Clip quảng cáo mì Gấu đỏ: Gấu đỏ đang “vay mượn” những giọt nước mắt

22/05/2012 07:37
Hoàng Lực
(GDVN) - Đó là nhận xét đầu tiên của PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện KH&XH Việt Nam) khi xem nội dung trong clip quảng cáo của nhãn hàng mì Gấu đỏ

Đoạn clip quảng cáo Gấu đỏ - gắn kết yêu thương (của Công Ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Á Châu) được quảng cáo trên truyền hình VTV và được đăng tải rộng rãi trên mạng Internet đang trở thành tâm điểm trên những diễn đàn mạng xã hội. Với nhiều ý kiến trái chiều, những tranh luận xung quanh vấn đề đạo lý, nhân văn trong truyền thông đại chúng được độc giả chia sẻ.

Chiêu quảng cáo của mỳ Gấu đỏ đang tạo ra dư luận xã hội nhiều chiều
Chiêu quảng cáo của mỳ Gấu đỏ đang tạo ra dư luận xã hội nhiều chiều

Có thể nhận thấy một xu hướng kinh doanh gắn liền với công tác xã hội đã và đang phát triển nhanh chóng ở nước ta. Việc kết hợp kinh doanh với những việc làm hữu ích cho cộng đồng đang là một hướng đi mới cho nhiều doanh nghiệp. Ở đó doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là những nhà hoạt động kinh doanh, PR sản phẩm nhằm tăng doanh số bán hàng thu lợi. Đôi lúc nhờ những chiêu quảng bá, những mối quan hệ, nhiều đơn vị kinh doanh này được tôn lên như “vị thánh” sống.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đánh giá vấn đề dưới góc nhìn của một nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện xã hội học - Viện khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ thẳng thắn ý kiến phản đối việc quảng cáo, hô hào lòng trắc ẩn của người mua hàng đề làm quảng cáo bán hàng qua clip quảng cáo Gấu đỏ-gắn kết yêu thương. Nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện đan xen ẩn sâu trong đoạn clip của nhãn hàng Gấu đỏ đáng để xã hội nhìn nhận.

Từ cách nhìn đó theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ: câu chuyện ở đây cần bàn đến trước tiên, cái bề nổi của clip quảng cáo này là thực sự hấp dẫn và xúc động với mọi người. Câu chuyện từ một cậu bé Tuấn có hoàn cảnh éo le, dù xuất viện nhưng không phải là vui vì em không có tiền điều trị…Tiếp đó là thông điệp mua mỳ Gấu đỏ để giúp những người như Tuấn… “Trong công nghệ Marketting thì đó là sự thành công về mặt hình thức” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận xét.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình "Họ đã ngồi xổm kiếm lợi trên những thân phận bất hạnh"
PGS.TS Trịnh Hòa Bình "Họ đã ngồi xổm kiếm lợi trên những thân phận bất hạnh"

Tuy nhiên về đạo lý nhân văn thì đoạn clip này là một sự hư cấu một câu chuyện đánh vào lòng trắc ẩn của người xem để hô hào bán hàng. Câu chuyện hư cấu là ở chỗ Gấu đỏ đã xây dựng một kịch bản đầy tính nhân văn. Thuê một ê-kip diễn viên khá chuyên nghiệp để truyền tải thông điệp giúp đỡ trẻ em khó khăn. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “clip này là câu chuyện như trong phim, đơn vị Truyền thông sáng tác một câu chuyện tác động đến lòng trắc ẩn cảu xã hội để thúc đẩy bán hàng, nhấm nháp trên nỗi đau của các em bé bị bệnh hiểm nghèo”.

Từ cách xây dựng câu chuyện một cách hư cấu nhằm hô hào bán hàng đó theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình so sánh: “Xây dựng một câu chuyện như vậy không khác nào việc làm thơ mà ông mượn xúc cảm người khác, viết ký sự bằng cách nhìn ảnh để miêu tả.”.

