Thêm một PGS.TS viện Vật lý địa cầu nã pháo “Dị nhân”

30/06/2011 23:10
(GDVN) – Nói về việc có một người Việt Nam có thể dự báo chính xác động đất nhờ lý học Đông phương, PGS.TS Phương cho rằng đó là điều nhảm nhí.

(GDVN) – Trước tuyên bố dự báo chính xác động đất của “Dị nhân đuổi mưa” Nguyễn Vũ Tuấn Anh, PGS. TS Cao Đình Triều Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội KH&KT Địa Vật lý Việt Nam đã có lời thách ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh dự báo… tác hại của những trận động đất vừa xảy ra.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đến viện Vật lý địa cầu để gặp một chuyên gia nổi tiếng khác: PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

“Thế giới hiện vẫn bó tay…”

 

TS Nguyễn Hồng Phương
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương hiện là Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu). Ngay lập tức ông Phương đã thể hiện thẳng thắn quan điểm của mình. Ông cho rằng: Không thể dự báo được chính xác thời điểm, thời gian xảy ra động đất một cách cụ thể tới từng ngày, từng giờ, từng phút, trong khi động đất chỉ diễn ra trong từng giây, từng tích tắc.

Cách đây 7 năm, sau khi xảy ra trận động đất ở Indonesia (năm 2004), những người dân Việt Nam cũng bắt đầu tỏ ra hoang mang trước sức tàn phá ghê gớm của động đất, tuy nhiên, sự lo lắng đó chỉ rộ lên một khoảng thời gian rất ngắn, theo kiểu “chạy theo mốt”, chứ trong thâm tâm, họ chưa hoàn toàn hoảng sợ.

Tuy nhiên, trận động đất với cường độ lớn 9 độ richter đi kèm thảm kịch sóng thần vừa qua tại Nhật Bản đã gây bàng hoàng không chỉ cho người dân đất nước mặt trời mọc mà còn cho toàn thế giới. Người Việt Nam bắt đầu lo sợ thực sự và vấn đề về khả năng dự báo động đất giờ đây lại trở thành một đề tài nóng, bất chấp việc nhân loại từ trước đến nay đều tỏ ra bất lực trong lĩnh vực này...

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhận định: Thế giới  hiện vẫn phải bó tay trong những nỗ lực muốn dự báo chính xác về thời điểm phát sinh động đất. “Người ta chỉ có thể dự báo chính xác vị trí có khả năng xảy ra động đất, sức tàn phá cực đại tại vị trí đó, tuy nhiên về thời gian chính xác như ngày, giờ xảy ra trận động đất thì hoàn toàn không thể dự báo trước được”. Việc duy nhất các nhà khoa học thế giới có thể làm hiện nay là phát hiện và truyền bá thông tin kịp thời sau khi trận động đất xảy ra từ 3 – 5 phút.

Trước đó, ông Harley Benz thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cũng đã cho rằng, dù các nhà khoa học đã hiểu rõ về kết cấu địa chất và tình hình vận động kiến tạo mảng, nhưng hiện nay gần như vẫn chưa thể dự báo được về động đất. “Dù mưa bão, lũ lụt, thậm chí núi lửa phun trào đều có thể dự báo qua hình ảnh vệ tinh, nhưng dự báo thời gian cụ thể của động đất vẫn luôn là một việc khó khăn”, ông Harley nói.

Những vùng nào ở Việt Nam cần lo ngại động đất?


Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người do động đất gây ra tại nước ta là không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hoả hoạn, v.v… gây ra, song sẽ thật là sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm hoạ động đất.

Một số đô thị lớn và các khu công nghiệp của Việt nam hiện nay đang nằm trên những khu vực có độ nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn.

Chẳng hạn, thủ đô Hà Nội hiện đang nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp 8. Các khu vực dân cư và các công trình thuỷ điện lớn của đất nước tại Tây bắc như Điện biên, Lai Châu, Sơn la, v.v… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai.

Đà Nẵng, Dung Quất và một số khu vực đô thị của miền Trung nước ta cũng nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng chấn động động đất tới cấp 7.
Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt nam vẫn có mối hiểm hoạ động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với magnitude đạt tới 6,7-6,8 độ Richter và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử (1 trận vào thế kỷ 14) và bằng máy (2 trận vào thế kỷ 20) trên phần tây bắc lãnh thổ.
 

a
hủ đô Hà Nội hiện đang nằm trên vùng được dự báo phải chịu
đựng chấn động cấp 8.



