Cẩm Thủy - Thanh Hóa: Tìm bạn đời xưa và nay

09/07/2012 11:33
Nguyễn Hường
(GDVN)- Người con trai đi đường, gặp người con gái ưng ý. Ngay tối đó, chàng trai có một cuộc gặp mặt ngay tại nhà cô gái, dù trước đó, cả 2 đều là những người xa lạ. Chuyện tưởng như đùa ấy lại là một lẽ rất đỗi bình thường đối với những nam thanh nữ tú người Mường tại huyện Cẩm Thủy – Thanh Hóa.
Nếu cướp vợ được coi là nét văn đặc sắc của người H’ Mông thì tục “tìm bạn” của người Mường tại Cẩm Thủy – Thanh Hóa cũng làm không ít người phải ngạc nhiên, không chỉ bởi những nét đẹp trong tục lệ này mà còn bởi sự bạo dạn, chủ động của những chàng trai Mường. Tuy nhiên, đến nay tục lệ này ít nhiều bị thay đổi, và mất dần đi những nét đẹp truyền thống.

Yêu nhau bằng câu hát

Anh về hỏi mẹ cùng cha, có cho em đến thăm nhà cùng chăng? – Em ơi vẫn cứ vô nhà, cha mẹ có nói thì đà có anh”,  “Trách anh ăn ở bạc tình, có gương anh để một mình mà soi – Em ơi đừng nói thế mà thương, bao giờ ta lấy gương soi cùng mình” (PV - đã được chuyển sang tiếng Việt). Đó là lời hát đối đáp thường thấy trong những buổi hẹn hò nơi núi rừng xứ Thanh của những nam nữ thanh niên Mường xưa.

Bà Trần Thị Xuyên bồi hồi nhớ lại những đêm hát giao duyên tìm bạn
Bà Trần Thị Xuyên bồi hồi nhớ lại những đêm hát giao duyên tìm bạn

Tối đến, trai gái tụ tập ở nhà một người con gái trong làng. Trai một bên, gái một bên, không nhìn nhau mà chỉ dùng câu hát Mường để đối đáp, giao lưu. Xưng tên tuổi, ngỏ lời đều phải qua câu hát”. Cụ Trần Thị Xuyên 76 tuổi bồi hồi nhớ lại những đêm “hò hẹn” của mình.

Hình thức hát giao duyên tìm bạn xưa nay không phải là hiếm, cũng không phải là đặc sản riêng của người Mường. Song, nếu hát giao duyên chỉ bắt gặp trong những dịp lễ, hội đầu xuân của người Kinh Bắc, người Dao… thì với người Mường, lối hát này đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong những lần đi tìm bạn, hay những buổi  hò hẹn hàng đêm. Địa điểm của những đêm hát giao duyên ấy không phải là nơi đình làng huyên náo, mà ngay tại nhà của các cô gái Mường – người mà đối với các chàng trai hoặc đã quen biết hoặc mới chỉ thoáng nhìn mặt một lần.

Những đêm hát như thế thường không có sự báo trước. Các chàng trai luôn là người chủ động tìm đến nhà người con gái mà họ thầm để mắt để bắt đầu một đêm hát giao duyên. Số lượng người tham gia cũng không bó buộc. Đông thì đến vài ba chục người, ít thì chỉ có một nam một nữ.

Mục đích của những đêm hát giao duyên như thế là tìm được những người bạn đời như ý. Song độ tuổi tham gia lại khá linh hoạt. Gặp nhau và yêu nhau bằng lời hát, bà Xuyên cùng chồng ước hẹn duyên phận từ năm 15 tuổi. Song phải đến năm cả hai 20 tuổi, khi đã đủ tuổi kết hôn theo luật định, hôn lễ của họ mới được tổ chức.

Bao giờ cho đến ngày xưa

Qua thời gian, những câu hát Mường dần bị quên lãng. Nét đẹp trong những đêm tìm bạn như thế cũng dần mất đi. Bà Ngọ Thị Loan (Cẩm Long – Cẩm Thủy)  bày tỏ sự nuối tiếc : “Đã ba bốn chục năm nay, không còn thấy những đêm hát như vậy nữa”.

Trai Mường, vẫn là sự chủ động đó, nhưng những đêm hát giao duyên xưa không còn. Những chàng trai nay thường “đơn thương độc mã” tìm đến nhà người con gái mà họ muốn quen để nói chuyện và tìm hiểu. Bởi thế, việc một chàng trai lạ mặt xuất hiện trước cổng nhà các cô gái Mường cũng trở nên rất đỗi bình thường.

Tối đến, các chàng trai Mường chủ động đến nhà cô gái tìm hiểu
Tối đến, các chàng trai Mường chủ động đến nhà cô gái tìm hiểu

Không còn những câu hát giao duyên, chàng trai và cô gái nói chuyện với nhau, trao đổi với nhau về tên tuổi, công việc, gia đình… Cuộc nói chuyện trong những buổi đầu tiên cũng chỉ dừng lại như thế, không lời lẽ tán tỉnh, không ngỏ ý yêu đương. Đơn giản chỉ là cuộc trò chuyện giữa những người bạn. Dù vậy, cả hai bên đều ngầm hiểu ý của đối phương. Tìm hiểu, thấy hợp thì kết thúc sẽ là một đám cưới viên mãn, bằng không thì cả hai có thêm một người bạn.

Khi được hỏi về điều này, anh Bùi Văn Khải chia sẻ : “Mình là con trai mà, phải chủ động chứ, không thể ngại được. Chỉ cần đi trên đường, gặp cô gái ưng ý là mình tìm đến nhà cô ấy để tìm hiểu, thấy hợp thì tiến tới, không thì cũng chẳng sao”. Không ít những mối duyên bắt đầu từ những cái nhìn thoáng qua như thế. Nói đến sự chủ động và bạo dạn này, có lẽ nhiều chàng trai Kinh khó có thể sánh bằng.

Tuy vậy, hình thức này đến nay đã mất dần đi những nét đẹp truyền thống. Không chỉ là mất đi hình thức hát giao duyên mà cùng với thời gian và sự thay đổi trong suy nghĩ mà một bộ phận trai Mường đã biến những buổi tìm bạn như thế thành những lần đi “tán gái” xuất phát từ sự thiếu chân thành trong mục đích. Đôi khi chỉ là xuất phát từ một lời thách đố, hay chỉ là đơn giản hơn chỉ là tìm chốn đi chơi.

Không ít những bậc phụ huynh bày tỏ sự ngán ngẩm khi một bộ phận các chàng trai vì ganh ghét, thấy người con trai khác vô nhà “nàng” của mình thì chờ ngoài cổng để ném đá. Nhiều vụ cãi vã, xô xát cũng xuất phát từ đây, gây không ít phiền phức cho chính gia đình cô gái mà họ thầm để ý.

Thiết nghĩ, phụ huynh và chính quyền địa phương cần có sự giáo dục và định hướng về tư tưởng và tình cảm cho giới trẻ, để tục tìm bạn luôn giữ được những nét đẹp và giá trị vốn có của nó.

Nguyễn Hường