Ở đây theo PGS.TS Bình thì bản thân clip quảng cáo mì Gấu đỏ lạnh lùng không chút xúc cảm họ chỉ làm được điều đáng khen là khơi dậy lòng trắc ẩn của cộng đồng giúp đỡ những em nhỏ không may mắn. “Như thế Gấu đỏ chỉ mượn lòng trắc ẩn, mượn sự cảm thương của xã hội, như diễn viên sắm vai nhân vật để cảm nhận mà thôi” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Thực tế hiện nay việc cấp phép cho hoạt động truyền thông, cấp phép duyệt phát sóng những ý tưởng, hình ảnh truyền thông nước ta hiện nay đang đặt ra vấn đề bất cập. Không phải đến bây giờ người dân mới đề cập vấn đề đạo lý, nhân văn, văn hóa trong hoạt động truyền thông.

Trước đây những vấn đề phản cảm, thiếu tế nhị của không ít clip quảng cáo đã bị cả xã hội lên án chỉ trích. Nhưng sự  kiện clip mỳ Gấu đỏ diễn ra khiến dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi vai trò của những cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này ở đâu?

Cùng chung với những ý kiến trên theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình thì cần xem xét lại những người đã đồng ý cho Gấu đỏ phát sóng clip quảng cáo này. Cho dù clip này không sai luật, việc chọn diễn viên quảng cáo, hình ảnh…không phải là vấn đề chính.

Nhưng phía sau clip làm nên câu chuyện đạo lý thường ngày: “cho không bằng cách cho”. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cách nhìn nhận với nội dung “cho bao nhiêu cũng quý” là tư duy của những người đang ở thế cùng, đang mong chờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Trên phương diện nhà quản lý xã hội, PGS.TS Bình cho rằng: không thể nghĩ vậy, không thể chỉ nghĩ đến chuyện không sai luật mà cần phải nghĩ nhiều hơn đến đạo lý.

Clip quảng cáo của mỳ Gấu đỏ không sai về luật nhưng thiếu đi đạo lý, thiếu đi nhân văn
Clip quảng cáo của mỳ Gấu đỏ không sai về luật nhưng thiếu đi đạo lý, thiếu đi nhân văn

Một câu chuyện khác đáng bàn trong clip dài 44 giây của mỳ Gấu đỏ đang "nóng" trên truyền hình và các diễn đàn mạng là thông điệp truyền thông. Sự mập mờ trong thông điệp truyền thông khiến nhiều người dân nghĩ rằng phải mua mỳ Gấu đỏ mới là làm từ thiện. Sự mập mờ từ thông điệp truyền thông với PGS.TS Trịnh Hòa Bình là không thể chấp nhận được.

“Thông điệp trong truyền thông phải minh bạch nếu nó khiến người dân không hiểu hết dụ ý của doanh nghiệp, đây cũng có thể gọi là sự mập mờ khéo léo từ clip quảng cáo mì Gấu đỏ” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình đánh giá: Clip Gấu đỏ - gắn kết yêu thương của nhãn hàng Gấu đỏ không chỉ lấy đi lấy nước mắt của rất nhiều người, dấy lên một niềm thương cảm. Phía nhãn hàng Gấu đỏ đang “vay mượn” những giọt nước mắt, những sẻ chia đáng trân trọng của cộng đồng xã hội, để chung tay vì trẻ em nghèo khó.


Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này, kính mời độc giả theo dõi...


Điểm nóng
Tranh cãi về Clip mỳ Gấu đỏ Góc ảnh độc giả
Vụ bỏ đói bệnh nhân phong ở Hà Đông
Vẻ đẹp thanh tịnh ở những ngôi chùa đẹp nhất VN
Phì cười xem biển quảng cáo
Bấm xem ảnh đẹp
Điểm nóng: Hành trình tổ công tác đặc biệt 142
Bấm xem clip hot
Hoàng Lực