Trong khi đó, ở ngoài khơi, trên vùng thềm lục địa đông nam đất nước, cũng đã ghi nhận được động đất đạt tới magnitude 6,1 (động đất Hòn Tro năm 1923).

 Phần phía nam của đất nước cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của động đất. Ngày 8 tháng 11 năm 2005, một trận động đất có độ lớn 5,1 độ Richte đã xảy ra ở vùng biển gần Vũng Tàu. Cùng ngày, một trận động đất lớn hơn có độ lớn 5,5 độ Richte lại xảy ra tại ngoài khơi Nam Trung bộ.

Mặc dù cả hai trận động đất này đều có độ lớn trung bình, và chấn động mà chúng tác động tới các khu vực đô thị chỉ lên tới cấp 5 tại Vũng Tàu và cấp 3 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ảnh hưởng của chúng gây ra đối với cộng đồng đô thị là hoàn toàn không nhỏ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chấn động lan truyền từ các trận động đất đã làm rung chuyển các toà nhà cao tầng, gây hoảng loạn trong nhân dân.
Rung động của động đất được cảm nhận tại một khu vực rộng lớn của miền Trung Nam bộ và Nam bộ, cả trên đất liền lẫn ngoài khơi.

Tại huyện đảo Phú Quý, cửa sổ nhiều ngôi nhà bị bật tung. Tại các giàn khoan ở mỏ Bạch hổ, động đất cũng đã làm cho giàn khoan số 6 bị chao nghiêng.

Động đất miền Bắc mãnh liệt hơn miền Nam


Từ những hiểm họa như vậy, năm 2007, Việt Nam đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần, là một thành viên của hệ thống cảnh báo sớm ở Thái Bình Dương gồm hơn 30 quốc gia.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu - Viện khoa học Việt Nam chịu trách nhiệm trước Nhà nước cảnh báo kịp thời tất cả các động thái động đất và sóng thần nếu động đất xảy ra trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam có độ lớn từ 3 độ Richter trở lên.

Các sản phẩm dự báo động đất tại Việt Nam  thể hiện ở dạng bản đồ dự báo trung hạn và dài hạn.

Từ biểu diễn phân bố của các chấn tâm động đất ghi nhận được và các hệ thống đứt gẫy kiến tạo có khả năng phát sinh động đất trên lãnh thổ và các vùng biển của Việt Nam, các nhà địa chấn Việt Nam đã thành lập các bản đồ phân vùng động đất và bản đồ độ nguy hiểm động đất.

Từ các bản đồ này có thể thấy rất rõ một số quy luật biểu hiện động đất ở Việt Nam như: Miền Bắc Việt Nam có độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so với miền Nam Việt Nam; những trận động đất mạnh nhất tập trung tại vùng tây bắc lãnh thổ Việt Nam; và trên phần phía nam đất nước, động đất xảy ra chủ yếu ở ngoài khơi, trên vùng thềm lục địa miền Trung và đông nam Việt Nam.

Trung Quốc: 2 lần đúng, vô số lần sai!

Trước đây, có một thời gian, Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu về cách dự báo động đất, và trên thực tế họ đã dự báo đúng được 2 lần. Trước thời điểm đó, Chính phủ nước này đã bắt người dân di dời nhà đi sơ tán và quả nhiên, động đất ngay sau đó đã xảy ra.

Tuy nhiên, tỉ lệ dự báo giữa đúng và sai chênh lệch vô cùng lớn. Ngoài việc dự báo đúng 2 trận thì các nhà khoa học địa chấn lại dự báo sai tất cả các trận động đất còn lại. Đây có thể coi là một đặc thù của loại hình thiên tai động đất này.

Việc dự báo chính xác thời điểm diễn ra trận động đất trở nên quá khó khăn. Liên quan tới cuộc động đất Nhật Bản vừa qua, Tiến sĩ Toán Lý Aleksey Liubushin, chuyên gia khoa học hàng đầu của Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) bằng cách thu thập và phân tích thông tin về các tín hiệu vi địa chấn, trước đó cũng chỉ dự báo được chung chung “trong giai đoạn 2010 – 2011”.

