Rồi khi lớn lên những đưa trẻ này lại xoáy trong vòng luẩn quẩn của cái nghề săn bắt, hái lượm.
Học lớp 1, dạy vỡ lòng
Nói về chuyện khó, chuyện khổ của người Đan Lai nó cũng được ví như “lấy lá cây rừng mà kể, lấy nước suối mà tính”. Cả bản Cò Phạt và bản Búng xã Môn Sơn có 180 hộ với hơn 800 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào tự nhiên nên quanh năm nghèo đói. Trong khi cái ăn còn không đủ thì việc học hành của những đứa trẻ nơi đây được xem như một điều “xa xỉ”.
Khi chúng tôi vào bản Cò Phạt, cũng là lúc trưởng bản La Xuân Đường và giáo viên cắm bản Nguyễn Thị Thanh đang tranh thủ đi đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đi học lại sau một thời gian dài nghỉ hè. Ông Đường cho biết: Ở đây các cháu không thích học chữ đâu. Để tổ chức được một lớp học đông đủ thì các thầy cô phải lặn lội đi vận động trước đó cả tháng trời. Thông lệ, cứ sau ngày tết hoặc nghỉ hè, học sinh trong bản lại theo thói quen nghỉ đồng loạt ở nhà đi kiếm củi, lên rẫy giúp gia đình.
Những đứa trẻ nơi đây lớn lên chỉ biết vào rừng săn bắt, hái lượm (Ảnh: Lâm Nguyên) |
Là giáo viên miền xuôi, cô Thanh được phân công vào cắm bản dạy học cho các em gần chục năm nay. Những ngày đầu lên vùng đất mới, cô đã nhiều đêm mất ngủ vì không biết làm cách nào thuyết phục các em tới lớp. “Thời gian đầu lên với bản Cò Phạt, chúng tôi đã vận động được hầu hết các em học sinh đi học. Tuy nhiên, lớp chỉ đông đủ được một thời gian, rồi học sinh cũng dần bỏ hết vì lý do phải vào rừng săn bắt, đốn củi”, cô Thanh tâm sự.
Năm học vừa qua, cũng là thành tích mà các cô giáo cắm bản nhớ nhất. Từ khi đặt chân lên bản Cò Phạt chưa bao giờ lớp học lại đông đến như vậy. Các cô đã vận động được gần 100 em đến lớp, từ mẫu giáo cho đến vỡ lòng lên lớp một. Tuy nhiên, điều mà các cô trăn trở là những em chuẩn bị bước vào lớp một nhưng tiếp thu rất kém, thậm chí có em còn không viết nổi tên của mình, các cô lại phải hướng dẫn từ đầu như một đứa trẻ đang học lớp vỡ lòng.
“Nó thích thì đi học, không thích thì thôi, học cái chữ có đổi ra được gạo đâu. Từ xưa đến nay dân bản ta chẳng ai đi học cũng sống được đấy thôi, con gái lớn vào rừng đào sắn, trai săn thú trên rừng, đến tuổi dựng vợ gả chồng là xong, học làm gì cho mệt”, anh La Văn Thè, người dân bản Cò Phạt cho biết.
Khi tôi hỏi, khó khăn của việc dạy các em vùng cao là gì? Cô Thanh chẳng hề giấu diếm nói: các em thích thì đến lớp, không thích là nghỉ chẳng ai cấm và ngăn được nên nhận thức, tiếp thu không đồng đều. Bố mẹ các em ngoài việc lên rừng đốn củi và uống rượu thì chẳng ai quan tâm tới con cái của mình.
Ước mơ giản dị
Theo thống kê của trưởng bản, năm 2011 có khoảng 100 cháu trong độ tuổi đi học. Thời điểm khi chúng tôi lên bản Cò Phạt cũng là lúc ông trưởng bản và giáo viên đang đi vận động từng nhà. “Đó chỉ là thống kê theo sổ sách của mình, còn việc các cháu đến trường bao nhiêu thì chưa thể nói trước được”, ông Đường nói. Suốt tuần nay ông Đường bỏ cả săn bắt, chặt nứa kiếm tiền để cùng cô giáo Thanh đi vận động nhưng chỉ mới được vài ba nhà đồng ý cho con mình tới lớp.
