Con vàng, con chì

29/06/2011 02:18
Con nào mà chả là con. Đấy là câu cửa miệng của nhiều ông bố bà mẹ, nhưng thực tế chứng minh không ít thì nhiều mỗi gia đình vẫn tồn tại một đôi chút phảng phất

Con nào mà chả là con. Đấy là câu cửa miệng của nhiều ông bố bà mẹ, nhưng thực tế chứng minh không ít thì nhiều mỗi gia đình vẫn tồn tại một đôi chút phảng phất không khí “con yêu con ghét”. Có những người cho rằng nếu gia đình có điều kiện thì không thể có chuyện thiên vị giữa các con vì đứa nào cũng “muốn gì được nấy” nhưng vẫn có những nguyên nhân muôn đời không đổi chẳng liên quan gì đến chuyện kinh tế

Những niềm tự hào của gia đình

Khi làm một cuộc điều tra nhỏ về nguyên nhân của tâm lý này ở các bậc cha mẹ, chúng tôi thu được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn nguyên nhân đưa ra là tư tưởng trọng nam khinh nữ, phân biệt giữa những đứa con học giỏi có tài với những đứa học yếu và không nổi bật, hay yêu thương những đứa giống bố mẹ hơn

Trọng nam khinh nữ là tư tưởng dễ thấy ở nhiều gia đình người Việt, những gia đình cần “con trai nối dõi tong đường”, thường quan niệm con gái lớn rồi bay đi, chỉ con trai là sống cùng và chăm sóc bố mẹ đến hết đời. Hay với những đứa con tài giỏi, nổi trội hơn các bậc cha mẹ cho rằng cần chăm sóc chúng bằng một chế độ đặc biệt hơn để khuyến khích, phát huy và tạo cơ hội cho tài năng của chúng ngày càng phát triển. Với họ, những đứa con là niềm tự hào của gia đình mình nên chúng đáng được như vậy.

Tình yêu là không phân biệt

Có thể những bậc cha mẹ không nhận thức được rằng lối cử xử của mình với các con là có sự phân biệt. Họ có khi nghĩ rằng không phải yêu con nọ, ghét con kia mà chỉ đơn giản là tạo điều kiện cho các con phát triển khác nhau.

con
Mọi đứa trẻ đều cần được cha mẹ tạo điều kiện phát triển như nhau (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Cô Phương (Cổ Nhuế, Từ Liêm) cho hay: “Đứa lớn nhà cô có năng khiếu chơi piano nên gia đình cô cũng muốn cho em nó được học hành đến nơi đến chốn. Cũng không bắt nó phải làm gì để có thời gian chuyên tâm luyện tập. Em gái thì không học piano nên đôi khi cũng bảo nó làm thay chị một số việc nhà, chứ không phải yêu ghét gì đâu”.

Cũng có khi các bậc cha mẹ chỉ là vô tình đối xử phân biệt giữa đứa  nhỏ và đứa lớn, họ luôn cho rằng làm anh chị thì phải nhường nhịn em bé phải phụ giúp cha mẹ một vài việc nhà, em thì lại được bế bồng chăm sóc, ăn uống cũng ngon hơn.

“Giá mà đừng có em/anh/chị ấy”

Bạn Phương- Hoàng Mai cho hay: “Em trai mình thua mình 2 tuổi thôi nhưng việc gì bố mẹ cũng bắt mình làm thay nó còn nó suốt ngày chơi dài mà chẳng phải làm gì cả. Mình còn thực sự sốc khi một lần nghe bố mẹ nói chuyện với nhau về việc đi du học của hai chị em mình. Bố Phương bảo: “Thằng Quang (là tên em trai Phương) thì chắc chắn học xong lớp 12 thì cho đi rồi nhưng cái Phương thì xem thế nào đã”. Mặc dù bố mẹ đã cho mình đi học tiếng từ khá lâu rồi nhưng không ngờ bố mẹ vẫn nghĩ như thế. Nhiều lúc mình mong giá như bố mẹ chỉ có mình mình”

Sự phân biệt đối xử của cha mẹ vô hình chung làm cho những đứa trẻ ghét nhau và ghét lây cha mẹ mình. “Con yêu” nhận thức được “địa vị” của mình trong gia đình, với anh chị em còn lại, dần dần chúng tỏ rõ quyền hành của mình ức  hiếp, bắt nạt anh chị em trong gia đình. “Con ghét” có khi bị ám ảnh đến suốt cuộc đời rằng mình bị bố mẹ ghét bỏ, bị anh chị em coi thường, và có khi hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng hơn chuyện hơn kém vài việc vặt vãnh hay vài thứ đồ chơi mà các bậc phu huynh cho rằng không là gì.

Theo Phunutoday