Barcelona trong nỗi ám ảnh Fabregas

24/06/2011 23:58
(GDVN) - Có thể hơi sớm để nói Barca thất bại với Fabregas, nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ đã quá ám ảnh với nhạc trưởng của Arsenal trong nhiều năm nay.

(GDVN) - Có thể là hơi sớm khi nói Barca đã thất bại với Cesc Fabregas, nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ đã quá ám ảnh với nhạc trưởng của Arsenal trong nhiều năm nay.

Arsenal gạt phắt lời đề nghị 27 triệu bảng cho Fabregas

Khăng khăng chỉ trả 35 triệu bảng, Barca vẫn tự tin về Fabregas

Chủ tịch Arsenal: Thật dễ hiểu khi Fabregas muốn trở lại Barca

Luyến tiếc một sản phẩm bỏ quên

Không có gì bí mật ở đây cả: Barca mong muốn đưa Cesc Fabregas, tài năng do họ đào tạo ra trở về mái nhà xưa để trở thành một tượng đài của CLB. Không có gì sai, nhưng cũng không hẳn thực tế, vì nếu không có Arsene Wenger, có thể Fabregas đã chơi cho Espanyol.

Vẫn biết rằng Arsenal đã “trộm” Fabregas như cách mà nhiều đội bóng Anh vẫn hay săn tài năng ở các giải châu Âu khác, nhưng không thể phủ nhận là chính vì Fabregas nhận thấy mình có ít cơ hội để tỏa sáng tại Barcelona nên đã chọn con đường sang Anh lập nghiệp. Được đào tạo ở học viện La Masia trong vai trò tiền vệ phòng ngự cùng với những Gerard Pique và Lionel Messi, Fabregas chứng minh cho các HLV thấy anh có tiềm năng như thế nào khi ghi tới hơn 30 bàn trong một mùa đá cho đội trẻ.

Cậu bé nhà Soler dù đã từng ghi hơn 30 bàn/mùa nhưng vẫn bị chìm lấp cùng những cái tên khác ở đội trẻ
Cậu bé nhà Soler dù đã từng ghi hơn 30 bàn/mùa nhưng vẫn bị chìm lấp cùng những cái tên khác ở đội trẻ.

Tuy nhiên khác với Pique và Messi, Fabregas chưa từng một lần được chọn vào đội hình 1 để chơi bóng tại Nou Camp, một giấc mơ thưở thiếu thời của “F4”. Dường như không một ai khi đó mảy may tới thành tích ghi bàn ấn tượng của Cesc ở đội trẻ, hay đúng hơn thì cái bản chất của một tiền vệ phòng ngự đã khiến các HLV đánh giá anh như một cầu thủ không có khả năng sáng tạo của một tiền vệ điển hình.

Và thế là Arsene Wenger đến với Fabregas và chìa cho anh một cơ hội lớn tại Arsenal, nơi anh được Patrick Vieira dìu dắt và Philippe Senderos giúp đỡ về tiếng Anh. Fabregas chỉ mất có 1 tháng kể từ lúc chính thức tới sân Highbury để được đá chính trong một trận đấu trong khuôn khổ League Cup, và đó là cách mà Wenger đã trọng dụng anh như thế nào ngay từ những ngày đầu tiên của Cesc.

Ai đã làm nên Cesc Fabregas? Không phải Barca, mà là Arsene Wenger
Ai đã làm nên Cesc Fabregas? Không phải Barca, mà là Arsene Wenger.

Tài năng của Fabregas là thứ mà Arsene Wenger đã thực sự phát hiện, nhất là việc để anh chơi ở vị trí dẫn dắt hàng tiền vệ. Thế nên dù muốn trở lại Catalan, Fabregas cũng không thể dứt tình với “Giáo sư”, người đã giúp anh nổi tiếng với thế giới, không phải Barca hay bất kỳ HLV nào của họ.

Đến những thủ đoạn “bẩn”

Bắt đầu từ mùa hè 2009, tương lai của Fabregas đã bắt đầu trở thành điểm nóng của rất nhiều trang báo. Arsenal khi đó đã trắng tay 4 mùa giải liên tiếp, cộng thêm sự ra đi của những công thần như Thierry Henry khiến châu Âu không còn đánh giá cao The Gunners trên bản đồ bóng đá Lục địa già. Và như hiệu ứng vết dầu loang, các Pháo thủ trở thành mục tiêu để “rút ruột”, dù chỉ là trên những trang báo.

Tâm điểm được bắt đầu khi ở trận lượt về vòng 16 đội Champions League mùa 2008/09, cú đánh gót bất cẩn của Fabregas đã trực tiếp dẫn đến bàn mở tỷ số của Barca. Dù anh sau đó đã xin lỗi các CĐV và mô tả nó như “một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất trong sự nghiệp”, dấu ấn đó đã châm ngòi cho câu chuyện không bao giờ dứt về tương lai của anh.

Sự nghiệp của Fabregas gần đây đã bị phủ mờ bởi những tin đồn về tương lai
Sự nghiệp của Fabregas gần đây đã bị phủ mờ bởi những tin đồn về tương lai.