Bản thân Nhật Bản - một quốc gia có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật cao, nhiều chuyên gia nghiên cứu địa chấn cũng đã phải "bất lực”, họ không lường trước được sức tàn phá ghê gớm của động đất khi có 25.000 người chết và mất tích chỉ chớp nhoáng trong vòng 6 phút và hoàn toàn bất ngờ sau sự cố rò rỉ hạt nhân của nhà máy Fukushima.

Động đất luôn xảy ra ngẫu nhiên và bất thình lình, đặc biệt, khi nó tới thì rất nhanh và để lại hậu quả nghiêm trọng. Không ít người đã mất hết niềm tin vào khả năng dự báo động đất này.

Vì vậy, xu thế chung trên toàn thế giới hiện nay, kể cả những nước giàu mạnh thường xuyên đối mặt với tai nạn động đất đó là: Không thiên về đầu tư cho dự báo động đất một cách chính xác, mà tập trung vào hệ thống cảnh báo sớm động đất – sóng thần giúp cho toàn bộ xã hội có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, hiểm họa.

Sau thảm kịch tại Kobe, nước Nhật chỉ tập trung vào bàn bạc về các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa. Vấn đề dự đoán động đất đã bị đẩy lui về hàng thứ yếu.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cho rằng: Họ có thể đoán biết được động đất thông qua các biểu hiện của động vật. Một nhà khoa học đã từng đoán trận động đất ở tiểu bang California thông qua hiện tượng hàng trăm ngàn cá chết, cả triệu con cá đã di chuyển về Nam Mỹ Châu và những tiếng kêu thống thiết của cá voi gần bờ tại San Diego, hiện tượng full moon khi khoảng cách mặt trăng quá gần trái đất sẽ ảnh hưởng tới nước thủy triều. Hay là sự di cư hàng loạt của các đoàn ếch nhái là những yếu tố báo trước cho một cuộc động đất lớn tại Trung Quốc.

“Điều đó đúng nhưng phương pháp đó không thể dùng để dự báo được động đất vì nó chỉ diễn ra ngay trước khi động đất xảy ra ít phút. Hơn nữa, nếu muốn dự báo được hiện tượng thiên nhiên nào đó, chúng ta cần bề dày quan sát thực tế  từ vài trăm đến vài nghìn năm.

Ví dụ, một trận động đất mạnh có thể xảy ra sau một chu kỳ khoảng 1.000 năm thì chí ít chúng ta phải quan sát liên tục được động đất, có trạm ghi động đất trong vòng 1.000 năm thì dự báo của chúng ta mới chính xác. Trong khi đó, tại Việt Nam, động đất mới được ghi nhận bằng máy từ năm 1903, khoảng thời gian quan sát còn quá ngắn nên kết quả dự báo động đất chỉ mang tính chất mô hình, độ tin cậy không cao” - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết.

“Tôi không có thời gian cho những điều nhảm nhí”


Tại Mỹ, các nhà khoa học thuộc ĐH California, Berkeley cho biết họ có thể xác định được xem đó có phải là một trận động đất mạnh hay không bằng phương pháp đo đạc sóng địa chấn phát sinh ngay từ thời điểm động đất sắp sửa bắt đầu.

Tuy nhiên, thông tin này chỉ có thể giúp hình thành một hệ thống cảnh báo sớm từ vài giây đến vài chục giây trước khi một trận động đất diễn ra - một khoảng thời gian quá ngắn như vậy, liệu có đủ để những người trong khu vực bị ảnh hưởng có thể ngay lập tức tránh xa những nơi nguy hiểm, tìm chỗ trú ẩn khẩn cấp, làm giảm tỉ lệ thương vong trước những thảm họa tàn khốc do động đất gây nên?

Dù sao đi nữa, “Hiện tại, việc dự báo trước để người dân kịp chuẩn bị sơ tán là một đòi hỏi vượt quá khả năng của khoa học địa chấn thế giới. Cách tốt nhất để phòng tránh những tổn hại khủng khiếp do động đất gây ra đó là trang bị kiến thức, sự hiểu biết để biết được cách tự cứu mình khi có động đất xảy ra” - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.

Nói về việc có một người ở Việt Nam có thể dự báo chính xác động đất nhờ lý học Đông phương, mà không cần dùng các thiết bị và nghiên cứu thế giới đã dùng, PGS.TS Phương cho rằng đó là điều nhảm nhí. “Tôi không có thời gian cho những điều nhảm nhí ấy” – PGS.TS Phương chốt lại.

Phương Hạ

{iarelatednews articleid='6126,6076,5967,5960,5962,5961'}