Hải giám, ngư chính trong chính sách "Cây gậy nhỏ" của TQ ở Biển Đông

16/05/2012 17:58
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(GDVN) - Bắc Kinh đã chuyển sang chính sách ngoại giao "cây gậy nhỏ" để giải quyết xung đột bằng cách sử dụng các tàu tuần tra bán quân sự như ngư chính, hải giám để kiểm soát Biển Đông.
Trong một tháng bế tắc kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh đã không gửi các tàu chiến mạnh mẽ và hiện đại của mình tới bãi cạn Scarborough để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình mà thay vào đó là hàng chục tàu tuần tra bán quân sự.

Chính sách "cây gậy nhỏ" của Bắc Kinh


Tàu tuần tra bán quân sự Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh Reuters
Tàu tuần tra bán quân sự Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh Reuters

Theo các chuyên gia Hải quân, mục đích của hành động trên của Bắc Kinh chính là để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột quân sự và lãnh nhận bất kỳ phản ứng dữ dội nào từ phía các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trong khu vực.
Sau khi các quốc gia Đông Nam Á ngày càng quyết liệt hơn trong vấn đề bảo vệ lãnh hải của mình trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố 3/4 vùng biển này thuộc lãnh thổ của mình, Bắc Kinh đã chuyển sang chính sách ngoại giao "cây gậy nhỏ" để giải quyết xung đột bằng cách sử dụng các tàu tuần tra không có vũ khí hoặc tàu bán quân sự như ngư chính để kiểm soát Biển Đông.
Shen Dingli, một chuyên gia an ninh tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết vai trò của các tàu ngư chính là để chứng minh "quyền lực mềm" và tránh để lại ấn tượng rằng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trên Biển Đông.
"Vì nó trông có vẻ hòa bình và đạo đức hơn" - ông này nói.
Tuy nhiên, Bắc Kinh, mặt khác lại tỏ ra rằng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh hải tại bãi cạn Scarborough với Philippines bắt đầu bùng nổ từ đầu tháng trước.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuần trước đã lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng quân đội nước này đã sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông, nhưng tờ nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân của nước này lại đăng tải bài viết cảnh báo Philippines rằng nước này đã mắc phải "sai lầm nghiêm trọng" trong việc cố duy trì tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.

"Chúng tôi muốn nói rằng chính phủ, người dân và quân đội Trung Quốc không cho phép bất cứ ai cố gắng tước đoạt chủ quyền (vô căn cứ -PV) của Trung Quốc đối với đảo Hoàng Nham (Scarborough)" - Reuters dẫn bài viết trên tờ nhật báo Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết.

Một nhóm các nhà nghiên cứu và quân sự Philippines tới bãi cạn Scarborough. Ảnh Reuters
Một nhóm các nhà nghiên cứu và quân sự Philippines tới bãi cạn Scarborough. Ảnh Reuters
Mặc dù các tàu chiến của Hải quân của Trung Quốc vẫn đang nằm cách xa khu vực tranh chấp, nhưng theo các chuyên gia bảo mật,  họ vẫn giữ hỏa lực của mình trong tư thế sẵn sàng ở phía sau, trong khi vẫn dùng các tàu bán quân sự phát đi những thông điệp cứng rắn.

"Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi sử dụng các tàu bán quân sự để khẳng định tuyên bố chủ quyền bởi chúng ít xác suất làm leo thang bạo lực vũ trang hơn" - ông Christian Le Miere, một nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở London, nhận định.
Hơn ai hết, Manila hiểu rõ nếu xảy ra một cuộc chiến, quân đội nước này  sẽ bị áp đảo bởi lực lượng hải quân mạnh mẽ của Trung Quốc với các hạm đội tàu chiến, tàu ngầm và máy bay tấn công tầm xa mạnh mẽ và hiện đại nhất châu Á. 
Do đó, Manila đã kêu gọi Toà án quốc tế về Luật biển của Liên Hiệp Quốc đứng ra phán quyết về vụ tranh chấp ở vùng biển chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên này. 
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã đẩy Philippines tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ - một đối thủ mà Trung Quốc không muốn hiện diện quá nhiều và rộng rãi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, lập trường cứng rắn của Bắc Kinh cũng đã khiến các quốc gia Đông Nam Á cùng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Các quốc gia châu Á khác cũng đã được mở rộng hạm đội bán quân sự của họ trong những năm gần đây, đặc biệt là Nhật Bản để bảo vệ lãnh hải của mình trong các tranh chấp với Bắc Kinh. 

Sự phối hợp rời rạc 

Người dân Philippines tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc trong tranh chấp bãi cạn Scarborough tại Manila. Ảnh Reuters
Người dân Philippines tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc trong tranh chấp bãi cạn Scarborough tại Manila. Ảnh Reuters

Chính các chuyên gia hàng hải Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh dành sự chú ý nhiều hơn để phân định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính cho việc thực thi pháp luật và duy trì trật tự trên vùng biển của mình.
Được biết, hiện có nhiều cơ quan khác nhau của Trung Quốc cùng có khả năng triển khai các tàu tuần tra tới Biển Đông và các vùng biển khác như Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải, Cảnh sát biển của Bộ kiểm soát biên giới, cục thực thi luật thủy sản, Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Hải dương học quốc gia...
Các cơ quan khác, nhỏ hơn như chính quyền cấp tỉnh và cảnh sát, hải quan địa phương cũng gửi tàu tuần tra và tàu giám sát ra biển trong tình huống cần thiết.
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)