Biển Đông: “Philippines cần mua thêm 48 máy bay F-16 và 6 tàu ngầm”

17/05/2012 07:59
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Philippines đang cần gấp xây dựng hải, không quân để đối phó trên biển Đông, điều này phù hợp với nhu cầu chiến lược của Mỹ.
Tàu tuần tra lớp Hamilton.
Tàu tuần tra lớp Hamilton.

Cuối tháng này, Philippines sẽ chính thức được bàn giao tàu tuần tra lớp Hamilton cũ thứ hai, đi trước gần nửa năm so với kế hoạch ban đầu.

Từ khi xảy ra tranh chấp bãi cạn Scarborough trước đây 1 tháng, Philippines bằng các kênh khác nhau đã phát đi tín hiệu cho nhiều nước: nước này sẽ đẩy nhanh xây dựng lực lượng quân sự hải, lục, không quân trong thời gian rất ngắn, mở rộng mức độ hợp tác với các cường quốc quân sự khu vực và trên thế giới, nhằm nắm được nhiều hơn “thẻ bài” trong tranh chấp biển Đông tương lai.

Cuối tháng 5, Philippines nhận tàu tuần tra Hamilton thứ hai

Tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Pama vừa tiết lộ, tàu tuần tra lớp Hamilton cũ mua của Mỹ sẽ chính thức được bàn giao vào ngày 22 hoặc 23 tháng này. Lễ bàn giao sẽ được tổ chức tại cảng chính Charleston, bang South Carolina của Mỹ.

Theo Pama, tàu tuần tra này trước tiên sẽ được tu sửa ở Mỹ, lắp ráp trang bị theo mong muốn của Philippines. Trong thời gian này, binh sĩ Philippines sẽ đến Mỹ đào tạo, “dự kiến tháng 11 lên đường trở về Philippines, tháng 12 chính thức đi vào hoạt động tại Philippines”.

Tàu tuần tra lớp Hamilton là tàu tuần tra lớn nhất của của Lực lượng Cảnh sát bờ biển Mỹ. Chiếc bán cho Philippines lần này vốn là tàu Dallas của Cảnh sát bờ biển Mỹ, bắt đầu hoạt động năm 1967, tháng 3/2012 chính thức nghỉ hưu, sau đó bán cho Philippines với giá 10 triệu USD.

Ngày 6/5, khi tham dự hoạt động kỷ niệm tròn 70 năm đảo Corregidor ở vịnh Manila bị quân Nhật đánh chiếm, Tổng thống Philippines Aquino tiết lộ, sau khi được bàn giao, tàu tuần tra này sẽ được đặt tên là tàu Raymond Al Caraz.

Tàu tuần tra Gregorio del Pilar lớp Hamilton của Hải quân Philippines, mua của Mỹ.
Tàu tuần tra Gregorio del Pilar lớp Hamilton của Hải quân Philippines, mua của Mỹ.

Năm 2011, Mỹ từng bán cho Philippines một tàu tuần tra lớp Hamilton nghỉ hưu, sau khi đổi tên là Gregorio del Pilar đã trở thành tàu chiến có trọng tải lớn nhất, “tiên tiến nhất” của Hải quân Philippines, đồng thời được điều đến tuần tra ở biển Đông.

Trước khi bán tàu Gregorio del Pilar cho Philippines, Mỹ đã tháo bỏ các thiết bị chính như radar, Quân đội Philippines đã đề nghị Mỹ không nên tháo những thiết bị trên tàu khi bàn giao tàu tuần tra thứ hai.

Tư lệnh Hải quân Philippines Pama từ chối tiết lộ chiếc tàu tuần tra thứ hai này sẽ triển khai ở đâu, nhưng nhấn mạnh sẽ đưa ra quyết định theo nhu cầu.

Có chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, tàu mới rất có thể triển khai ở căn cứ hải quân Heraclio Alano. Đó là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh hạm đội Hải quân Philippines, cách Thủ đô Manila 35 km về phía tây nam, trấn giữ vịnh Manila.

Một khi nhận lệnh sẽ tiến xuống phía nam tới vùng biển bãi cạn Scarborough, tàu này không cần hành trình quá dài là đến nơi.

Xin viện trợ, đẩy nhanh xây dựng hải, không quân

Trong 1 tháng tranh chấp bãi cạn Scarborough vừa qua, cấp cao Quân đội Philippines tận dụng cơ hội “tranh chấp đảo”, mạnh mẽ tuyên bố muốn đẩy nhanh xây dựng trang bị cho lực lượng hải, không quân.

Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo.
Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo.

