(GDVN) – Ngay sau khi Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng tải bài viết về tuyên bố dự báo đúng động đất của “dị nhân đuổi mưa”, PGS.TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội KH&KT Địa Vật lý Việt Nam, lập tức đưa ra lời thách đố.
{iarelatednews articleid='5967,5960,5962,5961,5963'}
Các phương pháp dự báo đến nay đều thất bại
PGS.TS Triều cho biết: Thực chất thì có thể dự báo được động đất không? Rất nhiều phương pháp dự báo đã được đề cập đến trong nghiên cứu của nhiều nhà địa chấn trên thế giới trong nhiều thế kỷ qua. Đó là việc toan tính về khả năng đưa ra dự báo động đất theo kiểu dự báo thời tiết trên cơ sở dấu hiệu nguy hiểm động đất “earthquake weather’; tính toán “điều kiện chuẩn bị cho động đất của hành tinh”; và việc tìm kiếm “dấu hiệu nổi loạn của động đất”… Nhưng tất cả đều thất bại!
PGS.TS Cao Đình Triều (bên phải ảnh) đưa ra lời thách đố |
Bởi lẽ sự phá hủy nhỏ tiến tới phá hủy lớn trong một điều kiện cụ thể phụ thuộc vào vô số các yếu tố địa chất khác nhau và chẳng tuân theo một quy luật phổ biến toàn cầu và chặt chẽ nào cả.
“Dự báo động đất thực sự là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với các nhà nghiên cứu địa chấn trên thế giới. Một số nước như Liên bang Nga, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc rất chú trọng vấn đề nghiên cứu dự báo động đất. Song cho đến nay, hiệu quả của công tác này chưa được là bao và chúng ta chỉ hi vọng vào tương lai” – ông Triều nói.
Về luận điểm của “Dị nhân” Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng: Các đới nứt gãy trên vỏ địa cầu không phải yếu tố quyết định thời gian, cường độ và địa điểm động đất, mà “chính sự tương tác ngoài vũ trụ. Đó chính là sự vận động của những hành tinh và các ngôi sao chung quanh hệ Mặt trời”, PGS.TS Cao Đình Triều lại có kiến giải khác.
Ông Triều cho biết: “Không phải bây giờ mà từ những năm 1950 –1960, nhiều nhà nghiên cứu địa chấn đã tìm hiểu nguyên nhân từ bên ngoài như xem quỹ đạo vận động của trái đất xoay quanh Mặt trời, thậm chí cả mặt trăng, nhưng chưa chứng minh được nó có quy luật gì ảnh hưởng tới các tai biến của tự nhiên, nói chính xác là tai biến động đất.
Và sau đó khoa học đã chứng minh: Nguyên nhân động đất không phải từ vũ trụ đi vào mà là do hoạt động bên trong của Trái Đất. Động đất được gây nên bởi chùm tia sóng địa chấn lan tỏa từ một vùng nào đó do quá trình giải tỏa nhanh năng lượng đàn hồi tạo nên. Nói cách khác: Động đất là sự giải phóng nhanh của năng lượng đàn hồi được tích lũy tại một điểm nào đó bên trong trái đất, gây nên sóng địa chấn và tác động lên bề mặt làm phá hủy các công trình, sự biến dạng bề mặt cũng như gây chết chóc cho con người”.
“Không thể dự báo được động đất trong ngắn hạn”
PGS.TS Triều khẳng định chắc nịch: “không thể đoán nổi” động đất trong ngắn hạn một cách chính xác.
Cho tới thời điểm này, việc dự báo chính xác được động đất và yêu cầu dân di tản thành công như trường hợp hiếm thấy ở Liêu Ninh (Liaoning) năm 1975 của Trung Quốc vẫn là một hình mẫu, là ước mơ của các nhà khoa học.
Bắt đầu từ năm 1960, những cố gắng về dự báo động đất được phát triển mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu địa chấn, đặc biệt là ở Nhật Bản, Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ.
Mục đích của các nhà khoa học là tối thiểu đạt được độ tin cậy của dự báo động đất như dự báo thời tiết vậy.
Một số nhà địa chấn đã không chắc chắn rằng có thể dự báo được động đất. Họ chỉ đề cập tới vấn đề dự báo cường độ chấn động của động đất, và hướng lựa chọn ưu tiên trong nghiên cứu là việc tính toán mức độ nguy hiểm của động đất ở các khu vực xây dựng công trình quan trọng như đập thủy điện, các công trình thế kỷ, bệnh viện…
Ở Nhật Bản, việc phân tích thống kê động đất nghiên cứu dự báo tức thì đã được đề cập. Hy vọng về nghiên cứu dự báo động đất đã ăn sâu vào tâm niệm của các nhà địa chấn và họ đã tiến hành từ năm 1962 nhưng cũng chỉ toàn thất bại.
