Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật Giáo dục ĐH

30/06/2011 00:40
(GDVN)-Chính phủ vừa có tờ trình Số: 75/TTr-CP gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật Giáo dục đại học.

(GDVN) - Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật Giáo dục đại học.

{iarelatednews articleid='2096,442'}

Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Giáo dục đại học 01 kỳ họp, từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo dự án Luật Giáo dục đại học. Dự án Luật Giáo dục đại học đã được trình Chính phủ tại Phiên họp tháng 4/2011. Sau khi thảo luận về nội dung của dự thảo Luật, Chính phủ nhận thấy đây là dự án Luật phức tạp, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

Dự án Luật Giáo dục Đại học điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học như chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, đình chỉ hoạt động giáo dục, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, vấn đề tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học...
 

Luật Giáo dục đại học có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng
Luật Giáo dục đại học có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng

Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình đại học hai cấp để trên cơ sở đó xây dựng mô hình đào tạo đại học phù hợp với điều kiện của nước ta.

Trên thực tế, việc thành lập các đại học đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều ưu điểm như giúp các trường đại học có điều kiện tập trung nguồn lực, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trên cơ sở huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất sử dụng chung.

Về tổ chức, cần nghiên cứu để sắp xếp lại các đại học trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi giữa các trường thành viên để xác định chính sách ưu tiên của Nhà nước về đất đai, nguồn vốn đầu tư và những lợi ích chung khi trở thành một đại học thống nhất, được trao quyền tự chủ cao về học thuật, tài chính và nhân sự.

Trong các đại học, Hội đồng đại học là cơ quan có quyền ra quyết định tập thể về chiến lược phát triển của đại học; xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; giám sát các mặt hoạt động của đại học; quyết nghị quy hoạch, kế hoạch trước khi trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Tư Khương