Tuy nhiên khác với bây giờ, khi đó Arsene Wenger hoàn toàn thông cảm với Cesc vì hiểu rằng Arsenal đang trong giai đoạn chuyển giao dang dở và đội hình trẻ đã được chứng minh là chưa đủ khả năng để chinh phục danh hiệu. Với lý do đó, một cầu thủ có thể cảm thấy không hài lòng về hiện tại có thể quyết định ra đi sẽ được “Giáo sư” chấp nhận. Cho đến khi…

Sau mùa 2009/10 tiếp tục trắng tay, tương lai của Fabregas được tạm dẹp sang một bên nhờ World Cup. Tuy nhiên chỉ sau khi Tây Ban Nha lên ngôi vô địch thế giới, Arsene Wenger đã được chứng kiến một hình ảnh hết sức “nóng mắt: Trong lễ ăn mừng, Gerard Pique và Carles Puyol (với sự trợ giúp của Pepe Reina) cầm áo Barca và ép Fabregas mặc nó vào người.

Đây là hình ảnh đã khiến Arsene Wenger không còn muốn nói chuyện với Barca
Đây là hình ảnh đã khiến Wenger không còn muốn nói chuyện với Barca.

Có giải thích thế nào về hành động đó thì Barca vẫn tạo nên một ấn tượng xấu với Arsenal nói chung và Wenger nói riêng. Nếu muốn mua Fabregas, gã khổng lồ xứ Catalan có thể tới và đặt tên bàn một số tiền phù hợp, khi đó họ sẽ được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép thương thảo hợp đồng với anh. Trang trọng và theo nghi thức, nhưng Barca lại không làm vậy mà đi gây sức ép qua truyền thông.

Arsene Wenger là một người đầy lý trí, dù ông coi trọng Fabregas đến đâu cũng sẵn sàng lắng nghe những đề nghị thiệt hơn. Có điều Barca lại không muốn nghe, và hành động như thể coi Fabregas đã là của mình đó đã khiến họ phải trả giá vì dám tạo nên một sức ép vô hình. Mà trong kinh doanh, người ta luôn mong muốn thỏa thuận với nhau cho một cái giá có lợi cho cả đôi bên mà không cảm thấy bị đối tác ép giá.

Và ám ảnh về một biểu tượng


Khi chủ tịch đương nhiệm của Barcelona Sandro Rosell ra tranh cử mùa hè 2010, ông đã lấy mục tiêu chiêu mộ Cesc Fabregas làm một trong những điểm trọng tâm của chiến dịch chạy đua vào chiếc ghế cầm quyền ở Nou Camp. Rosell thừa hiểu, danh tiếng của Fabregas đã khiến người dân xứ Catalan mong anh trở về hơn lúc nào hết để biến Barca thành một đội bóng bất khả chiến bại.

Tuy nhiên cái sự ám ảnh thần tượng đó lại chẳng hay ho chút nào khi nó khiến BLĐ của Barca luôn đưa ra những quyết định, hoặc rất vội vã, hoặc không thực tế. Nếu cho vụ ép mặc áo Barca đã đề cập ở trên là một chiêu bài được dàn xếp sẵn thì đó rõ ràng là một quyết định vội vàng khi Barca và Arsenal còn chưa ngồi vào thương lượng với nhau chút gì về nhạc trưởng của The Gunners lúc đó.

Mặc áo Barca? Đó chỉ là ám ảnh của những người Catalan
Cesc mặc áo Barca? Đó chỉ là ám ảnh của những người Catalan.

Mới đây việc Barca chìa ra 27 triệu bảng để hỏi mua Fabregas là một cú ra đòn vào không khí, vì ai cũng biết Arsene Wenger sẽ không để siêu sao đẳng cấp thế giới duy nhất của ông rời CLB với chỉ từng đó tiền. Barca chỉ có 40 triệu trong ngân quỹ, biết rõ Arsenal đòi nhiều hơn thế nhưng vẫn cố ra giá để rồi giờ bị Arsenal đòi gấp đôi.

Hơn nữa chiến lược mua sắm của Barca cũng sai ở nhiều điểm. Dù Fabregas là một mục tiêu có thể chinh phục được, nhưng hợp đồng của “F4” với sân Emirates phải năm 2015 mới hết hạn. Arsenal chẳng gặp phải sức ép cần bán ngay, nên Barca vì thế đã thực hiện một hành động khá viển vông. Đấy là chưa nói tới những con số trên sân: Arsenal thắng 60% số trận mùa giải vừa rồi nếu có Fabregas trong đội hình (đá chính hoặc dự bị), trong khi vắng anh tỷ lệ chỉ là hơn 30%. Làm sao Arsenal có thể bán đi một trụ cột vẫn còn có ích cho đội dù mới chỉ xét về mặt con số?

Barca đã bay bổng quá nhiều về F4
Barca đã bay bổng quá nhiều về F4.

Có thể nói, những người Catalonia đã quá chờ đợi và hy vọng rằng một ngày nào đó Fabregas sẽ trở lại để đóng vai một tượng đài bóng đá ở Barcelona. Điều đó nghe giống một tác phẩm điện ảnh, còn đây là bóng đá, một thứ thực tế hơn, nặng màu sắc kinh doanh hơn, thiết thực hơn. Trước khi nghĩ tới cái gì bay bổng, ta phải làm những điều thực tế trước tiên.

Mà với Barca, họ đang làm ngược lại, chỉ riêng với Cesc Fabregas.

Đỗ Âu