“Như năm ngoái đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho bà con thì bố mẹ các cháu nghe theo, đồng ý cho con cái xuống lớp học. Nhưng khi vào đầu năm học thì chẳng thấy học sinh nào tới lớp, đến hỏi vì sao lại thất hứa như vậy? thì họ thẳng thắn bảo: “Cháu vào rừng chặt củi rồi, khi nào về cháu sẽ xuống học”, cô Thanh cho biết.
Rồi những ước mơ giản dị của những đứa trẻ sẽ ra sao khi miếng ăn còn không đủ? (Ảnh: Lâm Nguyên) |
Toàn xã Môn Sơn hiện có 1 trường THCS, 3 trường Tiểu học và 3 trường mầm non đóng theo từng cụm bản. Bản Cò Phạt là bản xa nhất của xã Môn Sơn, việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường còn thiếu thốn trăm bề. Để tiếp tục theo học lên THCS, học sinh trong bản phải xuống tận xuôi với cả quãng đường sông nước khó khăn, chính vì vậy năm nào học sinh cũng bỏ học quay về bản.
Cô giáo Thanh chia sẻ, sở dĩ các em bỏ học quay về bản là vì đường đi học quá xa, không thuận tiện, bên cạnh đó là hoàn cảnh khó khăn không có tiền theo học. Mặc dù trường cũng có khu nội trú, xong vì không có tiền lo ăn ở nên các em đành “gác” lại sách vở quay về với núi rừng.
Điển hình như kỳ khai giảng năm ngoái, toàn bộ thầy cô đã lặn lội lên bản vận động được gần 20 em xuống trường theo học, nhưng vì thiếu tiền mua sách vở, gạo hết… nên chỉ sau vài tuần các em ghỉ gần hết.
Nói về việc học hành, cô Thanh khẳng định ngay rằng: các em ở đây rất muốn học và muốn được đến trường, chỉ vì hoàn cảnh mà các em phải bỏ học giữa chừng.
Nói về việc học hành, cô Thanh khẳng định ngay rằng: các em ở đây rất muốn học và muốn được đến trường, chỉ vì hoàn cảnh mà các em phải bỏ học giữa chừng.
Quả thực như lời cô Thanh nói, khi chúng tôi đến chỗ đám trẻ đang chơi đùa, hỏi về ước mơ của em sau này là gì, thì bọn trẻ tranh nhau khoe về ước mơ của mình. Em La Thị Sao (8 tuổi) cho biết: “Cháu rất thích đi học, nhưng cháu đi học không có ai ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm. Sau em cháu lớn lên cháu sẽ xin bố cho đi học. Lúc đó cháu sẽ học thật giỏi để sau này làm cô giáo như cô Thanh, về dạy chữ cho các em trong bản nghèo như cháu biết chữ”.
Cũng không được đến lớp như Sao, La Văn Bảy (9 tuổi) vừa đi rừng về cũng ngồi thỏ thẻ tâm sự: “Cháu đi rừng chặt luồng mang xuống xuôi bán lấy tiền. Khi nào có nhiều tiền cháu sẽ xin bố mẹ xuống trường để học. Lúc đó có tiền mua sách vở rồi, không phải xin bố mẹ nữa, chắc là bố sẽ đồng ý cho đi học. Sau này cháu sẽ học “cái gì đó” có thể ghép được những cây luồng trên rừng lại thành một chiếc thuyền lớn để chở người dân trong bản đi lại trên sông Giăng mà không sợ nước lũ”.
Cháu ước, cháu ước… hàng trăm, hàng ngàn những điều ước như thế của những đứa trẻ thơ không được tới trường. Rồi điều ước đó sẽ ra sao, khi miếng ăn còn chưa đủ.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Lâm Nguyên (Sinh Viên báo chí Huế)