Thậm chí động đất Kobe năm 1955 các nhà khoa học còn không nghĩ nó có thể xảy ra. Tuy vậy, chương trình nghiên cứu đó đã lôi kéo hàng ngàn nhà địa chấn, địa vật lý và địa chất đóng góp tư tưởng nghiên cứu của mình.
Từ những năm 1960, ở Nhật Bản tiến hành những kiến cứu đặc biệt về chu kỳ của động đất lịch sử khu vực Tokyo và lân cận kết hợp với việc đo biến dạng và quan trắc tính địa chấn.
Nhưng việc nghiên cứu dự báo ngắn hạn động đất ở Nhật cũng mới chỉ được gọi dưới cái tên tìm hiểu các nguyên nhân gây ra động đất, chứ chưa ai dám dự báo động đất trong một thời gian ngắn.
Người ta cũng tìm hiểu điều kiện khí hậu, hoạt động núi lửa, lực hấp dẫn từ Mặt trời, mặt trăng và các hành tinh khác có liên quan thế nào đến động đất. Nhiều danh mục về động đất, kể cả của California cũng đã được nghiên cứu đối sánh ảnh hưởng của các điều kiện này nhưng đều không có kết quả.
Ví dụ, vào năm 1974 đã nghiên cứu về quan hệ giữa lực hấp dẫn của các hành tinh với động đất và cho rằng khoảng 179 năm sau khi các hành tinh gần như nằm trên một đường thẳng, lực hấp dẫn tăng lên sẽ gây nên sự tăng vọt tính địa chấn ở California. Hiện tượng này theo dự báo là sẽ xảy ra vào năm 1982 song chẳng có động đất mạnh nào xảy ra ở California cả.
Cũng có quan điểm cho ràng: Có thể dự báo động đất trên cơ sở tính chất hoạt động của Mặt trăng và các hoạt động hóa học. Tuy vậy, cho đến ngày nay chưa có một dạng công thức chính xác nào để dự báo động đất ngắn hạn.
Chẳng cần dự báo tương lai, hãy đoán quá khứ đi!
PGS.TS Triều thách đố: “Nếu ông Tuấn Anh cho rằng: Nghiên cứu về Phong thủy, Kinh dịch dự báo được chính xác hơn động đất thì ông hãy chứng minh đi” – “Chúng ta chưa cần dự báo được tương lai, mà hãy nói về một loạt trận động đất đã xảy ra trong quá khứ, xem “dị nhân đuổi mưa” này dự báo được điều gì?
Ví dụ, tôi lấy đề bài là trận động đất ở tỉnh Sumatra, Indonesia gần cuối năm 2010 vừa qua, xem ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh có biết được trong ngày đó, ở các vùng lân cận như Đông Nam Á chịu những ảnh hưởng gì, Việt Nam ảnh hưởng thế nào? điều này không có chuyên môn, không có máy móc thiết bị đo đạc, không thể biết nổi!.
“Nếu ông khẳng định dự đoán được tương lai thì trước hết ông phải chứng minh được những cái thuộc về quá khứ, ông phải dự báo được quá khứ, nếu ông không dự đoán được ngay cả quá khứ thì chắc chắn ông sai” – ông Triều khẳng định.
Về chuyện “Dị nhân” cho rằng Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương đã “có đề nghị hợp tác với các cơ quan khoa học để phối hợp nghiên cứu, nhưng chẳng có ai hồi âm", PGS.TS Triều khẳng định: Chưa nhận được lời đề nghị nào từ phía ông Tuấn Anh. “Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về việc này. Ông ấy đề nghị với ai trong khi cơ quan nghiên cứu động đất duy nhất ở Việt Nam chưa bao giờ tiếp xúc với ông ấy”.
Vì sao các nhà khoa học đều sợ dự báo động đất?
Theo PGS.TS Cao Đình Triều: Bản thân nhiều nhà khoa học cũng rất sợ đưa ra dự báo động đất. Bởi lẽ nếu dự báo sai thì hậu quả của dự báo sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, nếu có thông tin tháng tới ở Hà Nội xảy ra động đất thì sẽ gây hoang mang cho hàng triệu người. Thậm chí nhiều ngàn sống trong thành phố sẽ chạy toán loạn rời khỏi Hà Nội phòng thân.
Ở phương Tây cũng có một số trận động đất có thể đã dự báo được một cách khá chính xác nhưng cũng không phải trong thời gian rất ngắn. Ví dụ như động đất ở California đã dự báo trước đó 2 năm.
|
LTS: Chúng tôi sẽ còn chuyển đến Quý độc giả rất nhiều thông tin hết sức lý thú xung quanh chuyện “Dị nhân đuổi mưa” trở thành “Dị nhân dự báo động đất” này. Mời các bạn tiếp tục quay trở lại www.giaoduc.net.vn.
Phương Hạ