Báo chí: Nghề chọn người

19/05/2012 16:26
Nguyễn Thị Huệ
(GDVN) - Nhiều người nghĩ: Nghề báo gắn với vinh quang, giàu có, đi nhiều nơi, tận hưởng nhiều điều. Không hẳn! Đó là nghề của nguy hiểm, áp lực và cám dỗ.

“Nghề chọn người” là nguyên tắc của nghề báo. Điều đó nói lên một điều rằng nghề báo rất khắt khe trong quá trình chọn người. Quá trình tác nghiệp đòi hỏi nhà báo cần phải có những phẩm chất: yêu nghề, có năng khiếu viết, giao tiếp tốt… đặc biệt có tính dũng cảm, dám xông pha, đối mặt trong mọi tình huống hiểm nguy.

Đối với những người hoạt động trong nghề, họ nhận thấy rõ tính khắc nghiệt của nghề báo, họ ý thức được rằng nghề báo là một nghề cao quý và đầy trách nhiệm. Mỗi bài viết được viết ra bằng chính mồ hôi và nước mắt của nhà báo. Thậm chí họ phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình.

Nhà báo vừa mang thiên chức là độc giả, đồng thời vừa là tác giả, họ vừa nhận được những khoản thù lao xứng đáng nhưng đồng thời cũng là người gánh chịu sự trả thù, bôi nhọ từ ngay phía độc giả của mình. Nhiều người tự hỏi: “nhà báo có công hay có tội”?

Những người viết báo, họ có công, mang nặng trách nhiệm trước độc giả của mình. Một bài viết không chỉ đơn thuần mang tính thông tin, thời sự đáp ứng nhu cầu tin tức của độc giả. Hơn thế nữa họ còn canh cánh trong lòng một thiên chức định hướng, giáo dục, tác động dư luận.

Đó là khi họ thẳng thắn bộc lộ lập trường khách quan, chân thật, phản ánh đúng bản chất của sự vật, sự việc, đúng hơn là thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước giao phó. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI chỉ rõ cho công tác báo chí và những người viết báo: “Phải đảm bảo tính chân thực, nâng cao chất lượng, tăng cường tính quần chúng và tính chiến đấu, khắc phục tình trạng giản đơn, đơn điệu, hời hợt, sáo rỗng, một chiều”.

Mặt khác, một sô người cầm bút biến mình thành những “kẻ săn tin” bất chấp các giá trị đạo đức và luật pháp, và trở thành kẻ có tội trước công luận.

Vấn đề đặt ra là, một bài báo viết đúng thực tế, chân thật phải trả bằng máu của chính người viết, đó là sự trả giá quá đắt. Bài viết sau khi đến với độc giả đã nhanh chóng để lại những hệ lụy tai ương cho người viết. Ngay lập tức mối thù hằn, sự nguy hại vây quanh cánh nhà báo. Có phải lúc nào sự thật cũng là an toàn?

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có ít nhất 8 vụ hành hung, lăng mạ nhà báo khi tác nghiệp và rất hãn hữu các trường hợp cản trở nhà báo tác nghiệp bị xử lý nghiêm. Tiêu biểu là vụ nhà báo Hoàng Dưỡng (Đài PT-TH huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc) khi phản ánh tình trạng lâm tặc lộng hành tàn phá rừng ở huyện Buôn Đôn, đã bị lâm tặc vây đánh gây tổn hại 12% sức khỏe nhưng hiện tại, những kẻ gây thương tích cho nhà báo Hoàng Dưỡng vẫn nhởn nhơ. Nữ nhà báo Hoàng Thiên Nga (báo Tiền Phong) khi phản ánh một vụ việc tiêu cực đã bị đốt cả xe ô tô; nhà báo Cao Hùng (báo Lao Động) trong cả tuần ngày nào cũng nhận được điện thoại đe dọa giết khi phản ánh về cái chết bất thường của một học viên tại một trung tâm cai nghiện,…

Hậu quả của những hành vi này ở mức độ nhẹ nhất là nhà báo không hoàn thành được tác phẩm báo chí, còn xét rộng ra nếu nhà báo sau quá nhiều lần bị gây khó dễ, thiệt hại về tài sản, tính mạng sẽ dẫn đến thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm trong phản ánh sự việc, ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội.

Không phải bất cứ ai khi dấn thân vào nghề này cũng có thể thích ứng ngay lập tức. Chính những áp lực công việc đã yêu cầu đội ngũ cầm bút phải: có năng khiếu viết, tư duy sắc bén, con mắt quan sát tinh tường… Và đặc biệt sự thử thách lớn nhất mà nhà báo phải đối mặt là sự cám dỗ. Họ phải chấp nhận mọi sự chê trách, phê bình, đe dọa để hoàn thành nhiệm vụ thu thập thông tin. Vì thế cũng đòi hỏi nhà báo phải có tính kiên nhẫn, bình tĩnh, xử lý khéo léo mọi tình huống.

Sự được, mất trong nghề báo dường như không có ranh giới. Hiện nay rất nhiều những sinh viên đang theo học nghề này, họ vẫn nhìn nghề với con mắt chủ quan, phiến diện. Đến với nghề báo là đến với niềm vinh quang, sự giàu có, được đi nhiều nơi, tận hưởng nhiều điều. Chính tôi cũng đã từng hiểu sai như vậy. Nhưng những vất vả trong cuộc tiếp cận thực tiễn đầu tiên đã giúp bản thân tôi nhận thức một cách nghiêm túc hơn đối với nghề: “đó là một nghề không hề đơn giản”.

Để nghề báo luôn gắn liền với 2 từ cao quý - "sự thật", cần sự hợp sức của rất nhiều người và lực lượng có trách nhiệm trong xã hội.


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn




Nguyễn Thị Huệ