Ngày 11/5, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Del Rosario cho biết, Trung Quốc và Philippines tái triển khai đối thoại ngoại giao về sự kiện Scarborough.

Ông nói, mặc dù hy vọng đối thoại có thể đạt kết quả, nhưng Philippines cho rằng, đối thoại ngoại giao nhiều nhất cũng chỉ đạt được một “thỏa thuận tạm thời”, hoàn toàn không thể làm cho tranh chấp được giải quyết triệt để. Philippines chắc chắn sẽ tìm kiếm “giải pháp toàn diện”.

Del Rosario không nói rõ về hàm ý cụ thể của “giải pháp toàn diện”, nhưng ngày 3/5 ông nói với hãng AFP rằng, Philippines cần mua gấp vũ khí trang bị mới “để đảm bảo cho Philippines có sức mạnh phòng thủ đáng tin cậy ở mức độ tối thiểu”.

Ngày 11/5, khi gặp gỡ với các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các chuyên gia Think Tank Mỹ, Del Rosario cho biết: “Chúng tôi phải biết xung quanh mình đã xảy ra cái gì, và sức mạnh trên biển rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi nhất định phải có khả năng ngăn chặn sự xâm lược của thế lực bên ngoài đối với lãnh hải của chúng tôi.

Vì vậy, chúng tôi cần vũ khí trang bị mới. Chúng tôi đã gửi phía Mỹ danh sách vũ khí trang bị cần thiết, gồm có tàu tuần tra, máy bay tuần tra trên biển, hệ thống radar và trạm quan sát bờ biển…”.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ còn xin sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế khác… Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia có thể giúp đỡ chúng tôi tăng cường xây dựng hải, không quân. Chẳng hạn, máy bay chiến đấu chủ lực trước đây của Philippines chính là do Hàn Quốc hỗ trợ không hoàn lại”.

Hải, không quân quá lạc hậu, không chịu nổi một cuộc chiến

Đối với việc Philippines gần đây liên tiếp bổ sung vũ khí trang bị, người phụ trách “Tổ chức An ninh Toàn cầu” Mỹ John Parker phân tích: “Việc xây dựng vũ khí trang bị của hải, không quân Philippines cần được bổ sung gấp. Điều này không có liên quan đến tranh chấp bãi cạn Scarborough”.

Trung Quốc mới nhận thêm 4 chiếc máy bay trực thăng vũ trang Sokol.
Trung Quốc mới nhận thêm 4 chiếc máy bay trực thăng vũ trang Sokol.

John Parker nói: “Lấy hải quân làm ví dụ, trong số 83 tàu chiến hiện có của Philippines, hầu hết đều là tàu cũ (second hand), hơn nữa phần nhiều là tàu nghỉ hưu của Mỹ, Anh hoặc các nước châu Á khác sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, có một số cơ bản không có khả năng ra khơi”.

Một nguồn tin từ “Tổ chức An ninh Toàn cầu” cho biết, 2 tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Rizal của Hải quân Philippines thực ra là tàu quét mìn nghỉ hưu của Mỹ, 3 tàu tuần tra lớp Emilio Jacinto là tàu nghỉ hưu lớp Peacock của Hải quân Hoàng gia Anh, 12 tàu được Hàn Quốc viện trợ, 11 tàu đổ bộ LCM (6) là tàu nghỉ hưu của Mỹ. Trong số các tàu hỗ trợ, 1 tàu là du thuyền nghỉ hưu của Singapore, 1 tàu sửa chữa lại của Mỹ, 1 tàu hỗ trợ lớp FS330 là tàu chở hàng nghỉ hưu của Lục quân Mỹ được tân trang.

Philippines có một Liên đội hàng không nhỏ của hải quân, trang bị 8 máy bay tuần tra trên biển “BN2 Defender” do Anh chế tạo. Điều mà ít người biết đến là, loại máy bay này có “khả năng chống tàu ngầm hạn chế”, trong khi đó bên ngoài phổ biến cho rằng Philippines cơ bản không có lực lượng chống tàu ngầm.

Theo tư liệu mới nhất của “Tổ chức An ninh Toàn cầu”, lực lượng Không quân Philippines có 16.500 quân, dự bị 16.000 quân, biên chế 1 phi đội máy bay chiến đấu, 3 phi đội máy bay trực thăng vũ trang, 3 phi đội máy bay vận tải, 2 phi đội máy bay trực thăng và 4 phi đội máy bay huấn luyện.

