Dạy và học ngoại ngữ: Còn nhiều bất cập

29/05/2012 16:33
Tạ Thủy (Lớp Báo in K31a1, HVBC&TT)
(GDVN) - Có một thực tế đáng buồn là sau khi học ngoại ngữ, học sinh không thể giao tiếp, có chăng khả năng giao tiếp cũng rất kém.
Nhiều bất cập trong dạy và học ngoại ngữ Học tiếng nước ngoài, cần nhất là giao tiếp được bằng lời nói. Thực trạng ở các trường học hiện nay, học sinh và giáo viên chỉ chú trọng đến ngữ pháp, việc rèn luyện các kĩ năng khác hầu như bị bỏ ngỏ. Trong giờ học, học sinh đa phần được cung cấp kiến thức về văn phạm, những kiến thức khác chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong chương trình dạy ngoại ngữ ở nông thôn hiện nay, hình ảnh về cái đài casset vẫn là mơ ước xa vời. Một tiết học thường chỉ quẩn quanh với: chép từ mới, học cấu trúc câu, đọc hiểu văn bản rồi lại chép từ mới. Cái vòng luẩn quẩn này cứ diễn ra từ thế hệ giáo viên này đến thế hệ giáo viên khác, hết thế hệ học sinh này lại đến thế hệ học sinh khác. Không nghe, không nói và… rất ít giao tiếp - công thức chung của các tiết học ngoại ngữ ở nông thôn.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
 Nói một cách ví von, việc học ngoại ngữ cũng giống như một đứa trẻ học chữ: ngay từ khi sinh ra, trẻ được nghe nói từ ông bà, cha mẹ; lớn lên, trẻ được nói; khi đi học trẻ mới làm quen với việc đọc, viết. Phải chăng chúng ta đi theo “chu trình ngược”? Theo chương trình biên soạn của sách giáo khoa, một bài học ngoại ngữ bao gồm 4 kĩ năng độc lập: nghe, nói, đọc, viết. Giáo trình là vậy nhưng lại chẳng mấy giáo viên, học sinh đáp ứng theo quy trình đã được biên soạn. Lý thuyết cuối cùng cũng chỉ nằm trên lý thuyết!Vẫn còn tình trạng “học chay” Không thể phủ nhận rằng thiếu phương tiện, kĩ thuật dạy học là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng “học lệch” trong môn ngoại ngữ ở nước ta. Ở nhiều trường học, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn nghèo nàn, lạc hậu. Khi được hỏi đến radio, đài casset nhiều  học sinh lắc đầu không biết. Không chỉ diễn ra ở các trường học nông thôn, “học chay” còn là thực trạng chung của nhiều trường học thị trấn. Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, do áp lực của việc thi cử nên giáo viên, học sinh thường có tư tưởng: dạy để thi và học để thi. Môn ngoại ngữ được dạy như một môn kiến thức chứ không phải là môn học kĩ năng, quá  trình dạy và học chủ yếu là để phục vụ cho các kì thi (các bài kiểm tra, thi học kì, thi tốt nghiệp thường tập trung vào đọc hiểu, viết câu, ngữ pháp) nên học sinh không có nhu cầu học kĩ năng nghe, nói. Vẫn biết đây là lối học đối phó, thiếu căn bản nhưng vẫn phải “lo cái trước mắt”. Một nguyên nhân nữa khiến việc học ngoại ngữ không đạt được kết quả như mong muốn là phương pháp dạy còn nhiều bất cập: dạy từ vựng quá nhiều khiến học sinh khó tiếp thu dẫn đến tình trạng viết thụ động, kĩ năng nghe nói hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ còn hạn chế: giáo viên đọc chưa chuẩn, khả năng giao tiếp kém... Tại hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ 2012 trong các trường đại học giai đoạn 2011- 2020, thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: qua 2 năm thực hiện đề án, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc Phổ thông còn yếu, chỉ khoảng 10% đạt chỉ tiêu. Môt con số đáng buồn cho ngành giáo dục!Đổi mới phương pháp dạy và học Biện pháp trước mắt là đầu tư phương tiện dạy học, thiết bị nghe, nói cho giáo viên và học sinh. Đây không phải bài toán khó nhưng rõ ràng vẫn chưa được giải quyết một cách kịp thời. Đổi mới tư tưởng, đổi mới phương pháp dạy và học là vấn đề then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở nước ta hiện nay. Cần loại bỏ tư tưởng học đối phó, học cốt để thi, để có tấm bằng. Giáo viên cần lấy người học làm trung tâm, tạo không khí sôi nổi, khuyến khích học sinh giao tiếp  ngay trên lớp... Bộ Giáo dục cũng cần vào cuộc nhằm đưa ngoại ngữ trở thành môn học kĩ năng thực thụ: giảm thiểu chương trình ngữ pháp; tăng cường thời lượng nghe, nói; đưa nghe, nói vào chương trình thi tốt nghiệp, thi đại học. Bộ cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo viên ngoại ngữ tạo tiền đề cho việc học có hiệu quả cao. Vẫn biết, đây không phải vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Với sự ý thức của học sinh, giáo viên cùng sự vào cuộc của nhà trường, các bộ, ban, ngành giáo dục, hi vọng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ nhìn thấy một Việt Nam xứng tầm quốc tế!

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn

Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY

Tạ Thủy (Lớp Báo in K31a1, HVBC&TT)