng của sinh viên các trường NCL.

Một yếu tố bấy lâu nay được xem là “điểm yếu” của các trường ĐH, CĐ NCL - cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng. Một số trường với cơ sở hạ tầng được xem là khang trang như nhất như: Trường ĐH Thăng Long, ĐH DL Hải Phòng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội... thì còn một số trường hạn chế về vấn đề này.

Theo nhận xét của Bộ trưởng Luận, một số trường ĐH, CĐ NCL được xây dựng rất bài bản, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí rất tốt: “Một số trường tôi thấy và tôi biết như Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp TPHCM. Tôi thấy trường này được đầu tư tốt, có bài bản và có tính  toán dài hơi, nhà đầu tư và nhà quản lý ở đây có cái tâm đối với sự nghiệp giáo dục. Hay như Trường ĐH Kinh tế Công nghệ Long An có sự giúp đỡ nhiều của địa phương nhưng phải nói các nhà đầu tư và Ban giám hiệu nhà trường rất say mê, tâm huyết, cơ sở vật chất rất tốt. Ngoài ra, không ít trường ngoài công lập đã rất chú ý đến công tác nghiên cứu khoa học trong đó có nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trường ĐH Lạc Hồng là một ví dụ. Nghiên cứu khoa học trong sinh viên được đầu tư lớn, đã mang lại danh tiếng không chỉ ĐH Lạc Hồng mà cho cả Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Bộ GD sẵn sàng “hợp tác” với Hiệp hội

Xung quanh nội dung hoạt động của các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, không ít trường ĐH, CĐ NCL chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở tạm bợ, không đủ. Một số trường thiếu đội ngũ giáo viên, thiếu giáo trình...

Đại hội nhiệm kỳ II của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL được kỳ vọng sẽ nâng vị thế các trường NCL lên tầm cao mới. Ảnh Hoàng Lâm
Đại hội nhiệm kỳ II của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL được kỳ vọng sẽ nâng vị thế các trường NCL lên tầm cao mới. Ảnh Hoàng Lâm

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, trong thời gian qua, không ít các trường ĐH, CĐ NCL bị đối xử không công bằng, có sự phân biệt giữa đối tượng sinh viên, nhiều chính sách chưa tới hoặc các trường NCL không được thụ hưởng. Theo lãnh đạo những trường ĐH, CĐ NCL như vậy là không công bằng, cụ thể nhất phải nói tới mức trợ cấp sinh viên hai hệ này (Công lập được nhà nước hỗ trợ 70% học phí, NCL đóng 100%).

Những vấn đền liên quan tới các trường ĐH, CĐ NCL trong thời gian tới, Bộ trưởng Luận cho biết, nếu những chính sách trên do cơ chế thì Bộ và Hiệp hội cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn.

“Nếu thuộc thẩm quyền của Bộ, chúng tôi xin chú ý lắng nghe tiếp thu. Chúng tôi cũng sẵn sàng cùng hợp tác với các trường NCL và với Hiệp hội, nếu có gì chưa thoả mãn thì có thể thay đổi. Nhưng cũng phải đặt lại, cũng vẫn quy chế đó, bầu trời đó thì vì sao Trường ĐH Thăng Long và rất nhiều ĐH khác hoạt động bình thường, tốt, không có vấn đề gì. Do vậy, không hẳn mọi chuyện do quy chế”, Bộ trưởng Luận thẳng thắn trao đổi.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, quan điểm của Bộ đối với các trường NCL rằng, đó là một bộ phận của hệ thống giáo dục. Mỗi thành công và thắng lợi của các trường NCL sẽ góp phần vào thành công, thắng lợi chung của ngành giáo dục. Ngược lại, nếu yếu kém cũng là yếu kém của ngành.

Các trường sẽ được tự mở ngành?

Nghị định 115 về phân cấp, Bộ GD&ĐT giao nhiều quyền cho các trường ĐH. Bộ GD&ĐT cũng đang có ý định giao chương trình khung cho các trường. Bộ không làm nhiệm vụ chuyên môn mà tập trung quản lý nhà nước, kể cả việc mở ngành, mở trường, chúng tôi đang có ý định giao các trường tự làm, chỉ tiêu tuyển sinh cũng giao cho các trường dựa trên quy định chung về đảm bảo chất lượng. Nếu tốt thì khen thưởng, không tốt sẽ chịu phạt. Một mặt giao nhiều quyền cho các hiệu trưởng nhưng bộ cũng sẽ tăng cường rất mạnh vịêc thanh tra, kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc. Chúng tôi quán triệt tinh thần Nghị quyết TƯ IV, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều tránh việc nói không làm, nói nhiều làm ít.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận


 

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng


Xuân Trung