Nhìn vào con số, Philippines có 47 máy bay tác chiến, khoảng 97 máy bay trực thăng vũ trang. Nhưng, tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngay từ tháng 11/2008 đã từng cho biết, máy bay chiến đấu chủ lực của Philippines đã nghỉ hưu toàn bộ, trước năm 2011 cơ bản không có tiền mua máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Bổ sung nhanh chóng, mua gấp nhiều loại vũ khí của Mỹ

Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không tiết lộ chi tiết mua vũ khí của Philippines, nhưng các cơ quan nghiên cứu Mỹ và báo chí Philippines đã tiết lộ không ít chi tiết.

Ngày 5/5, tờ “Philippines Star” cho biết, “Trung tâm An ninh Mỹ” thay Philippines đánh giá, từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bỏ ra 395 triệu USD để xây dựng hiện đại hóa Quân đội Philippines, trong khi đó trong 15 năm trước đây chi phí đầu tư mỗi năm chỉ là 51 triệu USD.

“Kế hoạch hiện đại hóa Quân đội 6 năm” của Benigno Aquino sẽ tiêu tốn 1 tỷ USD, muốn mua hàng trăm trang bị quốc phòng trong đó có máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo với “số lượng nhất định”, 6-12 máy bay tấn công đối đất siêu âm T/A-50 do Hàn Quốc chế tạo hoặc T-346 do Italia chế tạo.

Máy bay tấn công huấn luyện T-50 Hàn Quốc.
Máy bay tấn công huấn luyện T-50 Hàn Quốc.

“Trung tâm An ninh Mỹ mới” đưa ra “kiến nghị chuẩn” cho việc xây dựng Quân đội Philippines là: trang bị 4 phi đội 48 máy bay chiến đấu F-16 phiên bản nâng cấp do hãng Lockheed Martin Mỹ sản xuất, 4-6 tàu ngầm cỡ nhỏ do Nga chế tạo, tàu hộ tống và tàu tuần tra bờ biển có vũ khí trang bị mạnh hơn. Các nguồn tin từ Philippines xác nhận: “Chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ được trang bị vào năm 2020”.

Ngày 5/5, tờ “Philippines Star” cho biết, việc đàm phán mua của Mỹ chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton thứ ba đã chính thức bắt đầu, trong khi đó một kế hoạch mua vũ khí mới mà trước đây rơi vào trạng thái đình trệ, nay đã lặng lẽ tái khởi động, đó là mua 2 tàu đổ bộ đa dụng có lượng choán nước từ 5.000-10.000 tấn.

Được biết, loại tàu đổ bộ này có thể hỗ trợ Lính thủy đánh bộ Philippines đến các hòn đảo ở biển Đông tác chiến hoặc tiến hành cứu trợ nhân đạo.

Các chuyên gia của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và An ninh Quốc tế Mỹ còn khuyến khích Philippines mua tên lửa hành trình chống hạm bờ biển, như tên lửa AMG-84 Harpoon của hãng Boeing, Mỹ (tầm phóng khoảng 120 km, cũng có thể triển khai trên tàu hộ tống và máy bay chiến đấu F-16).

Philippines muốn tập trung xây dựng hệ thống tình báo nhằm vào biển Đông

Theo hãng tin GMA Philippines, tranh chấp bãi cạn Scarborough thúc đẩy Mỹ đồng ý hỗ trợ tình báo trinh sát vệ tinh cho Philippines.

Ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố xác nhận vấn đề này: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đồng ý tăng cường chia sẻ tin tức tình báo kịp thời giữa Mỹ và Philippines, từ đó giúp Philippines có khả năng tình báo nắm chắc được tình hình lãnh hải và lãnh thổ của mình trong 24/24 giờ”.

Tháng 4/2012, quân đội Mỹ và Philippinese tập trận chung trên biển Đông.
Tháng 4/2012, quân đội Mỹ và Philippinese tập trận chung trên biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines còn tiết lộ, Mỹ sẽ tập trung cung cấp tin tức tình báo kịp thời về việc “xâm lược lãnh hải” nhằm ngăn chặn “tái diễn việc xâm phạm biển Tây Philippines (hay biển Đông)”.

Philippines còn đề nghị Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho họ, nâng mức viện trợ 15 triệu USD hàng năm hiện nay lên 30 triệu USD.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Mỹ đồng ý thông qua viện trợ vốn khác để tăng cường hỗ trợ cho Philippines”.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Mỹ tuyên bố giữ “trung lập” trong tranh chấp bãi cạn Scarborough, nhưng tăng cường hợp tác quân sự toàn diện với Mỹ đã được Philippines coi là điều “quan trọng trong quan trọng” để xung quanh một “quân đội mạnh”, trong khi đó việc Philippines đẩy nhanh xây dựng quân đội cũng phù hợp với nhu cầu chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ.

Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)